Vòng quanh Thế giới

Virus gây COVID-19 đột biến, tăng khả năng lây lan gấp 10 lần

Theo Washington Post
Chia sẻ

Chỉ trong vào tháng ngắn ngủi, virus SARS-CoV-2 đã sinh ra biến thể mới có khả năng lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng virus cũ.

Khi COVID-19 lan đến Chicago (Mỹ) vào tháng 1, bộ gene của chúng vẫn giống như chủng virus được phát hiện tại ổ dịch Vũ Hán ở Trung Quốc vài tuần trước đó. Thế nhưng, theo Egon Ozer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, nghiên cứu cấu trúc di truyền của các mẫu virus thu thập từ bệnh nhân trong thời gian gần đây cho thấy chúng đã biến đổi nhiều lần cùng với sự lan tràn của virus khắp châu Âu và thành phố New York. Đến tháng 5, chủng biến thể mới đã xuất hiện trong 95% bộ gene virus mà ông thu thập được.

Chủng đột biến mới mang tên G614, là biến thể của chủng D614 lây lan khắp Trung Quốc vào năm ngoái, xảy ra do sai sót khi sao chép mã di truyền trong quá trình virus nhân bản bên trong tế bào vật chủ. Thông qua đột biến amino acid 614 dẫn đến biến đổi protein gai bên ngoài, chúng sẽ trở nên vững chắc hơn, tăng cường khả năng xâm nhập vào tế bào. Vừa xuất hiện không lâu, biến thể này hầu như đã hoàn toàn thay thế chủng virus ban đầu lan truyền từ Trung Quốc sang Mỹ và châu Âu.

Trong số hơn 50.000 bộ gene virus được thống kê trên cơ sở dữ liệu chung, có đến 70% là chủng đột biến D614G, hay còn gọi tắt là G. Đáng sợ hơn, biến thể mới này hiện đã lan rộng toàn thế giới.

Ít nhất 5 thí nghiệm đã cho kết luận quá trình đột biến làm gia tăng khả năng lây nhiễm virus. Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos cho biết những bệnh nhân bị nhiễm chủng virus đột biến G thực chất mang nhiều virus trong cơ thể hơn, do đó dễ dàng lây cho người khác. Dù không khiến bệnh tình trở nặng, nhưng chủng đột biến mới sẽ khiến khả năng lây truyền virus tăng mạnh gấp 10 lần.

Tuy nhiên, phản ứng của chủng G mới trước kháng thể từ các bệnh nhân mang biến thể D cũng không có gì thay đổi. Theo Hyeryun Choe, một nhà virus học tại Scripps Research kiêm tác giả của một nghiên cứu chưa được công bố về khả năng lây lan của biến thể G trong môi trường phòng thí nghiệm, đây là tin vui cho thấy vaccine chống lại phiên bản ban đầu của virus cũng sẽ có hiệu quả với chủng đột biến này.

Nghiên cứu dựa trên 30.000 mẫu virus thu thập từ bệnh nhân trên khắp nước Mỹ cho thấy vào thời gian đầu, có đến 96% trong số đó là chủng D. Nhưng đến cuối tháng 3, hơn 65% mẫu gene của bệnh nhân COVID-19 chứa chủng đột biến G. Điều này có thể giải thích thông qua sự lây lan của đại dịch từ châu Âu sang Mỹ. Chủng đột biến G đã càn quét châu Âu từ trước đó, đặc biệt là những quốc gia có dân số già và công tác đối phó dịch khá bị động như Ý. Từ khu vực đó, chúng lan rộng ra toàn quốc và theo chân những người khách nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ, tiếp tục nhân rộng.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi các đột biến khác của virus để điều chế vaccine chống lại chúng trên quy mô toàn cầu.

Chia sẻ

Theo

Washington Post

Tin mới nhất