Vòng quanh Thế giới

Virus corona - cơn ác mộng xáo trộn năm mới ở Trung Quốc

Thiên Ân
Chia sẻ

Hàng chục thành phố bị cô lập, nguồn lực y tế thiếu thốn khi số người chết vì virus corona ngày càng tăng đang khiến năm mới ở Trung Quốc trở nên xáo trộn hơn bao giờ hết.

56 người đã chết - tất cả đều ở Trung Quốc - khi virus corona (coronavirus) Vũ Hán tiếp tục lan rộng khắp châu Á và nhiều nước trên thế giới. Gần 2.000 trường hợp nhiễm virus tại Trung Quốc. Hơn 40 trường hợp nhiễm bệnh ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. 57 triệu người bị ảnh hưởng khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa môt phần hoặc toàn bộ các thành phố bị ảnh hưởng bởi coronavirus.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này đang phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh lây lan nhanh chóng do virus corona mới gây chết người. Ông Tập nói đối phó với coronavirus lúc này là việc quan trọng hàng đầu.

Đóng cửa 15 thành phố

Bản đồ mức độ lây lan của virus corona trên toàn Trung Quốc đại lục. Đồ họa: CNN

15 thành phố của Trung Quốc gồm tổng cộng 57,2 triệu người đang bị phong tỏa vì virus corona Vũ Hán tiếp tục lan rộng khắp đất nước. Tất cả 15 thành phố đều thuộc tỉnh Hồ Bắc, trong đó Vũ Hán là thủ phủ.

Mức độ nghiêm trọng của mỗi lệnh phong tỏa là khác nhau tùy theo từng thành phố, nhưng điểm chung là các hoạt động giao thông công cộng đều bị ngừng trệ.

Tại Vũ Hán (dân số 11 triệu người) và Hoàng Cương gần đó (dân số 7,5 triệu người), các chợ và rạp chiếu phim đều bị đóng cửa; các nhà ga và sân bay cũng ở trong tình trạng tương tự.

Thành phố sầm uất Thượng Hải đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do coronavirus Vũ Hán, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Hơn 30 trường hợp được xác nhận nhiễm virus này trong thành phố.

Một bệnh nhân khác cũng tử vong sau khi nhiễm virus ở tỉnh Hà Nam, nằm ở biên giới phía đông bắc của tỉnh Hồ Bắc.

Coronavirus Vũ Hán và sự lây lan của chủng virus này trên khắp Trung Quốc và các quốc gia khác đang khiến thế giới phải cảnh giác. Chúng ta cần đặt mức độ nguy hiểm của nó trong bối cảnh các bệnh nhiễm trùng chết người khác - bao gồm cả cúm theo mùa, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mỗi năm.

Theo một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2019 của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố trên tờ The Lancet, khoảng 88.100 ca tử vong liên quan đến cúm mỗi năm ở Trung Quốc, với tỷ lệ tử vong từ 1,6% đến 2,6%. Phần lớn những người chết vì cúm là ở độ tuổi trên 60.

Mặc dù mức độ nguy hiểm thực sự của coronavirus mới chưa rõ ràng, nhưng nó có vẻ nghiêm trọng hơn cả cúm theo mùa. Trong số 1.317 trường hợp được xác nhận trên toàn cầu tính đến trưa 25/1, tại Trung Quốc, đã có 41 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong là 3,1%.

Tuy nhiên, tỷ lệ này lại thấp hơn nhiều so với các coronavirus gây dịch SARS và MERS. SARS có tỷ lệ tử vong khoảng 10%, trong khi MERS giết chết 34% số người mắc bệnh.

Năm mới ảm đạm

Một người đàn ông đeo khẩu trang khi đi ở đường phố Bắc Kinh hôm 24/1. Ảnh: CNN

Hôm 25/1 là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, năm con chuột.

Đối với nhiều người dân Trung Quốc, kỳ nghỉ là cơ hội để mọi người quy về bên gia đình ở quê nhà. Năm nay, dự kiến ​​sẽ có 3 tỷ hành trình được thực hiện trong dịp Xuân vận kéo dài 40 ngày. Nhưng các sự kiện chào đón năm mới đã giảm quy mô đáng kể khi giới chức Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macao đã hủy nhiều sự kiện công cộng lớn để ngăn chặn và phòng ngừa sự lây lan của coronavirus Vũ Hán.

Eva Kwang, 35 tuổi, tới ga Tây Cửu Long, Hong Kong hôm 30 Tết để hủy vé tàu tới Quảng Châu. Kwang nói buồn vì không thể gặp gia đình dịp Tết nhưng lo lắng cho hai đứa con. “Tôi nghĩ sự an toàn cho chúng tôi quan trọng hơn bữa tối của tôi và những người thân”, cô nói với CNN. “Tôi nghĩ mình có thể quay lại và thăm gia đình có thể sau một hoặc hai tháng nữa”.

Lo ngại thiếu khẩu trang bảo vệ

Một khách hàng mua nhiều hộp khẩu trang 8247 R95 tại Hong Kong. Ảnh: CNN

Khi người dân đổ xô đi mua mặt nạ để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi coronavirus Vũ Hán, chính quyền trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất khẩu trang nối lại hoạt động trong Tết Nguyên đán. Kỳ nghỉ dự kiến kéo dài tới cuối tháng 1, nhưng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã yêu cầu các nhà máy mở cửa trở lại.

Quyết định này được đưa ra để “đảm bảo nguồn cung thị trường” và “đáp ứng nhu cầu sản xuất và kiểm soát dịch bệnh”. 30 nhà máy hiện đã nối lại sản xuất với tổng sản lượng 8 triệu khẩu trang mỗi ngày.

Trong khi đó, đặc khu hành chính Hong Kong cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng khi nhu cầu tăng cao do lo ngại về virus corona. Một quan chức Hong Kong cho hay, các lô khẩu trang tiếp theo dự kiến không tới được vùng lãnh thổ này từ nay cho tới tháng 2.

Hong Kong nhập khẩu hầu hết các mặt nạ từ Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia, do đó nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu, nguồn cung sẽ còn khó khăn hơn. Việc giao hàng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở cả Trung Quốc và Hong Kong. Giá khẩu trang vì thế mà cũng tăng lên.

Khủng hoảng tại bệnh viện ở Vũ Hán

Các nhân viên chăm sóc sức khỏe tại thành phố Vũ Hán cho biết các bệnh viện đang thiếu nguồn cung vì họ đang phải điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

Chính quyền trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ gửi hơn 1.200 nhân viên y tế - cũng như 135 nhân viên y tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân - đến thành phố Vũ Hán trong một nỗ lực chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

4 nhân viên y tế - bao gồm cả bác sĩ - trong thành phố Vũ Hán đã kể về những khó khăn mà các đội y tế phải đối mặt tại đây. Những khó khăn bao gồm nguồn lực bệnh viện không đủ, thiết bị bảo vệ thiếu thốn.

“Về nguồn lực y tế, toàn bộ Vũ Hán đang thiếu”, một nhân viên chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Vũ Hán nói với CNN qua điện thoại. Người này cho biết họ đang tìm thêm quần áo bảo hộ, kính bảo hộ và khẩu trang.

“Nó thực sự giống như việc chúng ta ra trận mà không có áo giáp”, nhân viên y tế này nói.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán thậm chí còn mặc tã khi làm việc để khỏi phải cởi bỏ bộ đồ bảo vệ đang ở mức thiếu thốn.

Chia sẻ

Bài viết

Thiên Ân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất