Vòng quanh Thế giới

World Cup 2018: Thay đổi quan niệm nữ giới đưa tin bóng đá và ám ảnh quanh ‘bóng ma’ quấy rối tình dục

Trọng Hiếu
Chia sẻ

Mùa World Cup lần này ghi nhận số lượng nữ phóng viên/nhà báo tác nghiệp nhiều nhất từ trước tới nay, nhưng bên cạnh đó, họ cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về quấy rối hay lạm dụng tình dục trong thế giới bóng đá quốc tế mà nam giới vẫn thống trị bấy lâu.

Đây là một kỳ World Cup của những rối loạn và bất ngờ.

Những gã khổng lồ bóng đá như Đức, Brazil, Argentina đã có những trận đấu chật vật trong khi các đội được coi là “cửa dưới” như Mexico, Nga và thậm chí cả Anh đảo ngược tình thế qua những màn đối đầu ấn tượng.

Nhưng có một điều đặc biệt khác người ta nên chú ý tại World Cup đang diễn ở Nga. Đó là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được phát sóng trên khắp thế giới, từ London đến Buenos Aires tới Bắc Kinh, đang ghi dấu ấn của các nữ phóng viên thể thao.

Những thay đổi ghi dấu lịch sử

Aly Wagner là cựu cầu thủ và nay là một bình luận viên bóng đá nổi tiếng của Mỹ. Cô từng bình luận giải World Cup của nữ năm 2015 và là chuyên gia phân tích các trận đấu ở giải vô địch bóng đá quốc gia Mỹ năm 2017 và 2018. Ảnh: USA Today

Bình luận viên bóng đá nổi tiếng của Mỹ Aly Wagner và bình luận viên kỳ cựu người Argentina Viviana Vila đã ghi dấu trong lịch sử World Cup năm nay khi trở thành những người phụ nữ đầu tiên bình luận các trận đấu trong khuôn khổ World Cup tại Mỹ, trên kênh Fox Sports và Telemundo tiếng Tây Ban Nha.

Còn Vicki Sparks ghi tên vào lịch sử truyền hình Anh khi trở thành nữ bình luận viên World Cup đầu tiên của nước này. Cô đã có buổi bình luận về trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Morocco vào ngày 20/6. Trong khi đó, Claudia Neumann ghi dấu ấn trong lịch sử truyền hình Đức khi là nữ bình luận viên World Cup đầu tiên xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia ZDF ngày 16/6 để “mổ xẻ” diễn biến trận đấu giữa Argentina và Iceland.

Ngay cả ở Mỹ Latinh, nơi tư tưởng trọng nam vẫn còn lớn và các nhà báo nữ có ít cơ hội thể hiện mình, mùa World Cup năm nay cũng ghi nhận sự khác biệt. Dù chưa đầy 5% nhà báo Argentina đưa tin về World Cup 2018 là nữ - 10 trong tổng số 220 phóng viên - nhưng đây là con số gấp đôi kỳ World Cup ở Brazil cách đây 4 năm và hơn hẳn con số hai nữ phóng viên ở kỳ World Cup tại Nam Phi năm 2010.

Chúng ta thấy có sự thay đổi, dù nó diễn ra rất chậm”, Veronica Brunati, nữ phóng viên duy nhất trong nhóm 27 người đưa tin sự kiện World Cup 2018 cho kênh TNT Sports của Argentina, cho hay.

Chuyển biến đang rõ hơn và người ta ngày càng thừa nhận phụ nữ có thể đưa tin về bóng đá”, Cecilia Caminos, một phóng viên người Argentina của hãng tin DPA, nói.

Tuy nhiên, theo Brunati, phụ nữ vẫn không có vai trò chính trong việc đưa tin thể thao. “Không có sự xuất hiện của nữ giới trong các cuộc tranh luận hàng đầu về bóng đá”, cô nói.

Ám ảnh nạn quấy rối

Và đối với nhiều nữ phóng viên World Cup, phân biệt giới tính - theo cách “ngầm” và công khai - vẫn là một vấn đề không hề nhỏ. Phóng viên Brunati nói với The Hollywood Reporter rằng, cô đã trải qua hai tình huống bị quấy rối như vậy kể từ khi tới Nga, bao gồm một “tình huống bạo lực” và việc “một fan nam tiến lại gần và buộc tôi phải di chuyển (đi nơi khác) khi đang đưa tin trực tiếp”.

Agos Larocca, một nhà báo khác cũng là người Argentina đang làm việc cho kênh ESPN, cũng báo cáo về một sự cố tương tự. Khi đang đưa tin trực tiếp từ bên ngoài sân vận động Nizhny Novgorod, một người hâm mộ Iceland đã quấy rối cô. Anh ta sau đó bị nhà sản xuất trong e-kip của Larocca đánh. Larocca sau đó nói đùa trên Twitter rằng, cô rất vui khi có “vệ sĩ” đi cùng.

Phóng viên người Colombia Julieth Gonzalez Theran của kênh Deutsche Welle phiên bản tiếng Tây Ban Nha lại không may mắn như vậy. Trong khi đưa tin trực tiếp từ Moscow vào ngày khai mạc World Cup, cô đã bị một người hâm mộ quấy rối và sờ soạng.

“SỰ TÔN TRỌNG! Chúng tôi không xứng đáng bị đối xử như vậy. Chúng tôi cũng có giá trị và chuyên nghiệp. Tôi chia sẻ niềm vui bóng đá, nhưng chúng ta cần phải xác định các giới hạn giữa việc biểu lộ tình cảm và quấy rối“, Theran chia sẻ trên Instagram.

Nữ phóng viên Julieth Gonzalez Theran bị cưỡng hôn khi đang đưa tin trực tiếp từ thành phố Saransk, Nga. Ảnh: Deutsche Welle

Fan hâm mộ Nga sau đó phải công khai xin lỗi Gonzalez Theran, nói rằng anh ta bị sốc khi xem lại video. “Tôi tưởng tượng ra việc chị gái hoặc mẹ tôi ở trong tình thế của cô, tôi sẽ không thích điều đó. Tôi đã rút ra rằng, điều quan trọng là chúng ta cần tôn trọng không gian cá nhân của mọi người. Bạn có thể ôm ai đó nhưng phải được họ chấp thuận”, người đàn ông này nói. Anh ta cũng xin “gửi lời xin lỗi chân thành nhất” tới Theran và hy vọng cô “sẽ không bao giờ phải đối diện với sự cố nào tương tự vậy trong sự nghiệp nữa”.

Gonzales Theran được mọi người khen ngợi vì vẫn giữ được phong thái chuyên nghiệp trong tình huống bị quấy rối đó. Cô đã chấp nhận lời xin lỗi của fan hâm mộ Nga và đánh giá cao việc anh ta biết thừa nhận lỗi sai và chỉ muốn tiếp tục công việc.

Nhà báo Nga Barbara Gerneza cũng trải qua một tình huống tương tự khi phỏng vấn một nhóm fan hâm mộ Brazil khi đưa tin cho hãng IG. Những người hâm mộ, dường như biết Gerneza không thành thạo tiếng Bồ Đào Nha, nên đã lôi kéo cô hát theo một bài hát có nội dung tục tĩu.

Phản ứng trước sự việc này, một nhà hoạt động vì nữ quyền người Nga Alyona Popova đã gửi đơn thỉnh nguyện tới Bộ Nội vụ Nga và Đại sứ quán Brazil tại Nga, yêu cầu nhóm cổ động viên Brazil phải xin lỗi và chịu sự trừng phạt.

Là phụ nữ, bạn luôn cần phải cẩn thận trong kỳ World Cup”, Caminos nói thêm. Cô cũng ví buổi lễ khai mạc World Cup vừa qua là “một vũ trụ kỳ thị giới tính, với các ngôi sao nam, người hâm mộ nam và chủ yếu là phóng viên nam”.

Ở những nơi khác, những hành vi quấy rối và thiên vị nhằm vào các nữ bình luận viên ít được công khai. Tại Đức, mạng xã hội xôn xao và xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích trước trận đấu giữa đội tuyển Argentina và Iceland. Họ không hài lòng trước việc nữ bình luận viên Claudia Neumann sẽ đảm nhận vai trò tường thuật trực tiếp về trận đấu này trên đài truyền hình quốc gia ZDF.

Bình luận viên Claudia Neumann. Ảnh: sportbuzzer.de

Giám đốc phụ trách mảng Thể thao của ZDF Thomas Fuhrmann cho biết, ông cảm thấy sự cần thiết phải công khai bảo vệ các phóng viên của mình.

Chúng tôi đón nhận những ý kiến chỉ trích nhưng những gì đã xảy ra với Claudia Neumann vượt qua tất cả các ranh giới của sự phán xét”, ông nói. “Một phụ nữ bình luận về trận đấu World Cup của nam giới và mạng Internet phát điên vì điều này. Rõ ràng có thứ gì đó đáng buồn ở đây”.

Bản thân Neumann từ chối bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, nữ bình luận viên từng nêu ý kiến của mình sau khi đối diện với tình huống tương tự trong lần cô tác nghiệp về Euro 2016 tại Pháp.

“Khi một nữ phóng viên trông dễ thương đứng ngoài lề, đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu một người phụ nữ dành 90 phút để bàn luận về bóng đá và cung cấp những thông tin mà phái nam chưa biết hoặc có thể có quan điểm khác, họ phải hiểu rằng hãy chấp nhận chuyện đó đi. Có lẽ không quá nhiều người hiểu điều này”.

Tại Brazil, đầu năm nay, 52 nữ nhà báo thể thao đã phát động chiến dịch với hashtag #DeixaElaTrabalhar (“Hãy để cô ấy làm việc”) nhằm thu thập các báo cáo về những sự cố khi tác nghiệp, nạn quấy rối và thành kiến về giới mà họ đã phải chịu đựng tại phòng làm việc và trên sân cỏ. Chiến dịch bao gồm một video quay trước 79.000 khán giả tại một trận đấu bóng đá ở sân vận động Maracana của Rio de Janeiro, trong đó nữ giới chia sẻ về vấn nạn bạo lực và quấy rối mà họ phải chịu đựng trong công việc và đòi hỏi sự tôn trọng của cả công chúng và đồng nghiệp. Video lập tức được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

#DeixaElaTrabalhar được xây dựng trên nỗ lực trước đó của các nước trong khu vực, bao gồm những chiến dịch chống nạn quấy rối các nhà báo (năm 2016) nhằm tố cáo vấn nạn này tại các cơ quan tin tức ở Brazil.

Tại nước láng giềng Argentina, phong trào vì quyền của phụ nữ được đẩy mạnh nhờ vào các cuộc biểu tình phản đối bạo lực đối với phụ nữ, bắt đầu vào năm 2016 dưới hashtag #NiUnaMenos (Không có thêm phụ nữ chịu bạo hành từ nam giới).

Nỗ lực vì bình quyền

Yang Mingming gây “bão” mạng xã hội Trung Quốc khi là nữ phóng viên trực tiếp đưa tin về World Cup diễn ra ở Nga cho kênh CCTV 5. Ảnh: Global Times

Một số nơi vẫn coi việc các nữ phóng viên xuất hiện tại World Cup chỉ để cho “đẹp mắt”. Yang Mingming, phóng viên nữ duy nhất của kênh thể thao thuộc CCTV 5 (Trung Quốc), gây “bão” mạng xã hội ở quê nhà chỉ vì cô ấy “đẹp”. Nhiều fan hâm mộ bóng đá cho rằng, họ “tỉnh cả ngủ” khi nhìn “bình luận viên xinh đẹp” trên CCTV 5.

Còn tại Nhật Bản, các nữ bình luận viên thường là người mẫu chỉ biết gật đầu và tán đồng trước ý kiến của những đồng nghiệp nam.

Trong khi đó, nhắc đến đội ngũ nữ phóng viên và bình luận viên hùng hậu phải kể đến Fox Sports khi kênh thể thao này thực sự sở hữu những gương mặt tài năng như Kate Abdo, Kelly Smith, Maria Komandnaya, Jenny Taft và Rachel Bonnetta cùng với Aly Wagner đưa tin tại World Cup 2018.

Kate Abdo. Ảnh: Awful Announcing

Buổi phát sóng trận chung kết World Cup nữ năm 2015 của Fox Sport đã thu hút 25,4 triệu người xem - kỷ lục của mọi trận đấu bóng đá ở Mỹ. Đây có thể là một trong những lý do khiến các nữ phóng viên và bình luận viên nữ tại quốc gia này được chuộng hơn.

Tại hầu hết các quốc gia châu Âu, việc các nữ bình luận viên xuất hiện trong các chương trình thể thao không còn là chuyện mới mẻ, dù số lượng vẫn còn ít so với các đồng nghiệp nam.

Truyền hình Nga cũng đang chứng kiến ​​sự tiến bộ với sự xuất hiện của một số nữ phóng viên thể thao. Tuy nhiên, những người bình luận về bóng đá vẫn chỉ là nam giới. Không có một gương mặt nữ hay giọng nói của nữ giới xuất hiện trực tiếp trên các chương trình về World Cup 2018.

Hai nữ cổ động viên Ba Lan có mặt trên sân Sparktak để cổ vũ cho đội bóng của họ trong trận đấu với Senegal. Ảnh: Reuters

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm, vẫn phải thừa nhận một dấu hiệu tích cực khác đang thấy rõ tại mùa World Cup năm nay. Số lượng nữ giới có mặt trên các khán đài ở sân vận động Nga nhiều hơn tại các giải đấu quốc gia vốn bị cản trở bởi bạo lực và chủ nghĩa hooligan.

Và một trong những câu chuyện thực sự đẹp của giải World Cup năm nay là hôm 20/6, lần đầu tiên kể từ năm 1979, phụ nữ Iran được phép vào một sân vận động bóng đá để xem trận đấu của đội tuyển nhà gặp đội Tây Ban Nha. Iran đã để thua với tỷ số 1-0, nhưng trong hàng nghìn hình ảnh được chia sẻ trên toàn thế giới, các fan nữ bóng đá đã có chiến thắng lịch sử cho câu chuyện về bình đẳng giới.

Chia sẻ

Bài viết

Trọng Hiếu

Tin mới nhất