Vòng quanh Thế giới

Từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 có thể cứu thế giới khỏi đại dịch?

Song Long
Chia sẻ

Đến nay, khi số người chết vì Covid-19 vượt 3 triệu người, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine trở thành một trong những cuộc tranh luận sôi nổi nhất.

Một năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu và các công ty dược phẩm trên thế giới lao vào cuộc đua tìm kiếm vaccine, cuộc tranh luận về việc cấp bằng sáng chế cho vaccine Covid-19 đang đặt ra. Nhưng quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tăng giá và có thể tạo ra sự phân biệt đối xử chống lại việc tiếp cận vaccine, khiến những lời kêu gọi ngày càng lớn hơn về việc tạm thời từ bỏ các bằng sáng chế.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1955 với đài truyền hình Mỹ CBS, Jonas Salk, nhà phát minh ra vacine bại liệt đầu tiên trên thế giới, đã được hỏi ai là người sở hữu bằng sáng chế cho những mũi vaccine cứu mạng con người. “Vâng, mọi người, tôi sẽ nói là không có bằng sáng chế nào hết. Các bạn có cấp bằng sáng chế cho Mặt trời không?", ông đáp.

Thời điểm đó, Salk được ghi nhận là người đã cứu sống hàng triệu trẻ em. Một phần là nhờ không ghi bản quyền vaccine.

Đến nay, khi số người chết vì Covid-19 vượt 3 triệu người, vấn đề bản quyền với vaccine trở thành một trong những cuộc tranh luận sôi nổi nhất.

Trong một tuyên bố hồi tháng 3, Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO, kêu gọi các quốc gia và công ty dược phẩm "từ bỏ các bằng sáng chế để đặt thế giới vào tình thế chiến tranh" chống lại Covid-19. Ông này nhấn mạnh rằng phần lớn liều vaccine và việc sản xuất cho đến nay có ở “một số ít các quốc gia giàu, trong khi hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thì theo dõi và chờ đợi”.

Theo một số liệu gần đây do AFP thu thập, 49% tổng số liều vaccine đã được sử dụng ở phương Tây, khu vực chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu.

Người đứng đầu WHO lưu ý vấn đề là chừng nào các nước giàu còn giữ nguyên liều lượng, bí quyết công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, thì thế giới còn chưa thể đối mặt với thách thức số 1 - đẩy mạnh sản xuất vaccine.

Vaccine miễn phí cho tất cả mọi người?

Nam Phi và Ấn Độ là những nước đầu tiên kêu gọi tạm thời từ bỏ các bằng sáng chế vaccine. Kể từ đó, cùng ủng hộ 2 nước này là khoảng 80 quốc gia đang phát triển cùng với các nhóm nhân quyền như Bác sĩ không biên giới (MSF) và Tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng như các phong trào hoạt động rộng lớn hơn như Liên minh vaccine nhân dân - tổ chức đang kêu gọi cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả mọi người.

Nhưng một số quốc gia sản xuất vaccine, bao gồm Anh, các quốc gia EU, Thụy Sĩ và Mỹ, cho rằng quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò là động lực quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới về phía trước, đồng thời được coi như biện pháp bảo vệ trước những "bản sao" chất lượng thấp.

Một số tập đoàn dược phẩm, như AstraZeneca, đã đồng ý chia sẻ giấy phép của họ để cho phép sản xuất vaccine đã được phê duyệt ở các nơi khác trên thế giới, nhưng không phải tất cả các công ty đều làm vậy.

Tiến sĩ Anne Sénéquier, một thành viên nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Quốc tế Pháp, cho biết mặc dù “việc từ bỏ các bằng sáng chế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều người được tiêm chủng hơn”, nhưng việc tước bỏ cấp bằng sáng chế có thể đem tới rủi ro.

“Ví dụ, nếu bạn nhìn vào các phòng thí nghiệm tư nhân, chúng luôn được tài trợ tốt hơn so với các phòng thí nghiệm công", bà nói với France 24 và chỉ ra thực tế bản quyền có thể giúp đảm bảo các khoản đầu tư của các công ty sẽ được hoàn trả. “Nếu các phòng thí nghiệm không thể được đảm bảo rằng họ có thể kiếm lại số tiền đã đầu tư vào nghiên cứu và đầu tư, thì họ khó có thể tiếp tục đầu tư".

'Cho công thức nhưng không có hướng dẫn'

Nhưng một vấn đề lớn hơn là ngay cả khi một số công ty dược chọn không theo đuổi các bằng sáng chế đối với vaccine trong thời kỳ đại dịch - như trường hợp của Moderna - họ sẽ gần như không thể tái sản xuất trừ khi công ty đứng sau cũng chia sẻ thông tin.

Olivier Wouters, Trợ lý Giáo sư về Chính sách Y tế tại Trường Kinh tế London, giải thích, Moderna nói dù cho họ không tìm bằng sáng chế vaccine trong giai đoạn cấp bách của đại dịch, điều này cũng chẳng giúp ích là bao nếu công ty không chia sẻ bí quyết để cho phép người khác sản xuất vaccine.

Wouters cho biết các quốc gia giàu có tài trợ cho việc phát triển vaccine ngay từ đầu có thể đã yêu cầu nhiều hơn từ các công ty dược phẩm khi thực hiện các hợp đồng. ”Sẽ rất ý nghĩa nếu nói: 'Chúng tôi sẽ giúp tài trợ cho việc phát triển và sản xuất vaccine của bạn, nhưng với điều kiện bạn phải làm việc với Viện Huyết thanh ở Ấn Độ, Fiocruz ở Brazil và các nhà sản xuất khác trên thế giới'".

Graham Dutfield, một giáo sư tại Đại học Leeds và là tác giả của Quyền sở hữu trí tuệ, thương mại và đa dạng sinh học, đồng ý điều trên, và so sánh việc từ bỏ bản quyền bằng sáng chế mà không đưa ra bí quyết và chuyển giao công nghệ với việc có công thức mà không đưa ra hướng dẫn và cách đo lường.

“Điều chúng tôi thực sự muốn là thiết lập một số trung tâm sản xuất vaccine trên khắp thế giới, ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương và thu được những sản phẩm đó để tăng nguồn cung toàn cầu cần thiết", Dutfield nói.

Tại một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 với hy vọng sẽ giúp các nước nghèo có thêm vaccine và đẩy nhanh quá trình chấm dứt đại dịch.

Ngay sau đó, Pháp đã đứng về phía Mỹ ủng hộ việc tạm thời nới lỏng bằng sáng chế và các biện pháp bảo vệ khác đối với vaccine Covid-19. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng ngay cả khi các bằng sáng chế được miễn, thì các nhà sản xuất thuốc ở những nơi như châu Phi hiện không được trang bị để sản xuất vaccine Covid-19 nên ông nghĩ cần thay thế biện pháp này bằng việc tặng vaccine. Tuy nhiên, để đi đến một quyết định mang tính bước ngoặt cho toàn thế giới, cần phải có được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên WTO, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể phá vỡ quyết định của số đông còn lại.

Chia sẻ

Bài viết

Song Long

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất