Vòng quanh Thế giới

Tìm thấy dấu tích của voi ma mút cuối cùng sống cách đây 4000 năm

Theo CNN
Chia sẻ

Dấu tích voi ma mút cuối cùng cách đây 4000 nghìn năm được tìm thấy trên một hòn đảo ở Bắc Cực và nghiên cứu về sinh vật này có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách bảo vệ các sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng khác. 

Quần thể voi ma mút cuối cùng sống trên Trái Đất cách đây 4000 năm trên một hòn đảo xa xôi ở Bắc Băng Dương. Các nhà khoa học cho rằng việc nghiên cứu về nguyên nhân diệt vong của loài này có thể giúp cứu rỗi các sinh vật đang tồn tại khỏi chịu chung số phận với chúng.

Theo một nghiên cứu trên tờ Quaternary Science Reviews, giống voi ma mút khổng lồ ở khu vực này có tuổi thọ vượt trội hơn so với sinh vật cùng loài ở khu vực khác. Sinh vật này thậm chí đã có thể sống lâu hơn nếu không có những sự kiện làm ô nhiễm nguồn nước và làm cạn kiệt nguồn thức ăn của chúng.

Giống voi to lớn này đã từng lang thang khắp bán cầu Bắc cách đây 15000 năm nhưng bị cô lập trong kỷ băng hà cuối cùng. Nguyên nhân là vì sự nóng lên toàn cầu đã làm thu hẹp các tảng băng và dâng cao mực nước biển. Dấu tích gần nhất của những sinh vật sống sót cuối cùng là cách đây 10000 năm.

Để tìm ra lý do sống sót của một vài nhóm voi ma mút còn lại, một nhóm các nhà khoa học Phần Lan, Đức và Nga đã nghiên cứu về những bộ phận như xương, ngà và răng tìm thấy ở Canada, Alaska, Siberia và đảo Wrangel trên Bắc Băng Dương của sinh vật này. Bất cứ thay đổi trong kết cấu thành phần chỉ ra sự thay đổi trong tập quán ăn uống, trú ngụ và môi trường có thể ảnh hưởng đến số mệnh của loài này.

Voi ma mút vùng Wrangel sống lâu hơn các giống voi khu vực khác

Giống voi ở Wrangel đã phát triển mạnh mẽ trong khi các quần thể voi ma mút khác đang chết đi vì biến đổi khí hậu, dẫn tới thay đổi thành tố môi trường, cộng thêm sự cô lập quần thể làm mất đi tính đa dạng di truyền của loài sinh vật này.

Nghiên cứu cho rằng vào mùa đông, voi ma mút ở Siberia chủ yếu sống dựa vào nguồn chất béo dự trữ trong cơ thể. Trong khi giống voi ở vùng Wrangel tiêu tốn ít năng lượng hơn vì điều kiện khí hậu không khắc nghiệt bằng.

Nhóm nghiên cứu từ các trường Đại Học của Helsinki và Tubingen và Học viện Khoa Học Nga tìm ra rằng voi ma mút Wrangel có hàm lượng lưu huỳnh trong xương lớn hơn đồng thời chỉ ra nguyên nhân là do mức độ độc hại của các khoáng chất trong nguồn nước của chúng.

Lý do voi ma mút Wrangel bị tuyệt chủng cũng khá đặc biệt. Các loài khác chết đi vì thiếu môi trường sống và lương thực, nhưng mẫu thử mới đây nhất cho thấy hàm lượng lưu huỳnh cao trong xương của giống voi khổng lồ vùng Wrangel đã gây nên cái chết của loài này. Nguyên nhân là do sự phong hóa đất đá đã giải phóng các khoáng chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước.

Các sự kiện thời tiết cực đoan cũng góp phần giết hại sinh vật này. Mưa và tuyết bao phủ mặt đất ngăn cản voi ma mút tìm kiếm thức ăn.

Con người cũng có thể là tác nhân gây nên sự tuyệt chủng của loài này, mặc dù can thiệp của loài người là không đáng kể. Đã xuất hiện những dấu tích của loài người trên đảo Wrangel chỉ vài trăm năm sau sự ra đi của voi ma mút. Tuy nhiên không tìm thấy bằng chứng về sự săn bắt của con người.

Khoa học không phát triển kịp để cứu sống voi ma mút, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể kịp cứu sống những sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu sinh trắc học của di hài voi ma mút và tìm hiểu về nguyên nhân khiến chúng bị chết có thể giúp các nhà bảo tồn tìm ra biện pháp bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm.

Chia sẻ

Theo

CNN

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất