Người mẫu - Hoa hậu

Trào lưu 'cuồng' thi hoa hậu ở Philippines

Theo VnExpress
Chia sẻ

Các cuộc thi nhan sắc giúp người Philippines, với một phần năm sống trong nghèo đói, khẳng định tiêu chuẩn vẻ đẹp riêng và nâng niềm tự hào dân tộc.

Catriona Gray đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ ngày 17/12. Ảnh: AFP.

Trong bộ váy đỏ lấy cảm hứng từ ngọn núi lửa gần quê nhà, Catriona Gray ngày 17/12 nói về việc hỗ trợ trẻ em ở khu ổ chuột tại Manila và ủng hộ hợp pháp hóa cần sa y tế. Cô trở thành người Philippines thứ tư giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ.

Đối với một đất nước đang đối mặt với nhiều vấn đề như nạn nghèo đói, cuộc chiến chống ma túy đẫm máu và bạo lực lan tràn, đó là khoảnh khắc chiến thắng vinh quang. Hàng triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài cũng vỡ òa sung sướng.

“Khi tôi 13 tuổi, mẹ đã nói với tôi: Mẹ mơ thấy con đi thi Hoa hậu Hoàn vũ và con giành chiến thắng trong một chiếc váy đỏ”, Gray, 24 tuổi, kể với các phóng viên sau khi đăng quang.

Theo Washington Post, Philippines là một trong những nước đam mê các cuộc thi sắc đẹp nhất thế giới. Kể từ năm 2010, các thí sinh đến từ Philippines chưa bao giờ nằm ngoài top 10 Hoa hậu Hoàn vũ.

Các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức ở khắp mọi nơi tại quốc đảo - từ các cộng đồng nghèo cho đến các khu cao cấp, trong trường học, lễ hội thị trấn và cả hải ngoại. Tại các thành phố như Hong Kong, nơi hàng nghìn người Philippines đi xuất khẩu lao động, các cuộc thi thường được tổ chức vào ngày nghỉ duy nhất của họ là chủ nhật.

J. Pilapil Jacobo, trợ lý giáo sư nghiên cứu về văn học và giới tính tại Đại học Ateneo de Manila, cho rằng sự đam mê này xuất phát từ yếu tố lịch sử vì nước này đã trải qua thời là thuộc địa của Tây Ban Nha và thời Mỹ thuộc.

Chủ nghĩa đế quốc đã tước đi những tiêu chuẩn của riêng chúng tôi về vẻ đẹp, hình thể đẹp, phẩm chất tốt, nghệ thuật và thẩm mỹ”, bà giải thích. “Tôi cảm thấy các cuộc thi sắc đẹp giúp chúng tôi lấy lại những quan niệm như vậy. Chúng tôi khẳng định được một số tiêu chuẩn vẻ đẹp địa phương”.

Bà nói thêm rằng đối với một quốc gia như Philippines, nơi khoảng 1/5 dân số sống dưới mức nghèo, các cuộc thi đem đến “những chiến thắng không thể có được trong cuộc sống thường ngày”.

Sau khi đăng quang, Gray nhận được nhiều lời chúc mừng, kể cả từ Điện Malacanang (dinh tổng thống). Phát ngôn viên của tổng thống Salvador Panelo nhấn mạnh chiến thắng của Gray cổ vũ “phụ nữ tin tưởng vào bản thân và đấu tranh để đạt được vị trí cho chính mình trong vũ trụ”.

Ngay cả lãnh đạo phe đối lập, Phó Tổng thống Leni Robredo, cũng chúc mừng cô. “Với đôi mắt của toàn thế giới đổ dồn về phía mình, cô đã chọn làm nổi bật sự hỗ trợ của mình với người nghèo và gửi đi thông điệp về hy vọng cho tất cả mọi người”, bà viết trên Twitter.

Nhưng có lẽ cộng đồng chăm chú theo dõi các cuộc thi hoa hậu nhất là những người LGBTQ (đồng tính, song tính, chuyển giới). Các thí sinh của Philippines thường thể hiện mình là “đồng minh” của cộng đồng này trong khi Philippines thiếu luật bảo vệ người đồng tính. Các cô gái thường thúc đẩy các chiến dịch có ích cho những người LGBTQ như nâng cao nhận thức về HIV.

Màn thể hiện trang phục dân tộc của Gray. Ảnh: AFP.

Do tình cảm nồng nhiệt người Philippines dành cho các cuộc thi sắc đẹp, những lời chỉ trích thường không được tán thành. Nhưng Joms Salvador, tổng thư ký của Gabriela Alliance of Women, liên minh các tổ chức và chương trình đấu tranh cho phụ nữ trên khắp Philippines, hy vọng rằng các cuộc thi sẽ không phản tác dụng, gây ấn tượng xấu về cách phụ nữ được nhìn nhận.

Chỉ trong năm nay, ít nhất 4 thí sinh Hoa hậu Trái đất đã cáo buộc một nhà tổ chức Philippines quấy rối tình dục sau khi cuộc thi kết thúc vào tháng 11. Salvador nhấn mạnh rằng kết cấu của các cuộc thi có thể khiến thí sinh ngần ngại đứng lên tố cáo hành vi sai trái và làm gia tăng quan niệm rằng phụ nữ phải có ngoại hình theo một cách nhất định.

“Không dễ dàng để trở thành hoa hậu. Bạn cần phải trang điểm đẹp và có hình thể đẹp”, Salvador nói. “Đằng sau đó là một ngành công nghiệp kiếm tiền. Chung cuộc thì sẽ có người nào đó đăng quang nhưng bên chiến thắng lớn nhất là những người kiếm lời từ ngành công nghiệp làm đẹp”.

“Chúng tôi chúc mừng Catriona Gray và tất cả người Philippines. Nhưng chúng tôi cũng phê phán thực tế rằng giờ đã là năm 2018 rồi mà chúng tôi vẫn còn cần những bước tiến dài ở phía trước để đảm bảo các quyền của phụ nữ”, Salvador nói. Chẳng hạn, ly hôn vẫn được coi là bất hợp pháp ở quốc gia có đa số người theo Công giáo này. (Hai người muốn kết thúc cuộc hôn nhân ở Philippines không thể xin ly hôn mà chỉ có thể hủy hôn - quá trình kéo dài tới vài năm, đòi hỏi cả kiểm tra sức khỏe tâm thần và chi phí pháp lý có thể tốn tới 10.000 USD).

Nhưng đối với những người hâm mộ như Jacobo, các cô gái hiện đại đã cố gắng nâng tầm bản thân và chú trọng đến kiến thức khi tham dự các cuộc thi: Gray đã tích cực nghiên cứu trang phục dân tộc của mình bằng cách đến trò chuyện với các thợ dệt trên đảo Mindanao ở phía nam và đất nước.

“Sự phô diễn vẻ đẹp, trí tuệ và nhận thức văn hóa làm tăng niềm tự hào dân tộc“, Jacobo nhấn mạnh.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất