Vòng quanh Thế giới

Vì sao 6 nước giàu nhất hành tinh sẽ bị bẽ mặt nếu lộ thông tin này?

Theo Daily Mail
Chia sẻ

6 cường quốc giàu nhất hành tinh chắc không khỏi cảm thấy xấu hổ và bẽ mặt khi bị “tố” là những nước “keo kiệt” tình thương nhất.

Theo bản báo cáo của tổ chức Oxfam vừa được công bố, 6 cường quốc giàu nhất thế giới gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản và Mỹ chiếm tới hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu nhưng chỉ tiếp nhận chưa đầy 9% người nhập cư. Oxfam là một trong các tổ chức phi chính phủ hàng đầu của thế giới chuyên về lĩnh vực phát triển nông thôn, cứu trợ nhân đạo, phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro với hiểm họa và thảm họa…

Những nước giàu nhất thế giới lại đang quay lưng với tình cảnh khốn cùng của những người nhập cư

Những nước giàu nhất thế giới lại đang quay lưng với tình cảnh khốn cùng của những người nhập cư

Trong khi Đức gần đây tiếp nhận số người nhập cư nhiều hơn bất kỳ nước giàu nào khác thì vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa các cường quốc giàu nhất thế giới với những nước nghèo hơn về vấn đề tiếp nhận người nhập cư.

Bản báo cáo của Oxfam cho biết, 6 nước giàu nhất hành tinh hiện đang tiếp nhận khoảng 2,1 triệu người nhập cư và người xin tị nạn, chiếm chỉ khoảng 8,9% trong tổng số người nhập cư trên toàn thế giới. Anh tiếp nhận 169.000 người nhập cư và người xin tị nạn, chiếm chưa đầy 1% so với tổng số người nhập cư của thế giới.

Đối lập lại hoàn toàn với những con số đáng buồn nói trên, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng Palestine, Pakistan và Li-băng đang tiếp nhận hơn một nửa số người nhập cư và tị nạn trên toàn thế giới bất chấp thực tế rằng những nước này chiếm chưa đầy 2% nền kinh tế toàn cầu.

Hơn 65 triệu người dân đang phải rời bỏ nhà cửa để tránh những cuộc xung đột vào bạo lực ở quê nhà. 40,8 triệu người vẫn ẩn náu trong đất nước của họ trong khi 21,3 triệu người tìm cách nhập cư vào các nước khác và 3,2 triệu người quyết định xin tị nạn. Đây là những con số cao kỷ lục gây ra chủ yếu do tình trạng cuộc xung đột ác liệt và đẫm máu ở Syria. Ngoài ra, người dân cũng trốn chạy cả những cuộc bạo lực, xung đột ở Nam Sudan, Burundi, Iraq, Yemen và nhiều nước khác.

Nhiều người đang đánh đổi mạng sống chỉ với mong muốn được tìm một nơi trốn bình yên không có bạo lực, xung đột

Nhiều người đang đánh đổi mạng sống chỉ với mong muốn được tìm một nơi trốn bình yên không có bạo lực, xung đột

Trước thềm hai hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lớn về cuộc khủng hoảng nhập cư và người tị nạn dự kiến diễn ra ở New York vào tháng 9 tới, Oxfam đang kêu gọi các chính phủ tiếp nhận thêm nhiều người nhập cư và cam kết tăng cường sự giúp đỡ hơn nữa cho những nước nghèo hơn đang oằn mình nhận trách nhiệm lớn hơn trong cuộc khủng hoảng nhập cư.

Ông Mark Goldring - Giám đốc điều hành của Oxfam GB, cho biết: “Nhiều chính phủ đang quay lưng lại với nỗi đau của hàng triệu người dễ bị tổn thương - những người đang phải chạy trốn khỏi nơi ở của họ. Những chính phủ đó đang trốn trách trách nhiệm trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương”.

“Hàng ngàn người đang mạo hiểm mạng sống để đến được một nơi trú ẩn an toàn. Những người đủ may mắn để sống sót lại phải rơi vào một điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt, khốn khổ không có đủ nước sạch hay lương thực đồng thời phải đối diện với sự thù địch, phân biệt và lạm dụng trong khi có quá nhiều chính phủ đóng góp rất ít trong việc giúp đỡ và bảo vệ họ”, ông Goldring gay gắt chỉ trích.

Ông Goldring cũng nói thêm rằng, cuộc khủng hoảng nhập cư là một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta khi những nước nghèo hơn đang phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn.

“Đó là một cuộc khủng hoảng phức tạp đòi hỏi sự phối hợp, chung sức trên toàn cầu với những nước giàu nhất cần phải gánh một trách nhiệm công bằng hơn bằng cách tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn và nỗ lực nhiều hơn để giúp đỡ cũng như bảo vệ những người tị nạn bất kể họ đến từ đâu”, Giám đốc điều hành của Oxfam GB nhấn mạnh.

“Lúc này hơn lúc nào hết, Anh cần phải thể hiện rằng, nước này là một xã hội cởi mở và nhân đạo, sẵn sàng góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Thật là đáng xấu hổ khi với tư cách là một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới, Anh lại chỉ tiếp nhận chưa đầy 1% số người nhập cư”, ông Goldring cay đắng phát biểu.

Ông Goldring kêu gọi “mọi người hãy đứng lên đoàn kết với hàng triệu người đang gặp khốn khó để gây áp lực đòi các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc họp ở New York vào tháng 9 tới phải nhanh chóng có hành động thiết thực hơn nữa”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Daily Mail

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất