Vòng quanh Thế giới

Thiếu nữ 17 tuổi dùng quyền trợ tử để chấm dứt cuộc sống sau khi bị cưỡng hiếp

Ngọc Bích
Chia sẻ

Sau một thời gian không chịu đựng được những rối loạn tâm lý, cô gái 17 tuổi ở Hà Lan từng bị hai gã đàn ông cưỡng hiếp đã chọn quyền trợ tử để chết.

Noa Pothoven đăng bài viết cuối cùng trên mạng xã hội, chia sẻ về những nỗi đau mà cô phải đối diện và quyết định tìm tới cái chết của mình.

Thiếu nữ Noa Pothoven đã chia sẻ trên mạng “bài đăng buồn bã cuối cùng” vào tuần trước, trong đó nói cô “sẽ chết trong 10 ngày tới”, theo Euronews.

Cô gái 17 tuổi kể chi tiết về việc mình phải đấu tranh với tấn công tình dục, trầm cảm và chán ăn trong cuốn tiểu sử “Chiến thắng hoặc bài học”.

Trong cuốn sách, Pothoven viết lần đầu tiên cô bị tấn công tình dục vào năm 11 tuổi và bị hai gã đàn ông cưỡng hiếp khi mới 14 tuổi. Cô gái đã giấu cha mẹ mọi chuyện vì xấu hổ.

Trong bài viết cuối cùng của mình trên Instagram, cô gái cho biết mình đã ngừng ăn uống và nỗi đau của cô là “không thể chịu đựng được”.

Pothoven cho rằng tìm tới cái chết là quyết định cuối cùng và cô đã sống như chết được một thời gian. “Tôi thở nhưng không còn sống”, thiếu nữ viết.

Tại Hà Lan, bệnh nhân có thể chọn cách trợ tử từ bác sĩ nếu họ “không thể chịu đựng những đau đớn hơn nữa”. Các bác sĩ sẽ phải ký vào quyết định trước khi thực hiện điều này.

Ban đầu, bệnh viện cho biết Pothoven còn quá trẻ, theo thông tin về hồ sơ của cô gái vào năm 2018. Nhưng trẻ vị thành niên có đủ điều kiện thực hiện quyết định trong một số trường hợp.

Chia sẻ trên Instagram, Pothoven viết, sau nhiều “cuộc trò chuyện và đánh giá”, các bác sĩ đã quyết định ký vào giấy trợ tử cho cô.

Nghị sĩ Hà Lan Lisa Westerveld đã đến thăm thiếu nữ Pothoven trước khi chết và rất ấn tượng trước sự dũng cảm của thiếu nữ. “Tôi sẽ không bao giờ quên cô ấy. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của cô ấy”, bà Westerveld nói với truyền thông Hà Lan.

Trong năm 2017, 6.585 người được chết theo phương pháp trợ tử tại Hà Lan, theo báo cáo gần đây nhất của Ủy ban đánh giá trợ tử khu vực. Các bác sĩ phải báo cáo về những trường hợp muốn chết bằng phương pháp trợ tử lên ủy ban đánh giá.

Hầu hết những người chọn con đường chết là những bệnh nhân ung thư không thể điều trị.

Hà Lan, Luxembourg và Bỉ là những quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu cho phép trợ tử tự nguyện.

Tự tử với sự trợ giúp từ bác sĩ cũng hợp pháp tại Thụy Sĩ, nơi ngay cả những người nước ngoài tới đây du lịch cũng có thể chọn cách này nếu muốn “được giải thoát” khỏi những đau khổ không thể chịu được.

Ở hầu hết các nước châu Âu, trợ tử được coi bất hợp pháp và là chủ đề bàn luận gây tranh cãi.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất