Thể thao

HAGL của bầu Đức có cần vô địch V.League để lứa Công Phượng được đeo mề đay trên cổ?

Văn Nhân
Chia sẻ

Làm bóng đá nếu không cố giành thành tích là một nghịch lý. Nhưng đặt trong bối cảnh chung của bóng đá Việt Nam thì vô địch liệu có phải thước đo lớn nhất?

Hãy đặt ra một loạt câu hỏi như thế này:

Nếu làm bóng đá không giành lấy thành tích thì làm để làm gì?

Đào tạo cầu thủ không cần thành tích thì đào tạo làm gì? 

Có cầu thủ nào không muốn vô địch?

Có ông chủ nào đầu tư bóng đá không cần thành tích?

Có CĐV nào không khát khao nhìn thấy đội nhà vô địch?

Thế nên, HAGL của bầu Đức bảo đá vui nhưng nếu có cơ hội thì chắc chắn cũng gặt hái thành công ở V.League. Thậm chí, bầu Đức phải đầu tư mạnh để HAGL vô địch V.League, bởi ông đang có một lứa cầu thủ được rất nhiều người hâm mô yêu mến. 

Dù vậy, câu chuyện trên chỉ đúng nếu chức vô địch tạo ra giá trị lớn, có ý nghĩa khiến tất cả cùng khát khao chứ không riêng HAGL của bầu Đức. Nghịch lý là bóng đá Việt Nam lúc này không còn nhiều đội bóng giàu tham vọng cho cuộc đua ngôi vương.

Nhà vô địch V.League 2017, CLB Quảng Nam đang trên đường về lại hạng Nhất nếu không có kỳ tích xuất hiện trong những vòng đấu tới. Thể thức mới của V.League khiến cho Quảng Nam trở nên đơn độc, họ không còn gặp những đội bóng được người hâm mộ hay gọi vui là "gà cùng một mẹ". 

Quảng Nam có rớt hạng thì cũng bình thường nếu đặt vào nghịch lý của bóng đá Việt Nam. Đó là chuyện nhà vô địch ở V.League giống như "đội bóng nhựa", tức thiếu sự đầu tư lớn của ông chủ thì thoi thóp, thậm chí đứt gánh giữa đường. 

Trên thế giới, các đội bóng vô địch thì câu chuyện được quan tâm là họ lãi như thế nào. Ở Việt Nam, điều được quan tâm là nhà vô địch được thưởng bao nhiêu, tức ông chủ chi ra sao cho đội bóng để vinh danh họ.

Ví dụ CLB Quảng Nam vô địch V.League 2017, sau đó số tiền nhận được nhiều nhất là bầu Hiển thưởng 8 tỷ đồng. Đội bóng xứ Quảng có thêm 3,3 tỷ đồng từ Ban tổ chức V.League và Siêu Cup, 800 triệu đồng từ Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Quảng Nam.

Thời điểm đó, ông Lê Nguyên Hồng còn làm Chủ tịch CLB Quảng Nam nói cảm ơn bầu Hiển và tập đoàn tài trợ lớn, giúp đội bóng xứ Quảng có được một mùa giải thành công.

Câu chuyện của CLB Quảng Nam còn được quan tâm ở những mùa bóng tiếp theo. Năm ngoái, họ được CLB Hà Nội chi viện từ quân đến "tướng" để trụ hạng thành công. Thậm chí, Quảng Nam vô đến chung kết Cúp quốc gia, sau đó thua Hà Nội FC. Đêm mừng chiến thắng của đội bóng Thủ đô thì thầy trò HLV Vũ Hồng Việt đến hát mừng đối thủ, trong đó có sự chứng kiến của Tổng thư ký VFF - Lê Hoài Anh.

Bây giờ, Quảng Nam - nhà vô địch V.League 2017 đang có nguy cơ rớt hạng. Nếu cựu vương V.League về hạng Nhất coi như câu chuyện lịch sử của bóng đá Việt Nam, là một bài học lớn cho các đội bóng khác về việc vô địch rồi... "lao dốc" không phanh.

Một nhà vô địch V.League khác là Bình Dương, bây giờ cũng đá không còn tham vọng bay cao. Bình Dương vô địch V.League 2014, nhiều ý kiến nhắm vào việc không đông khán giả đến chia vui. Năm sau (2015), Bình Dương quyết định đi xa nhà mừng vô địch, họ đến sân Cao Lãnh của Đồng Tháp để đăng quang. Hôm đó, sân của đội bóng miền Tây có nhiều hoạt động bên lề nhằm kéo khán giả đến sân. Kết quả, Bình Dương vẫn mừng chức vô địch trong sự trống vắng.

Hà Nội FC, trước khi có lứa Quang Hải thì có nhiều trận đấu đá sân khách đông CĐV hơn sân nhà. Còn chỉ số niềm tin của người hâm mộ dành cho đội bóng Thủ đô, độc giả có thể kiểm chứng qua fanpage chính thức của Hà Nội FC sau những trận đấu như hòa Quảng Nam ở lượt đi V.League 2020.

Bóng đá Việt Nam bây giờ chưa có nhà vô địch nào nhận được sự đón nhận lớn từ người hâm mộ như Thể Công, SLNA, HAGL, Long An vô địch trong quá khứ. Lý do thời điểm đó chưa có định kiến kiểu như "một ông chủ hai đội bóng", hay "5 đánh 1"...

Bầu Đức có cần HAGL vô địch V.League? Ảnh 1
Giá trị lớn nhất với bóng đá Việt Nam là cho ra đời những cầu thủ tài đức vẹn toàn, chứ không phải bỏ tiền mua ngôi sao để vô địch V.League.

Do đó, cầu thủ cần những chiếc mề đay đeo trên cổ để cho thấy được sự thành công trong sự nghiệp, nhưng giá trị lớn hơn chính là tiền thưởng từ ông chủ. Sau mỗi chức vô địch, đội nhà được trao hàng chục tỷ để chia ra mỗi người vài trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ. 

Cũng từ nghịch lý từ những câu chuyện nhà vô địch V.League, chúng ta có thể đặt câu hỏi gồm hai vế: Một đội đào tạo ra lứa cầu thủ giỏi và một đội đầu tư để vô địch, điều nào quan trọng hơn nếu đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam?

Lấy một minh chứng thực tế là CLB Quảng Nam vô địch V.League 2017 và HAGL của bầu Đức suýt rớt hạng năm 2015. Có bao nhiêu độc giả quan tâm đến các cầu thủ của đội bóng xứ Quảng, hay đến bao giờ đội bóng này có thể gây ra cảnh "vỡ sân" ở V.League như CLB HAGL?

Cụ thể hơn, nhà vô địch V.League 2017 - CLB Quảng Nam có nguy cơ rớt hạng, liệu có được quan tâm bằng HAGL đá thua Hà Nội FC?

Vậy đầu tư để vô địch V.League liệu có quan trọng hơn việc đào tạo ra một lứa cầu thủ tiềm năng, tài đức vẹn toàn trên sân cỏ, sau đó cống hiến cho các ĐTQG?

Rõ ràng, chuyện tham vọng giành thành tích trong bóng đá là điều cần thiết. Nhưng giá trị của chức vô địch V.League bây giờ đang kém giá trị hơn so với chuyện đào tạo ra những cầu thủ giỏi cho bóng đá nước nhà. 

Là một người gắn bó 20 năm với bóng đá chuyên nghiệp, từng 2 lần vô địch V.League, mua rất nhiều cầu thủ giỏi đình đám, bầu Đức có lẽ hiểu rõ câu chuyện này hơn ai hết để có một sự lựa tốt nhất cho việc đóng góp vì bóng đá Việt Nam!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất