Thể thao

23 phát đạn & cái chết tức tưởi của thủ lĩnh ĐT Panama

Theo Bongdacuocsong
Chia sẻ

Năm 2017, tuyển thủ Panama Amilcar Henriquez bị bắn chết bởi một toán thanh niên. Đây là vụ việc gần nhất của một quốc gia nhuốm màu bạo lực, nơi các ông trùm đến tận sân bóng để “tuyển quân”.

GIẤC MƠ CHƯA TRỌN

Thời điểm bị giết hại, Amilcar Henriquez đang ngồi chơi domino ở Nuevo Colon, Panama. Kẻ ám sát đã chờ đợi, thuê hẳn căn nhà đối diện để làm căn cứ lên kế hoạch bắn hạ cầu thủ xấu số này. Các nhân chứng kể lại họ nghe tổng cộng 23 phát súng và cảnh sát sau đó đã tìm ra vật chứng là một chiếc xe Nissan đỏ, một khẩu súng trường AK41, một khẩu súng lục 9mm và hơn trăm viên đạn. Hàng chục viên đạn găm vào người đã khiến Henriquez và một người đàn ông nữa tử vong tại bệnh viện, một nạn nhân khác cũng bị thương rất nặng. Đó là ngày 15/4/2017.

Henriquez 33 tuổi, là bố của 3 đứa con thơ và nỗi lo sợ duy nhất của anh là phải rời khỏi các thiên thần đáng yêu. Cầu thủ này thi đấu chuyên nghiệp cho CLB Arabe Unido và có 85 lần khoác áo đội tuyển Panama. Chính Henriquez là người thực hiện thành công quả penalty mang về cho Panama danh hiệu đầu tiên trong lịch sử - Copa Nacionens năm 2009 - và trong cuộc phỏng vấn 3 tuần sau đó, anh hào hứng hy vọng đội tuyển nước nhà sẽ một lần vào được World Cup sau nhiều lần thất bại.

Tuyển thủ Panama Amilcar Henriquez bị bắn chết hơn 1 năm trước khi ĐTQG nước này lần đầu được tham dự 1 VCK World Cup

“Chúng tôi chiến đấu cho ước mơ cứ muốn thoát khỏi chúng tôi, một kết thúc viên mãn cho thế hệ chúng tôi, sau nhiều năm đau khổ và cứ phải tranh đấu”, Henriquez nói trên Website của FIFA.

Tang lễ của Henriquez được tổ chức tại Estadio Armando Dely Valdes với chiếc áo đấu số 21 phủ trên quan tài. Gabriel Gomez (người khoác áo Panama nhiều nhất) đã thề trước linh cữu người đồng đội rằng “Chúng tôi sẽ đến được World Cup, vì anh ấy”. Đúng 6 tháng sau, bàn thắng muộn đã giúp Panama có tấm vé đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh - gặp tuyển Anh trận đầu tiên.

“Những gì diễn ra thật không tin được. Chúng tôi xem đội tuyển là ngôi nhà. Tôi nhìn lại và thấy anh ấy (Henriquez) vẫn đứng ở trung tâm: một thủ lĩnh, một hình mẫu. Chúng tôi luôn nói về anh ấy, cách chúng tôi quyết thắng cùng cái tên Amilcar”, trợ lý HLV Edgar Carvajal nói.

HLV Bolillo của Panama từng sống trong những thời khắc chấn động vụ Andres Escobar bị giết hại năm 1994, thời gian ông làm trợ lý HLV Colombia và cũng là thuyền trưởng đưa Panama đến VCK World Cup. “Tôi đã đưa Amilcar đến Independiente Medellin. Tôi biết cậu ấy lâu rồi và chính Amilcar là người khẩn cầu tôi đến Panama để vực dậy đội tuyển. Cậu ấy là một người đàn ông tốt, một thủ lĩnh tuyệt vời”. Trợ lý Gomez ngắt lời: “… và họ giết cậu ta. Cái quái gì xảy ra vậy? Tôi thậm chí không muốn hỏi, không muốn liên quan vì tôi đau lòng lắm”.

Tổng thống Panama tuyên bố sẽ bắt bằng được hung thủ giết người và 4 ngày sau, bộ trưởng An ninh nước này giải thích vụ việc có thể do mối thù nào đó.

Nhiều năm trước, Amilcar từng kể rằng anh bị một toán cướp có vũ trang kê súng vào đầu, bấm cò nhưng bị kẹt. Nếu là một mối thù, thì là thù gì? Anh bị bắn hàng chục phát, không có chuyện nhầm lẫn! Đã có 7 đối tượng, trong đó có 6 trẻ vị thành niên bị bắt giữ nhưng vụ việc vẫn đang được điều tra. Colon nằm bên bờ biển Caribbean, thành phố nổi tiếng với nạn buôn ma túy, băng đảng và bạo lực. Một người đàn ông muốn tìm hiểu vụ sát hại Amilcar Henriquez cũng bị… giết chết.

TÌNH TRẠNG BÁO ĐỘNG

Nhưng vụ án Henriquez không phải là duy nhất mà chỉ là một phần trong chuỗi đáng báo động. Từ khi Migueal Tello bị bắn chết năm 1990, đã có 19 cầu thủ bóng đá bị giết. Một số khác phải vào tù. Thủ môn của Panama từng chứng kiến bạn mình bắn người. Còn cầu thủ Jose Fajardo cũng vừa tiết lộ quá khứ giang hồ của mình. Một cựu thành viên các băng đảng báo động: “Tôi thấy rất nhiều cầu thủ tham gia bán ma túy, tội phạm, băng nhóm, rửa tiền cho các ông trùm, tài trợ vũ khí… Kết quả là chết hoặc ngồi tù”.

Tình trạng bạo lực ở Panama rất đáng báo động

“Đây không phải vấn đề riêng vụ Amilcar mà là tình trạng xã hội rồi”, Chalujar khăng khăng. Còn chủ tịch hiệp hội cầu thủ Ramon Solis đưa ra cách lý giải riêng. “Cầu thủ bóng đá thường đến từ những khu vực khó khăn, sống giữa những cộng đồng không lành mạnh. 70% số họ nằm trong nhóm nguy cơ xã hội. Gia đình tan vỡ, thiếu học thức và thiếu cả cơ hội học chơi bóng bài bản”.

Trong môi trường tội phạm, sự nguy hiểm luôn rình rập. Cầu thủ Garces, cựu đồng đội của Luis Suarez, vẫn vừa sống vừa run sợ. “Tôi bị trúng đạn. Họ cử người đến giết tôi, săn lùng tôi khắp Panama”, anh nói chậm rãi, đôi khi bị ngắt quãng. Garces nhấn mạnh anh không tham gia băng đảng, đây chỉ là vấn đề “gia đình” nhưng cũng nói thêm: ‘Panama là một đất nước phức tạp với các băng nhóm, thuốc phiện và trộm cắp. Nhiều cầu thủ biết điều này, một số đi sai đường và phải vào tù. Tôi không muốn điều đó xảy đến với ai”’.

Panama có tỉ lệ các vụ giết người thấp nhất Trung Mỹ (424 người chết năm 2017) và không phải nơi quá nghèo hay bạo lực như các nước khác ở Trung Nam Mỹ. Nhưng có một điểm cần lưu ý rằng Panama chính là bước đệm để thủ phủ ma túy Colombia tuồn hàng vào nước Mỹ - tận 80 tấn cocaine năm ngoái! Các băng đảng ma túy dùng tiền và bạo lực để tha hóa giới trẻ, tìm kiếm những người vận chuyển khối hàng khổng lồ này.

BÓNG ĐÁ KẾT NỐI ĐẤT NƯỚC

Cầu thủ bóng đá kỳ cựu Alvaro Robles nói trong chua chát. “Bóng đá là một công cụ mạnh, nhưng không đủ mạnh. Bóng đá cần phải tiếp cận những đứa trẻ trước khi kẻ xấu làm điều đó”.

Bạn của Amilcar Henriquez từng làm việc cho băng đảng ma túy và phải vào tù vì tội giết người - nói: “Các cầu thủ bóng đá đi lên từ tầng lớp thấp nhấp xã hội và họ dễ bị tổn thương”. “Có những khu rất nghèo, bọn trẻ có tài đá bóng nhưng không có ai hỗ trợ. Nguy hiểm luôn quanh đây: ít việc, ít tiền, ma túy. Hy vọng World Cup có thể giúp”, một fan bóng đá 20 tuổi chia sẻ.

Những trận đấu giữa các cầu thủ chuyên nghiệp và các tù nhân thường được diễn ra ở Panama nhằm đưa bóng đá như 1 biện pháp thay đổi xã hội

“Bóng đá đã kết nối đất nước”, HLV Bolillo nói. Trước giờ tập, cầu thủ Gabriel Gomez và hai đồng đội đã mời những đứa trẻ đến. “Họ không nói về bóng đá mà nói về cuộc sống, những giá trị xã hội. Đó là nền tảng, các nước ở đây đều thiếu giáo dục”, ông Bolillo ghi chép.

Gomez nhớ lại khoảng thời gian tăm tối nghèo đến không có gì để ăn. “Bóng đá đã thay đổi cuộc đời tôi, của gia đình tôi, dạy cho tôi những điều hay lẽ phải. Tôi như được sinh ra lần nữa”.

Bóng đá là lối thoát nhưng không phải ai cũng may mắn. Các CLB ở Panama tài chính không mạnh và thậm chí còn không thể trả mức lương quá 1.000 USD/tháng, có khi còn nợ lương. Cựu cầu thủ U20 Panama tên Tello hiện đang ngồi tù ở Joyita - vùng khó khăn nhất Panama, chia sẻ. “Hãy nhìn vào tôi này. Cướp! Nhu cầu thiết yếu! Bóng đá không cho tôi được cái quái gì hết. Chẳng có gì để ăn, CLB lạm dụng bạn còn hệ thống không giúp được gì. Tôi từng kêu trời rằng mình có tài mà sao chẳng thể giúp mẹ mình. Tôi chọn con đường khác, và tôi sai rồi”.

World Cup mang đến hi vọng nhưng đường còn xa lắm. Robles chia sẻ: “Thường thì cấu trúc vững chắc sẽ giúp đội tuyển quốc gia vững mạnh. Thiếu cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực và sự hỗ trợ của xã hội thì khó. Tình cảnh xã hội của Panama cũng không khá hơn là bao. Các cầu thủ có thể rời băng đảng nhưng băng đảng luôn theo chân họ, có những mối ràng buộc không thể nói cắt là cắt được. “Rất nhiều nguòi có bạn bè và gia đình theo các băng nhóm, hoặc có liên hệ. Tôi không rõ về vụ của Amilcar nhưng với nhiều cầu thủ trong môi trường này, rời khỏi các băng đảng đồng nghĩa với tự tìm cái chết”.

Trẻ em Panama ngày càng được hướng đến bóng đá nhằm tránh xa các tệ nạn và bạo lực

Robles tìm đến bóng đá như một cách chuộc tội. Vào tù vì buôn ma túy, Robles quyết liên hệ rủ nhiều cầu thủ vào tù đá bóng cùng tù nhân. Đội Tauro của anh đang chuẩn bị cho trận chung kết giải các nhà tù toàn quốc. Điểm dừng đầu tiên là Tinijitas - nơi anh ngồi tù 5 năm trời. Xung quanh sân bóng, nhiều nhân viên an ninh có vũ trang ngồi quanh, những cuộn dây kẽm gai chằng chịt trên bức tường cao cạnh đó.

Nhóm của các tù nhân xuất hiện, những người khác xem từ phía sau song sắt. Bobby Brown, người từng chơi bóng ở Áo và Mỹ, dành những lời ấm áp. “Họ không phải lúc nào cũng như người ta miêu tả, một số là nạn nhân của hệ thống: chúng tôi đến, ôm ấp họ và cùng chơi”, Robles nói. Trận đấu diễn ra nhanh, sôi động và đội tù nhân giành chiến thắng chung cuộc. Sau trận họ cùng ngồi lại với nhau vỗ tay, trò chuyện và nguyện cầu. “Dù bất cứ sai lầm nào, bạn cũng xứng đáng được tin tưởng lần nữa. Trái bóng tròn có thể giúp bạn. Bạn là con người, không phải giun dế”.

Không khí bóng đá trong tù cũng hào hứng không kém gì bên ngoài. Một biểu ngữ FIFA đã nhuốm màu thời gian trên tường. Ngay trước của ra vào là hàng chữ cổ động “Tiến lên Panama”. Tù nhân Rodrigo Tello từng là một cầu thủ tài năng, số 10 tấn công đủ sức đá World Cup. Thế nhưng sự nghiệp của anh phải chấm dứt khi anh vào tù và giờ anh muốn giúp người khác. “Tôi đã khóc vì nhận ra mình sa ngã. Tôi từng là số 10 có thể làm mọi thứ nhưng giờ không được. Còn nhiều tài năng trong tù có thể có cơ hội thi đấu. Giám đốc nhà tù cho biết ông cho phép nhiều CLB đến xem giò những tù nhân”. “Chúng tôi chính là thành phần tham dự World Cup 2022 ở Qatar”, một tù nhân cười giòn.

Cách đấy 32km, đội tuyển Panama đang tập trung cho World Cup ở Nga - giấc mơ của Henriquez. “Dù cậu ấy ở đâu, tôi cá cậu vẫn theo dõi chúng tôi, gửi cho chúng tôi năng lượng”, Carvajal nói, không giấu được chút nỗi buồn sâu đáy mắt.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdacuocsong

Tin mới nhất