Thể thao

Beckham thoát họa 'Escobar thứ hai' như thế nào?

Theo Bongdacuocsong
Chia sẻ

Sau khi bị loại ở World Cup 94, Andres Escobar cùng đội tuyển Colombia về nước, và lập tức bị bắn chết. Điều tương tự suýt xảy ra với David Beckham 4 năm sau đó, khi anh trở thành tội đồ của đội tuyển Anh vì chiếc thẻ đỏ ngớ ngẩn trước Argentina.

NIÊM HY VỌNG TRƯỚC TRẬN

Kỳ World Cup 98 khởi đầu với Beckham không hề suôn sẻ. Anh góp mặt trong tất cả các trận ở vòng loại, nhưng 2 trận vòng bảng đầu tiên lại không hề được thi đấu. HLV trưởng Glenn Hoddle khi đó công khai chỉ trích Beckham không tập trung với đội tuyển. Phải đến trận đấu cuối cùng quyết định tấm vé đi tiếp, Beckham mới được đá chính. Anh lập tức ghi dấu ấn bằng bàn thắng từ một quả đá phạt cách khung thành 30 mét.

Đội bóng bị Beckham sút tung lưới hôm đó, trùng hợp thay, lại chính là… Colombia. Một lần nữa Colombia bị loại ngay vòng bảng World Cup, nhưng lần này không có Escobar nào bị gắn mác tội đồ và bắn chết cả. Trớ trêu hơn, người kết liễu họ, David Beckham, lại suýt chút nữa trở thành Escobar thứ hai.

Vượt qua vòng bảng, Anh lập tức chạm trán thử thách mang tên Argentina. Một cuộc đối đầu quá nhiều duyên nợ cả về bóng đá lẫn chính trị. Người Anh vẫn chưa hết đau đớn sau khi bị Maradona loại bởi “bàn tay của Chúa” ở Mexico 86.

Bốn năm trước sự kiện đó, người Anh nổ súng tái chiếm đảo Falkland - vùng đất nằm ngay trước mũi Argentina. Chính quyền Argentina khi đó đã phải đầu hàng sau khi “bà đầm thép” Margaret Thatcher hạ lệnh bắn ngư lôi làm một siêu tàu chiến của Argentina chìm nghỉm, khiến hơn 300 thủy thủ thiệt mạng.

Beckham được kỳ vọng sẽ là người mang về chiến thắng cho ĐT Anh trước Argentina sau khi tỏa sáng ở vòng bảng

“Đứng sau chúng tôi là 2 quốc gia thù địch, chúng tôi bị ném vào một trận đấu chỉ có sống hoặc chết”, thủ môn Carlos Roa của Argentina chia sẻ. “Bạn thường nghe những câu nói đại loại như lịch sử đã bị quên lãng, một trận bóng đá chỉ đơn thuần là bóng đá thôi. Vâng, tất cả đều là bịp bợm đấy. Với người Anh, thất bại đó sẽ như một vụ nổ vậy. Với người Argentina cũng vậy thôi”.

Báo chí Anh là những người rầm rộ khơi mào và tiếp dầu cho lửa chiến. Họ tìm mọi cách để chế nhạo Argentina trước trận đấu, bao gồm cả việc lôi gốc gác Argentina của… tuyển thủ Anh Graeme Le Saux ra bàn tán. Adidas hùa theo bằng cách chạy một quảng cáo có hình David Beckham kèm khẩu hiệu: “Sau đêm nay, trận đấu giữa Anh và Argentina sẽ được nhớ đến nhờ đôi chân của cầu thủ này”.

Nói trước bước không qua. Điều Adidas tiên đoán đã hoàn toàn trở thành sự thực, nhưng theo kết quả trái ngược hẳn những gì họ tính toán.

Trước trận đấu, HLV Glenn Hoddle hoàn toàn tự tin về khả năng chọc thủng lưới Argentina - đội bóng không phải nhận bàn thua nào trong 8 trận gần nhất. “Nếu tập trung hướng về họ”, Hoddle bảo các cầu thủ, “tôi hứa các cậu sẽ tìm thấy điểm yếu sau lưng họ”. Ở thời điểm đó ĐT Anh đang khốn đốn vì cơn bão chấn thương, cũng như việc Paul Gascoigne bị loại khỏi đội tuyển trước thềm World Cup.

Sau trận đấu giữa Pháp và Brazil ở Mexico 86, phải đợi tròn 12 năm mới có một trận đấu không phải chung kết được trông chờ như thế. Cả Anh và Argentina khi đó đều sở hữu dàn cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của mình. Sân vận động ở Saint - Etienne vốn chỉ có 3 vạn chỗ ngồi càng trở nên nóng đến nghẹt thở hơn bao giờ hết.

RƯỢT ĐUỔI NGHẸT THỞ

Owen suýt chút nữa mở tỷ số cho ĐT Anh từ rất sớm, nhưng Argentina mới là đội làm được điều đó. Phút thứ 5, Simeone băng xuống và tinh quái ngã ra khi va chạm với Seaman. Trên chấm phạt đền “Vua sư tử” Batigol với mái tóc húi cua đầy lạ lẫm dứt điểm thành công mở tỷ số cho Argentina. Nhưng Anh chỉ mất đúng 4 phút để đưa trận đấu trở lại thế cân bằng. Owen đột phá bằng cách lao qua khoảng trống giữa Nelson Vivas và Roberto Ayala rồi ngã xuống. Lần này người sút phạt đền thành công là Alan Shearer.

Trên thực tế, tình huống thổi phạt đền đó vẫn gây tranh cãi đến tận hôm nay. Sau này Hoddle có nói ông bảo các cầu thủ hãy chủ động ngã nếu có va chạm với đối phương, nhưng không hề khuyến khích ăn vạ. Bản thân Owen trong tự truyện mơ hồ nói anh không chắc tình huống đó có phải một quả phạt đền chuẩn xác hay không. Owen viện dẫn khi đó anh đang chạy rất nhanh, và chỉ cần va chạm nhẹ là có thể ngã ra như vậy.

Ngày hôm đó, Owen như Maradona của 12 năm trước. 7 phút sau khi góp phần làm nên bàn gỡ hòa xấu xí đó, Owen khiến hàng thủ Argentina khiếp sợ bằng một trong những bàn thắng ấn tượng nhất lịch sử World Cup. Nhận bóng từ chân Beckham, Owen chạy một mạch từ vòng tròn giữa sân vượt qua Jose Chamot. Sau đó, anh chỉ cần một pha gạt bóng để loại bỏ Ayala, rồi tung ra cú sút chéo góc tung lưới Argentina.

2 đội đã có màn rượt đuổi tỷ số nghẹt thở với nhân vật chính là Owen bằng 2 bàn thắng gần giống Maradona tại World Cup 1986

Kỹ thuật, tốc độ, sức mạnh, tất cả đều được Owen thể hiện ở pha bóng đó. Chỉ bằng một bàn thắng, Owen khiến tất cả phải chú ý đến anh không khác nào người ngoài hành tinh Ronaldo. Không thể tin nổi khi đó Owen mới 18 tuổi. Chưa từng có cầu thủ trẻ nào gây ấn tượng ở ĐT Anh trong một giải đấu lớn như Owen, trừ Rooney tại EURO 2004. Bản thân Diego Maradona chia sẻ Owen chính là “điều tốt đẹp duy nhất” ông thấy được ở France 98.

Anh và Owen cố gắng giành chiến thắng theo đúng tinh thần Ăng-lê, trực diện và thẳng thắn. Trái ngược lại, Argentina lại tìm cách chiến thắng bằng mưu mẹo. Sau khi gỡ hòa ở phút bù giờ thứ nhất của hiệp 1, Argentina trở lại trong hiệp 2 với tinh thần sắt đá. Tâm điểm lần này là Diego Simeone.

CÁI BẪY CỦA SIMEONE

Phút 47, Simeone vào bóng thô bạo khiến Beckham phải nằm dài trên mặt cỏ. Sau đó là màn tác động ngầm khiến cầu thủ trẻ của M.U tức tối trả đũa theo cách không thể trẻ con hơn. Đang nằm trên sân, Beckham co chân lên đá nhẹ vào chân Simeone. Ngay lập tức, đội trưởng của Argentina ngã lăn lộn trên sân như thể vừa bị đạp đầy đau đớn.

Trọng tài chính Nielsen chạy tới rút thẻ vàng cảnh cáo Simeone, nhưng tặng ngay cho Beckham một tấm thẻ đỏ. Chơi thiếu người, Anh không thể ép sân như trước và phải kéo dài trận đấu đến loạt đá luân lưu rồi thất trận. Vài tháng sau khi World Cup khép lại, Simeone hả hê nói về “chiến công” đó: “Trọng tài đơn giản là rơi vào bẫy. Đó là một tình huống rất khó quyết định, rất khó trốn tránh vì tôi ngã rất đẹp”.

12 năm kể từ bàn tay của Chúa, người Anh một lần nữa bị Argentina loại bằng thủ đoạn. Nhưng lần này, thay vì đổ hết tội lỗi lên đối phương, truyền thông Anh đồng loạt chĩa mũi dùi về phía một cầu thủ. Người kế thừa số 7 huyền thoại tại Manchester United khi đó nhận vô vàn chỉ trích, chứ không phải Paul Ince hay David Batty, những tội đồ đá hỏng phạt đền.

Trở về phòng thay đồ sau trận thua Argentina, các cầu thủ Anh im lặng không nói một tiếng nào. “Chúng ta đã chơi tốt”, Tony Adams lên tiếng. “Thôi nào, đi tắm rồi ra khỏi đây thôi”. Chỉ có duy nhất một người ngồi lỳ ở đó, là Beckham:

“Em thực lòng xin lỗi, Tone”

“Thôi nào đừng xin lỗi nữa, chuyện đã xảy ra rồi. Mọi người đều yêu mến cậu, ngẩng cao đầu lên nào”.

Phòng thay đồ ĐT Anh ngày hôm đó chìm trong bộn bề cảm xúc của nỗi buồn. HLV trưởng Glenn Hoddle đi vòng quanh các cầu thủ, cảm ơn từng người một. Điều này làm mọi cầu thủ đều cảm thấy ấn tượng, bởi ông quan tâm đến cảm xúc của từng người. Do đó, mọi mặc cảm, ẩn ức của cầu thủ với Hoddle bỗng tan biến hết.

Nhưng sang hiệp 2, Simeone và Bekham mới là tâm điểm khi Beckham bị đuổi sau khi có màn trả đũa trẻ con với Simeone

Cầu thủ duy nhất chưa cảm thấy nhẹ lòng trong đêm hôm đó là Beckham. Anh gần như đổ gục xuống khi gặp bố mẹ bên ngoài sân vận động sau trận đấu. Beckham quay bốn phương tám hướng tránh né mọi ống kính chụp hình. May phước cho anh là hôm đó không tờ báo nào biết tin Beckham lén đổi áo với Veron ở bãi đỗ xe sau trận.

Theo lời Gary Neville, thất bại của ĐT Anh ở France 98 nhân nỗi thất vọng lên bội phần bởi trước đó Anh đã đánh bại cả Brazil, Pháp và Hà Lan trước thềm World Cup. Với lý do đó, người hâm mộ tin không một đội bóng nào có thể cản bước Anh. Chìm trong thất vọng, người Anh đổ hết tội lỗi lên đầu một cầu thủ. Báo chí Anh hùa theo bằng những tiêu đề như “Mười chú sư tử anh hùng và một thằng ngu” để chế nhạo Beckham.

Bản thân Hoddle cũng nói hớ trước báo chí khi cho biết “Tôi không thể phủ nhận việc bị mất người đã khiến chúng tôi thua trận”. Hoddle hoàn toàn không có ý đổ lỗi cho Beckham, nhưng trong hoàn cảnh đó, tất cả mọi người đều tin là như vậy. Những tuyển thủ khác nhìn nhận việc Beckham hành động bồng bột như vậy một phần do cảm giác ức chế vì phải ngồi ngoài 2 trận đầu tiên, dù khi đó anh đã là trụ cột ở M.U.

CƠN MƯA CHỈ TRÍCH VÀ HĂM DỌA

Tấm thẻ đỏ đó suýt chút nữa khiến Beckham trở thành một Escobar thứ hai. Ngày ĐT Anh về nước, báo chí giật tít “Beckham có thể mang cái thái độ đó đi chơi bóng ở đâu cũng được, trừ ĐT Anh”. Hơn 2.500 người gọi điện đến các đài phát thanh ở Anh yêu cầu Beckham không bao giờ lên tuyển nữa. Lúc đó anh mới 23 tuổi.

Sau này Beckham chia sẻ: “Tôi nghĩ những người khác sẽ rất khó hiểu được tôi và gia đình đã trải qua những gì vài tháng sau khi World Cup khép lại”. Cảnh sát phải tới yêu cầu bảo vệ gia đình Beckham vì không đảm bảo an toàn. Thậm chí Beckham còn nhận được thư nặc danh với một vỏ đạn bên trong.

Sau chiếc thẻ đỏ này, Beckham đã bị cả nước Anh lên án, thậm chí suýt bị giết

Một đêm nọ, khi Beckham đang ở nhà một mình thì nghe thấy có tiếng động trong vườn. Nhảy khỏi giường ngủ, Beckham nhìn ra cửa sổ và thấy một gã đàn ông lực lưỡng nhìn chằm chằm anh, cánh tay gồng lên. Hai bên nhìn nhau trong vài giây. Beckham sợ chếp khiếp nhưng cũng cố trấn tĩnh, mở cửa sổ gào lên “Mày muốn gì?”. Rồi anh sập cửa lại và báo cảnh sát. Nếu ngày hôm đó gã đàn ông kia mang theo súng, Beckham rất có thể đã thành Escobar thứ hai.

Điểm mạnh của Beckham, theo như nhận xét từ Sir Alex Ferguson, đó là anh không bao giờ để bản thân bị những sai lầm cá nhân ám ảnh. Lý do rất đơn giản: Beckham không bao giờ nghĩ mình sai! Thế nên sau màn trình diễn thảm họa ở World Cup, Beckham nhanh chóng trở lại phong độ đỉnh cao, cùng M.U giành cú ăn ba. 2 năm sau France 98, anh đeo băng đội trưởng ĐT Anh.

Về chiếc thẻ đỏ ngốc nghếch ở kỳ World Cup năm đó, ở những góc quay khác, chiêu trò ăn vạ của Simeone được làm rõ. Nhờ vậy Beckham được thông cảm nhiều hơn thay vì chỉ trích. Bản thân HLV Ferguson còn khẳng định trọng tài Nielsen rút thẻ đỏ với Beckham chỉ vì… không ưa cầu thủ Anh. Ferguson có lý: 6 năm sau đó, Nielsen rút thẻ đỏ đuổi Rooney ở Champions League chỉ vì anh vỗ tay sau khi phải nhận thẻ vàng, nghĩ anh chế nhạo trọng tài.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdacuocsong

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất