Vòng quanh Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ: Sau đảo chính là trả thù tắm máu và điên cuồng?

Yến Linh
Chia sẻ

Xe tăng rầm rập tiến vào thủ đô, trực thăng không kích tòa nhà Quốc hội, chiến đấu cơ bắn rơi trực thăng, binh lính tràn vào tấn công dinh thự của Tổng thống...

Toàn cảnh cuộc đảo chính diễn ra hồi cuối tuần vừa rồi ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì một cuộc chiến tranh toàn diện với sự tham gia của những lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp nhất và những vũ khí hạng nặng hiện đại. Mặc dù cuộc đảo chính đã bị dập tắt nhanh chóng nhưng hệ lụy mà nó để lại là rất lớn không chỉ riêng đối với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mà cả với khu vực và thế giới.

Toàn cảnh cuộc đảo chính

Khoảng 7h30 tối ngày 15/7 theo giờ địa phương (tức 23h30 theo giờ Hà Nội), lực lượng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cũng những chiếc xe tăng hùng dũng bất ngờ ập đến phong tỏa cây cầu nổi tiếng Bosphorus ở Istanbul - một cây cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á. Cùng lúc đó, máy bay quân sự gầm rú trên bầu trời thủ đô Ankara.

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hoàn toàn bất ngờ

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hoàn toàn bất ngờ

4 tiếng sau đó, một nhóm sĩ quan và binh sĩ trong quân đội tuyên bố giành quyền kiểm soát đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập chế độ thiết quân luật. Lực lượng binh lính bắt đầu xuất hiện khắp các đường phố ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.

Rất nhanh sau đó, Tổng thống Erdogan thông qua truyền thông thúc giục người dân đổ ra đường chống lại cuộc đảo chính với lời kêu gọi không thể thuyết phục hơn và kích thích tinh thần hơn, đó là lời khẳng định “không quyền lực hay sức mạnh nào có thể hơn được sức mạnh của nhân dân”. Lời kêu gọi đó đã hiệu triệu người hàng nghìn người dân, khích lệ tinh thần cũng như tiếp thêm lòng dũng cảm cho họ. Kết quả là hàng nghìn người dân đã đổ ra đường, sẵn sàng hy sinh tính mạng để chống lại lực lượng binh lính chuyên nghiệp và những vũ khí hiện đại. Thậm chí, có người còn nằm ngay dưới bánh xe tăng để chặn bước tiến của lực lượng đảo chính.

Một người dân sẵn sàng nằm ngay dưới bánh xe tăng để chặn cuộc đảo chính

Một người dân sẵn sàng nằm ngay dưới bánh xe tăng để chặn cuộc đảo chính

Binh lính bắt đầu nổ súng vào người biểu tình và các cuộc đọ súng, ẩu đả bùng lên ở cả Istanbul và Ankara. Trong khi đó, máy bay quân sự tấn công vào tòa nhà Quốc hội.

Sức mạnh của nhân dân chưa bao giờ được thể hiện rõ hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Tôi không bao giờ tin có sức mạnh hay quyền lực nào lớn hơn sức mạnh của nhân dân”. Hàng nghìn người dân đã đổ ra đường và nhanh chóng “vô hiệu hóa” cuộc đảo chính. Họ không ngại đối mặt trực tiếp với các binh sĩ lăm lăm vũ khí trong tay, và không ngại đối mặt với xe tăng hay bom đạn. Họ cuồng nộ trút giận lên lực lượng tham gia đảo chính, leo lên những chiếc xe tăng, lôi các binh sĩ từ trong xe ném xuống đường và mắng nhiếc, đánh đập không thương tiếc

Tổng thống Erdogan bay đến Istanbul vào sáng ngày thứ Bảy (16/7) - nơi ông này được chào đón bởi biển người ủng hộ. Ngay sau đó, chính phủ tuyên bố kiểm soát tình hình và cuộc đảo chính thất bại.

Gần 300 người thiệt mạng, trong đó có hơn 100 binh sĩ tham gia đảo chính. Mọi việc vẫn chưa kết thúc.

Ai là thủ phạm gây ra cuộc đảo chính và những thuyết âm mưu gây sốc

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn ai là lực lượng chủ mưu đứng đằng sau giật dây cuộc binh biến đẫm máu và hỗn loạn ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Một nhóm binh sĩ tự xưng là Hội đồng Hòa bình trên đất mẹ tuyên bố họ thực hiện cuộc đảo chính là nhằm để “đảm bảo và khôi phục trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền và tự do “.

Ông Erdogan (bên trái) và ông Gulen (bên phải) từng là đồng minh sát cánh bên nhau trước khi trở thành kẻ thù không đội trời chung

Ông Erdogan (bên trái) và ông Gulen (bên phải) từng là đồng minh sát cánh bên nhau trước khi trở thành kẻ thù không đội trời chung

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng chỉ đích danh giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là kẻ chủ mưu. Ông Gulen, 77 tuổi, từng là đồng minh thân cận của ông Erdogan ít nhất tới năm 1999 khi phải sang Mỹ lưu vong tại tiểu bang Pennsylvania và bị kết tội phản quốc. Gulen là người dẫn dắt phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ (Hizmet). Phong trào Hizmet có sự hiện diện lớn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có truyền thông, cảnh sát và hệ thống pháp lý.

Đáp lại cáo buộc trên, ông Gulen khẳng định không có bất kỳ sự dính líu nào đến những diễn biến gây rúng động trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian vừa qua. “Tôi đã thể hiện rõ ràng quan điểm chống lại các cuộc đảo chính và can thiệp quân sự. Tôi đã nhấn mạnh điều này đến 50 lần. Tôi không thể thay đổi tiến trình sau khi đã ở độ tuổi 77 như bây giờ. Tôi tin vào Thánh Allah và không cúi đầu trước một kẻ đàn áp. Nếu một ủy ban quốc tế đưa ra dược bằng chứng xác thực, tôi sẽ chấp nhận và vui vẻ lên máy chém mà không chớp mắt”, ông Gulen nhấn mạnh.

Sau những lời phủ nhận quyết liệt, ông Gulen cũng thẳng thừng tố ngược lại rằng, chính Tổng thống Erdogan mới là “kẻ chủ mưu” giật dây mọi chuyện nhằm tìm cách củng cố quyền lực. Giả thuyết này đã gây sốt trên các trang mạng xã hội với rất nhiều những lập luận phân tích. Nhiều người tin rằng, phát biểu của ông Erdogan cho rằng, cuộc đảo chính là “cơ hội trời cho”, là “món quà, là phúc lành được ban xuống từ Thánh Allah” để giúp Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng nội bộ trong quân đội là một minh chứng chứng tỏ ông Erdogan đứng đằng sau cuộc đảo chính. Thậm chí có tờ báo đưa tin, họ có nguồn tin trong nội bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, cuộc đảo chính vừa rồi là âm mưu của ông Erdogan. Dư luận không khỏi có những hoài nghi bởi người được lợi nhất trong cuộc đảo chính lần này là Tổng thống Erdogan.

Lâu nay, ông Erdogan đang phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt ở trong nước và thậm chí là các các đồng minh phương Tây của ông này về vấn đề đàn áp lực lượng đối lập và về nhân quyền. Dưới thời Tổng thống Erdogan, hàng trăm nhà báo đã bị sa thải, nhiều người phải ngồi tù. Ông Erdogan cũng bị cáo buộc đàn áp các thành viên phe đối lập và đàn áp truyền thông. Bản báo cáo của Tổ chức Nhân quyền năm 2015 cảnh báo, chính phủ của Tổng thống Erdogan đang “có những bước đi chưa từng có nhằm thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn hệ thống pháp lý, bóp nghẹt truyền thông xã hội, tăng cường giám sát báo chí và Internet cũng như truy tố các phóng viên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan được cho là đang có lợi rất nhiều từ cuộc đảo chính vừa rồi

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan được cho là đang có lợi rất nhiều từ cuộc đảo chính vừa rồi

Trong bối cảnh như vậy, cuộc đảo chính được cho là đã cho ông Erdogan “cơ hội trời cho” để có thể “thoải mái, tự do” đàn áp lực lượng đối lập. Ông cũng chuyển từ vị thế của người từng bị chỉ trích nhiều về vấn đề dân chủ, nhân quyền sang tư thế của người chiến thắng, với sự ủng hộ rộng khắp của người dân.

Nếu nhìn vào diễn biến trên, rõ ràng ông Erdogan được lợi nhiều nhất từ cuộc đảo chính và vì thế, không ít người tin vào thuyết âm mưu mà ở đó ông Erdogan được cho là chủ mưu của cuộc đảo chính.

Phản ứng của chính phủ của Tổng thống Erdogan và những hệ lụy đáng sợ

Sau cuộc đảo chính là một chiến dịch đàn áp thẳng thừng và mạnh tay của chính quyền Tổng thống Erdogan nhằm vào những người bị tình nghi tham gia vào âm mưu đảo chính. Những cuộc vây bắt diễn ra khắp nơi. Kết quả là có 6.000 người bị bắt giữ, trong đó có 103 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao, hơn 2.800 binh sĩ và 2.745 thẩm phán. 8000 cảnh sát bị sa thải.

Những tướng lĩnh tham gia đảo chính bị bắt giữ và bị bêu mặt trước công chúng

Những tướng lĩnh tham gia đảo chính bị bắt giữ và bị bêu mặt trước công chúng

Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ trả thù thảm khốc, bắt những người mà ông gọi là “kẻ phản bội” phải trả giá đắt nhất. Ông này không loại trừ khả năng áp dụng án tử hình cho những người tham gia đảo chính.

Những gì được thể hiện qua hành động và lời nói của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua cho thấy họ sẽ hành động không chút xót thương với những lực lượng tham gia cuộc đảo chính.

Mặc dù thể hiện sử ủng hộ với đồng minh Erdogan trong cuộc đảo chính vừa rồi nhưng giới chức ở Mỹ và Châu Âu không tránh khỏi cảm giác lo ngại về chiến dịch đàn áp ác liệt mà Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện ở trong nước sau cuộc đảo chính. Đã không ít lời cảnh báo được đưa ra.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ hãy tôn trọng các giá trị dân chủ và pháp trị trong chiến dịch trừng phạt những người gây ra cuộc đảo chính. Ông này đe dọa, nếu không tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật sau cuộc đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu tôn trọng dân chủ và vì thế họ sẽ bị đuổi khỏi khối NATO.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thừng tuyên bố, nếu quay lại áp dụng hình phạt tử hình thì Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tay giết chết cơ hội tham gia Liên minh Châu Âu (EU). Cao ủy chính sách đối ngoại của EU - bà Mogherini cũng cảnh báo rằng, những nước thực thi án tử hình sẽ không được phép gia nhập EU.

Trên thực tế, các đồng minh Châu Âu của Ankara từ lâu đã bất mãn trước những chính sách cứng rắn được miêu tả là “phi dân chủ, độc tài” mà ông Erdogan áp dụng với lực lượng đối lập. Vì thế, họ sẽ càng phải lo ngại hơn khi Tổng thống Erdogan được cho là sẽ phát huy tối đa chính sách gây tranh cãi nói trên.

Từ chiến dịch trả thù mạnh tay của Tổng thống Erdogan, rất có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy như sự chia rẽ trong nội bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, sự chia rẽ trong mối quan hệ liên minh giữa Ankara với phương Tây, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống khủng bố của quốc tế. Chính quyền của Tổng thống Erdogan cũng chẳng thể chắc chắn được về tương lai của mình khi mà sự biến động tăng lên không ngừng. Có thể nói, tình hình hậu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ còn chứa đựng nhiều nguy cơ đáng sợ và những diễn biến bất ngờ khó có thể ngờ tới…..

Chia sẻ

Bài viết

Yến Linh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất