Vòng quanh Thế giới

Trung Quốc chấn động bởi bê bối vaccine rởm

Theo VnExpress
Chia sẻ

Hàng trăm nghìn liều vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván rởm được đưa vào hệ thống tiêm chủng quốc gia để tiêm cho trẻ sơ sinh mà chưa rõ tác hại của nó.

Số vaccine rởm được tiêm chủng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Ảnh: Reuters

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm tỉnh Cát Lâm hôm 20/7 công bố thông tin về bê bối vaccine trên trang web. Theo đó, công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã bán ra 252.600 liều vaccine DPT không đạt tiêu chuẩn cho Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Sơn Đông, cơ quan y tế công của tỉnh Sơn Đông chịu trách nhiệm về sức khỏe của 100 triệu dân, theo SCMP.

Hiện chưa rõ số lượng trẻ em được tiêm loại vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván kém chất lượng này thông qua hệ thống tiêm chủng quốc gia. Bê bối này xuất hiện chỉ sau 5 ngày, khi cơ quan quản lý thuốc trung ương bất ngờ kiểm tra và phát hiện một công ty ở Thâm Quyến đã làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 liều vaccine phòng dại hồi đầu tuần trước. Cục Quản lý Dược Nhà nước đã thu hồi giấy phép sản xuất vaccine phòng dại của công ty này, đồng thời để ngỏ khả năng mở điều tra hình sự.

Bê bối của Trường Sinh là vụ mới nhất trong loạt tai tiếng trong những năm gần đây của ngành sản xuất dược Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, cơ quan giám sát dược phẩm nhà nước cho hay một nhà sản xuất vaccine lớn khác là Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán hơn 400.000 liều vaccine DPT kém chất lượng cho tỉnh Hà Bắc và thành phố Trùng Khánh. Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ em đã bị tiêm vaccine kém chất lượng, còn công ty vẫn chưa bị trừng phạt.

Vaccine DPT trong cả hai vụ đều do cơ quan y tế công của tỉnh mua để tiêm chủng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng bắt buộc của nhà nước. Hiện vaccine rởm đã được chứng minh không có hiệu quả, nhưng chưa rõ tác hại của nó lên sức khỏe trẻ em. Chưa có báo cáo nào ghi nhận trẻ em bị ốm sau khi tiêm các loại vaccine này.

DPT được chính phủ Trung Quốc trợ giá, tiêm miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc. Trẻ sơ sinh được tiêm ba mũi, liều thứ nhất tiêm lúc ba tháng tuổi.

Anh Lâm, một ông bố ở Quảng Châu có con gái bị tiêm 4 liều DPT do Trường Sinh và Viện sản phẩm sinh học ở Vũ Hán sản xuất năm 2015 và 2017 đã vô cùng giận dữ. Anh tuyên bố không còn tin tưởng vào vaccine sản xuất tại Trung Quốc nữa và từ nay về sau sẽ đưa con sang Hong Kong tiêm chủng.

“Tôi và gia đình chắc chắn không tiêm thêm bất kỳ mũi vaccine nào ở đại lục nữa, tới khi chính quyền nghiêm túc giải quyết vấn đề này”, Lâm nói.

Ở Thượng Hải, chị Lý, một người mẹ có con bị tiêm vaccine DPT do Viện Vũ Hán sản xuất năm 2015, cũng tỏ ra mất niềm tin vào ngành công nghiệp dược phẩm của đất nước và tuyên bố sẽ chọn vaccine nhập khẩu trong tương lai.

Vaccine liên quan trực tiếp đến sức khỏe trẻ em. Vụ bê bối này khiến tôi rất buồn”, Lý bày tỏ. “Phải chăng bây giờ chúng tôi chỉ có thể đảm bảo sức khỏe cho con cái bằng cách cho các con dùng thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu từ nước ngoài?”

Cơ quan y tế tỉnh Cát Lâm chỉ phạt công ty Trường Sinh 3,4 triệu tệ (500.000 USD), con số ít ỏi cho một công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán và báo cáo lợi nhuận ròng năm ngoái đạt 566 triệu tệ. Trường Sinh cũng vừa nhận được khoản trợ giá 48,3 triệu tệ của chính phủ năm 2017.

Tháng 11 năm ngoái, cơ quan quản lý thuốc Cát Lâm thông báo đang thanh tra Trường Sinh và cho hay vụ điều tra có thể sẽ tiến hành trong hai tháng. Tuy nhiên, tới tháng 7/2018, cơ quan này mới công bố kết quả.

Tối qua, Trường Sinh thông báo đã ngừng sản xuất DPT và bày tỏ “lời xin lỗi sâu sắc” tới những người bị ảnh hưởng. Nhưng dư luận Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi làm thế nào vaccine kém chất lượng lại có thể vượt qua cả một hệ thống kiểm tra. Ủy ban Y tế Quốc gia vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về cách thức vaccine chất lượng kém gây ảnh hưởng tới trẻ em.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua kêu gọi lập tức điều tra và trừng phạt nghiêm khắc những công ty và cá nhân liên quan tới sản xuất vaccine rởm, nhấn mạnh người dân cần được thông tin rõ ràng.

Trong khi đó, People's Daily - bản trực tuyến của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi chính phủ hành động nhằm xóa tan lo lắng của người dân về vụ bê bối qua bài báo “Đừng để nỗi lo và sự giận dữ lan rộng”.

Theo báo này, vụ bê bối mới nhất sẽ “dẫn tới ngày càng nhiều người hoài nghi về vaccine sản xuất trong nước”, và niềm tin của công chúng hầu như không hề khôi phục sau vụ bê bối vaccine hết hạn hai năm trước và 200 người có liên quan bị bắt.

Bê bối vaccine trị giá 570 triệu tệ quá hạn hoặc bảo quản sai cách bán trái phép trên toàn quốc trong nhiều năm bị phanh phui năm 2016 đã khiến dư luận Trung Quốc vô cùng giận dữ. Trước đó, năm 2010, China Economic Times (thời báo kinh tế Trung Quốc), một tờ báo nhà nước, tiết lộ trong ba năm, hàng trăm trẻ em ở tỉnh Sơn Tây đã tử vong do bị tác dụng phụ từ vaccine hỏng. Quan chức tỉnh Sơn Tây phủ nhận vaccine có vấn đề, còn biên tập viên của tờ báo lập tức bị sa thải.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất