Thể thao

6 CLB muốn bầu lại lãnh đạo VPF: Sai hay đúng, hãy theo điều lệ để làm!

Văn Nhân
Chia sẻ

VPF có phải Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo hay không? Chuyện này đã có điều lệ, luật chơi thì chỉ cần dựa vào để làm.

Những sự phản ứng từ các CLB về VPF không còn đơn lẻ, không còn là chuyện cá nhân, bởi 6 CLB đã nộp đơn muốn bầu lại lãnh đạo VPF. Đó là CLB HAGL, CLB Bình Dương, CLB SLNA, CLB Nam Định, CLB Hải Phòng, CLB Quảng Nam.

VFF và VPF phải nhìn kỹ bản danh sách này để thấy rằng: Nếu không Đại hội cổ đông bất thường thì bóng đá Việt Nam đối diện bi kịch lớn. Vì sao?

HAGL - đội bóng được yêu mến nhất ở Việt Nam, là đội bóng đảm bảo sức hút và sự yêu mến của khán giả với V.League trong 6 năm qua.

6 CLB muốn bầu lại lãnh đạo VPF: Sai hay đúng, hãy theo điều lệ để xử lý! Ảnh 1
CLB HAGL được khán giả cả nước yêu mến trong nhiều năm qua.

Nam Định FC - đội bóng luôn đầy ắp khán giả ở sân nhà, là niềm tự hào của V.League về hình ảnh "con nhà nghèo vượt khó".

Bình Dương FC - đội bóng giàu thành tích nhất nhì lịch sử sân chơi chuyên nghiệp.

SLNA - "cái nôi" của bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra rất nhiều cầu thủ ưu tú, là đội bóng có lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt trong nhiều năm qua.

Hải Phòng FC - đội bóng có nhiều CĐV cuồng nhiệt, còn sân Lạch Tray được xem là "chảo lửa" của V.League.

Nhìn từ quá khứ đến hiện tại, những đội bóng kể trên là "xương sống" của V.League. Bây giờ tất cả cùng phản ứng VPF vì tương lai bóng đá Việt Nam.

Bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả, còn V.League khó phát triển nếu như nhiều đội bóng bất mãn, phản ứng. Vấn đề là nhiều CLB bức xúc vì không còn niềm tin vào VPF - đơn vị tổ chức giải, là "đứa con" của các CLB chuyên nghiệp.

Nhiều lãnh đạo CLB phản ứng VPF. Liệu họ nói có sai?

Chủ tịch CLB Phố Hiến - ông Vũ Tiến Thành nói rằng: Ông Trần Anh Tú là Chủ tịch VPF, còn ngồi ở Thường trực VFF. Tức tay phải của ông Tú ký đề xuất gửi VFF thì tay trái nhận lại chính đề xuất này. Làm như vậy là "vừa đá banh vừa thổi còi".

Nhìn vào ví dụ cụ thể để phân tích ý kiến của ông Vũ Tiến Thành. Ông Trần Anh Tú là Chủ tịch VPF đưa đề xuất hoãn các giải chuyên nghiệp lên VFF vào ngày 26/7. Ngày 30/7, VFF hỏi ý kiến Ban chấp hành VFF về điều này, và ông Trần Anh Tú là Thường trực VFF, uỷ viên Ban chấp hành VFF thì cũng đồng nghĩa nhận lại đề xuất từ chính ông Tú gửi lên VFF.

Như vậy, ông Vũ Tiến Thành nói quá đúng về chuyện "vừa đá banh, vừa thổi còi".

Bầu Đức nói ông Trần Anh Tú ngồi nhiều ghế, không có ai phản biện, nói VPF phát triển không tương xứng với ĐTQG.

Rõ ràng, ông Trần Anh Tú từng ngồi đến 3 ghế to là Chủ tịch VPF, Tổng giám đốc VPF, Trưởng ban điều hành giải. Ví dụ đợt rồi ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng giám đốc VPF làm báo cáo gửi HĐQT về phiếu thăm dò các đội. Vậy ngồi ba ghế như ông Tú thì đúng như bầu Đức nói là ông Tú đề xuất cho ông Tú, sau đó ông Tú đồng ý và ông Tú làm. Tình trạng một người ngồi ba ghế bây giờ tiếp diễn khi ông Nguyễn Minh Ngọc làm phó Chủ tịch VPF, Tổng giám đốc VPF, Trưởng ban điều hành giải.

Ông Văn Trần Hoàn (Chủ tịch CLB Hải Phòng), bầu Đức cùng lãnh đạo CLB Bình Dương, Nam Định FC, Quảng Nam FC... cho rằng VPF không tôn trọng các CLB. Họ nói có sai?

Ông Nguyễn Minh Ngọc phát biểu về dự kiến hoãn V.League 2021 đến tháng 2/2022 trên truyền thông, trong khi các CLB tham gia cuộc chơi phải đọc báo mới biết. Đó rõ ràng là không tôn trọng ý kiến các CLB.

Nhìn lại VPF thời ông Trần Anh Tú, có quá nhiều "sóng gió", từ hậu trường đến các cuộc họp, sự tranh cãi với các CLB.

Do đó, 6 CLB nộp đơn muốn Đại hội bất thường bầu lại lãnh đạo VPF là xuất phát từ chuyện mất niềm tin vào ông Trần Anh Tú, ông Nguyễn Minh Ngọc. Và họ là cổ đông, có quyền yêu cầu bầu lại lãnh đạo nếu cảm thấy không làm tốt.

Phải nhìn sòng phẳng, nhìn vào thực tế và quyền hạn của các CLB trong tư thế cổ đông ở VPF, là "ông chủ" của cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp, thay vì cho rằng sự phản ứng của 6 CLB là chống VPF!

6 CLB muốn bầu lại lãnh đạo VPF: Sai hay đúng, hãy theo điều lệ để xử lý! Ảnh 2
6 CLB nộp đơn có 20,5% cổ phần ở VPF. Theo đúng luật, họ có quyền yêu cầu Đại hội cổ đông bất thường. Ảnh: VPF

VPF là gì? Là "đứa con" của các CLB, chịu sự quản lý của VFF. Lãnh đạo VPF là gì? Là những người làm thuê cho các CLB, được bầu lên để giúp họ điều hành cuộc chơi chứ không phải "ông chủ" để ra quyền này nọ cho các CLB. Nói thẳng như bầu Đức thì sẵn sàng bỏ tiền túi trả 100 triệu/tháng cho Chủ tịch VPF để làm tốt cho bóng đá Việt Nam. 

Nên nhớ, 6 CLB nộp đơn có 20,5% cổ phần ở VPF. Theo đúng luật, họ có quyền yêu cầu Đại hội cổ đông bất thường, và phải tổ chức nếu đủ điều kiện theo điều lệ của VPF.

Vậy nên, VPF có phải tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo hay không, điều này đã có điều lệ thì nên nhìn vào để thực hiện.
 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất