Thể thao

Bầu Đức đặc biệt như thế nào?

Văn Nhân
Chia sẻ

Có một điểm nhấn quan trọng nhất trong việc CLB HAGL đang chơi hay ở V.League 2021, đó là bầu Đức chịu chơi.

Tại sao HAGL thay đổi lớn ở V.League 2021?

CLB HAGL so với 6 mùa bóng trước có rất nhiều sự thay đổi. Kiatisak làm HLV trưởng. Tuấn Linh, Văn Việt, Hữu Tuấn, Kiên Quyết... là những nội binh chất lượng được đưa về HAGL. Ngoại binh được trao toàn quyền cho HLV Kiatisak chọn lựa. "Zico Thái" chấm ai thì bầu Đức gật đầu. Tất cả cầu thủ thuộc biên chế CLB HAGL được gọi về cho Kiatisak xem xét giữ ai, sau đó mới cho các đội bóng khác mượn.

Đã từng có thời điểm bầu Đức gần như chán sân chơi V.League. Ông hiếm khi đến sân Pleiku xem đội nhà thi đấu. Không chỉ vì lý do công việc quá bận mà còn liên quan đến nỗi niềm của một người yêu và tâm huyết của bóng đá. Đó là quan điểm chưa bao giờ thay đổi về chuyện liên minh "năm đánh một", thiếu sự minh bạch trong suy nghĩ của ông chủ phố Núi. 

Không ai chơi lớn và "ném" nhiều tiền vào một cuộc đua mà họ nghĩ thiếu minh bạch, tỷ lệ chiến thắng gần như không có. Bầu Đức càng không chấp nhận chơi kiểu như thế. 

Bầu Đức đặc biệt như thế nào? Ảnh 1
Bầu Đức nhìn thấy được cơ hội của CLB HAGL sau khi V.League thay đổi thể thức.

Sự dịch chuyển của CLB HAGL trong mùa bóng 2021 là minh chứng rõ nhất. Câu chuyện này phải nhìn qua lăng kính CLB Viettel đã vô địch V.League 2020.

Dịch COVID-19 khiến cho V.League 2020 liên tục bị hoãn. VPF thay đổi bằng phương án đá hai giai đoạn gồm Top đầu đua vô địch và Top đá trụ hạng. Nhờ vậy, CLB Viettel đã vượt qua Hà Nội FC để giành chức vô địch.

"Hậu duệ" Thể Công mua một số cầu thủ giỏi như Trọng Hoàng, Vũ Minh Tuấn, Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc đã lập tức thành công. Bầu Đức nhìn thấy được điều này thì phải suy nghĩ về CLB HAGL, cũng như biết được cuộc chơi ở V.League đã thay đổi. Một yếu tố khác là CLB Quảng Nam bị rớt hạng.  

Đúng hơn, một ông chủ giỏi như bầu Đức phải cảm nhận được cơ hội của CLB HAGL sau khi V.League thay đổi thể thức. Ông không còn phải lo lắng nhiều về chuyện "năm đánh một", ít nhất là giảm nguy cơ nhiều hơn so với chuyện đá như thể thức cũ.

Nhìn trọn vẹn câu chuyện HAGL thay đổi, điều quan trọng nhất là bầu Đức rất yêu bóng đá, rất "máu" làm bóng đá và khát vọng thấy đội bóng phố Núi bay cao. Chỉ là cuộc chơi ở V.League đã có nhiều rào cản vô hình nên từng khiến cho bầu Đức không hứng thú chơi lớn.

Đến tiếng phản biện của bầu Đức

Kể từ thời điểm CLB Đà Nẵng vô địch V.League trong sự tranh cãi của bầu Thụy về chuyện "một ông chủ hai đội bóng", sân chơi V.League chia tay khoảng 10 ông bầu. Những ông chủ cứ đến rồi đi, có người từ bỏ cuộc chơi nói đầy cảm thán về giải đấu số 1 Việt Nam. Bầu Quyết là người gần nhất nghỉ, ông cho rằng một mình CLB Thanh Hóa không thể vô địch. 

Dấu lặng về các ông bầu cứ lần lượt chia tay V.League trong 10 năm qua, đó là nỗi buồn của bóng đá Việt Nam. Hai người vẫn tiếp tục gắn bó với V.League là bầu Đức và bầu Hiển. 

Một điều may mắn cho bóng đá Việt Nam là bầu Đức không ngừng dành tình yêu cho bóng đá, ông còn phản biện với sự xấu xí ở V.League. Tính cách dị biệt của ông chủ phố Núi đôi lúc khiến cho một số người cảm thấy khó chịu, ví dụ như hôm 12/4 nói về chuyện ông chủ tịch cười toe toét khi đội nhà thua Hà Nội FC đến 4 bàn. 

Nhưng một ông bầu gắn bó 20 năm với bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn "máu" phản biện chắc chắn là sự may mắn cho V.League. Nếu bầu Đức không nói thì ai dám nói? 

Câu trả lời là phần lớn chọn cách im lặng, tránh sự đụng chạm. Một trong những lý do là nhiều Chủ tịch CLB ở V.League được chọn, hoặc thuê vào ngồi để điều hành đội bóng. Họ không có thực quyền như bầu Đức, và không phải ai cũng có được cá tính đặc biệt.

Ngược dòng quá khứ để thấy tường tận vấn đề nêu trên, 5 năm trở lại đây thì các câu chuyện phản biện của bóng đá Việt Nam đều đến từ bầu Đức. 

Bầu Đức đặc biệt như thế nào? Ảnh 2
Không có sự phản biện của bầu Đức thì bóng đá Việt Nam không có HLV Park Hang Seo để mở ra một loạt thành công. 

Năm 2017, bầu Đức lên tiếng phản đối HLV Hoàng Anh Tuấn được đề cử làm HLV trưởng tuyển Việt Nam. Nên nhớ, ông Tuấn đang được xem như "người hùng" khi cùng U20 Việt Nam dự VCK U20 World Cup ở Hàn Quốc. Nếu bầu Đức không lên tiếng thì ĐTQG không có HLV Park Hang Seo. 

Năm 2018, bầu Đức phản đối chuyện bầu Tú ngồi cả 3 ghế to ở VPF, sau đó còn muốn làm phó chủ tịch tài chính VFF. Nếu không có tiếng nói của bầu Đức thì bầu Tú có thể đi vào lịch sử bóng đá nước nhà với tư thế một người ngồi rất nhiều ghế quan trọng.

Cũng trong năm 2018, bầu Đức phản ứng chuyện bằng cấp ở VFF. Một loạt sự xấu xí, thiếu đoàn kết ở VFF sau đó bị trưng ra dư luận. 

Năm 2019, bầu Đức nói về chuyện "năm đánh một" và nhận định CLB TPHCM không thể vô địch V.League. Một phát biểu được xem là "kinh điển" ở sân chơi V.League và CLB TPHCM chỉ giành ngôi Á quân.

Bốn vấn đề nêu trên về tiếng phản biện của bầu Đức, tất cả đều đúng và trúng, là tâm tư của người hâm mộ yêu bóng đá Việt Nam. 

Nhân vô thập toàn. Không có ai là hoàn hảo và đúng hết 100%, kể cả bầu Đức cũng có không ít điểm khuyết trong 20 năm làm bóng đá. Nhưng nhìn về sân chơi V.League từ gốc rễ đến chuyện các ông bầu đến rồi đi, người hâm mộ phải vui khi bầu Đức đang còn phản biện, tâm huyết với tình yêu bóng đá. 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất