Thể thao

Ai bảo vệ đôi chân các cầu thủ ĐTVN?

Văn Nhân
Chia sẻ

Vũ Văn Thanh mất AFF Cup 2018 vì chấn thương đứt dây chằng, một tin không vui cho bóng đá Việt Nam. Và đằng sau là câu chuyện đáng để những người làm bóng đá cần nghiêm túc nhìn nhận về y học thể thao.

Chấn thương là một phần của bóng đá. Vũ Văn Thanh lỡ AFF Cup 2018 vì đứt dây chằng là chuyện buồn của hậu vệ HAGL, đó còn là tổn thất cho ĐTVN khi ông Park Hang Seo tin dùng Văn Thanh trong hơn 1 năm qua.

Vắng Văn Thanh, ông Park sẽ tìm cách bịt lỗ hổng bằng những nhân tố khác, xoay chiến thuật… Đó là vấn đề con người và chuyên môn được quyết định bởi HLV. Ông Park sẽ có cách giải quyết vì Văn Thanh chưa thể nói quan trọng đến mức quyết định thành bại của ĐTVN. Tuy nhiên, đằng sau chấn thương của Văn Thanh là câu chuyện quan trọng cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc với bóng đá Việt Nam.

Bác sỹ Đồng Xuân Lâm đã tiết lộ là chụp MRI lần đầu tại Hàm Rồng (Gia Lai) cho Văn Thanh thì máy móc không được tốt lắm. Sau đó, ông Lâm mới đưa Văn Thanh xuống TP.HCM kiểm tra và phát hiện đứt dây chằng.

Bác sỹ Đồng Xuân Lâm và Vũ Văn Thanh.

Trường hợp của Văn Thanh được chuẩn đoán là đứt phần lõi dây chằng nên có thể vận động được 80%. Dẫu vậy, CLB HAGL quyết định đưa Văn Thanh đi Hàn Quốc phẫu thuật. Điều này phản ánh gì?

Văn Thanh không được chuẩn đoán lại ở TP.HCM thì nguy cơ hỏng cả sự nghiệp, vì đứt dây chằng trong bối cảnh có thể vận động được 80%. Vì vậy, khi chấn thương bị chuẩn đoán sai thì Thanh có thể ra sân trong tình trạng đã bị đứt dây chằng, thêm một tác động trên sân có thể khiến Văn Thanh nhận cái giá đắt hơn nhiều lần so với hiện tại.

Câu chuyện của Văn Thanh thực tế không hiếm gặp với bóng đá Việt Nam. Ba năm trước, một bác sỹ ở TP.HCM từng kể với tôi là không hiểu nổi các bác sỹ ở ĐTQG đã chuẩn đoán cho một tuyển thủ U23 Việt Nam kiểu gì, đến mức rạn xương bàn chân mà không phát hiện còn đưa sang Malaysia. Sau đó, cầu thủ này phải tìm đến ông để phẫu thuật khi suốt thời gian ở U23 Việt Nam vật lộn với chấn thương.

Câu chuyện này xảy ra ở thời HLV Miura, tuyển thủ kể trên nằm trong danh sách cuối cùng của U23 Việt Nam đi sang Maylaysia dự vòng loại U23 châu Á. Đó là kết quả của việc các bác sỹ ở ĐTQG non kém, không phát hiện được chấn thương.

Một năm sau câu chuyện bi hài kể trên thì ĐTQG tiếp tục xảy ra chuyện không vui với tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh. Cầu thủ người Thái Bình được bác sỹ ở Nhật Bản chuẩn đoán đủ điều kiện dự AFF Cup 2016. Thế nên, HLV Hữu Thắng đánh cược bằng cách điền tên Tuấn Anh vào danh sách cuối cùng. Hy hữu là quá trình điều trị ở ĐTQG gặp vấn đề nên Tuấn Anh phải phẫu thuật và chia tay AFF Cup.

Tuấn Anh là nạn nhân của cuộc chữa trị không đúng cách.

Hai năm liên tiếp, chuyện y tế ở ĐTQG có vấn đề làm ảnh hưởng đến tập thể. Một sự thật khó chấp nhận với bóng đá Việt Nam.

Vấn đề y học trong bóng đá là cực kỳ quan trọng, vì có thể làm hỏng sự nghiệp cầu thủ nếu các bác sỹ chuẩn đoán sai. Thậm chí, chuyện này góp phần quyết định sự thành bại của ĐTQG. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về câu chuyện y học trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung? Vì không thay đổi thì bóng đá Việt Nam phải chứng kiến thêm chuyện các tài năng bị lận đận vì công tác y tế yếu, thậm chí “cướp” đi nhiều cầu thủ giỏi.

Nhìn xa hơn, với những cầu thủ chuyên nghiệp còn rơi hoàn cảnh trớ trêu trong chữa trị chấn thương thì người bình thường chơi thể thao sẽ đón nhận kết quả thế nào nếu không may cần đến bác sỹ.

Ai lo cho đôi chân các cầu thủ, hay chính mỗi chúng ta? Câu hỏi thật khó trả lời. Và vấn đề y tế không chỉ dành riêng trong bóng đá mà còn nhiều môn thể thao khác.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất