Vòng quanh Thế giới

Tâm sự của bác sĩ trước ngày vào khu cách ly COVID-19

Theo Asiaone
Chia sẻ

Một bác sĩ ở Hong Kong đã chia sẻ tâm sự và cách mình vượt qua sự căng thẳng trước lúc dấn thân nơi tuyến đầu chống lại dịch COVID-19 tại quê hương.

Các y bác sĩ là những người gánh chịu áp lực khủng khiếp nhất trong lúc dịch COVID-19 hoành hành. Không chỉ phải gồng mình giải quyết lượng công việc chất chồng như núi, họ còn phải cẩn thận đề phòng, không để mình bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân. Bác sĩ Chan, thành viên của Khoa Nội tại một bệnh viện công ở Hong Kong, đã chia sẻ về hai nỗi lo anh luôn canh cánh trong lòng suốt thời gian qua: không đáp ứng tiêu chuẩn về trang bị bảo hộ và thiếu kiến thức chuyên sâu về bệnh dịch sẽ khiến đội ngũ nhân viên y tế đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19.

“Ngay cả những người không biểu hiện triệu chứng cũng có thể mang virus trong cơ thể và lây lan cho người xung quanh”, Chan nói. Hiện tại, Chan đang làm việc tại khoa điều trị thông thường, chỉ có một số bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Song anh sẽ chuyển đến khu cách ly trong vài tuần, chuyên chăm sóc cho những bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng hoặc đã xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.

Vị bác sĩ 30 tuổi được thông báo về quyết định này vào tháng trước. Không đắn đo suy nghĩ, anh lập tức liên hệ với luật sư và chỉnh sửa di chúc để đảm bảo vợ được hưởng tài sản nếu mình chẳng may ngã xuống. “Đó là trách nhiệm của tôi. Nếu lỡ đột ngột qua đời vì bệnh dịch, ít nhất tôi cũng đã trải sẵn con đường cho những người thân yêu còn đang bàng hoàng sau cái chết của mình”, Chan chia sẻ. “Không có ai bảo vệ chúng tôi”.

Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chờ đo thân nhiệt của người tiến vào bệnh viện tại Hong Kong.

Ngày càng có nhiều báo cáo về các trường hợp nhân viên y tế nhiễm COVID-19, một số người thậm chí đã tử vong. Bác sĩ Li Wenliang, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về virus corona chủng mới ở Trung Quốc, cũng đã ra đi vì căn bệnh quái ác này. Vị bác sĩ tận tụy đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 34 vào ngày 7/2, ngay tại thành phố Vũ Hán, ổ dịch đầu tiên của đất nước tỷ dân.

Lòng say mê khoa học từ khi còn niên thiếu đã thôi thúc Chan dấn thân vào ngành y. Giờ đây, anh quyết tâm xốc lại tinh thần, đập tan sự căng thẳng nhằm toàn lực ứng phó với dịch bệnh. Để bản thân mau chóng thích nghi với cường độ công việc và xoa dịu tinh thần, Chan cố gắng duy trì việc tập thể dục đã theo mình suốt 20 năm. Cảm giác an tâm và bình tĩnh khi thực hiện thói quen khiến tâm trạng âu lo của anh vơi bớt.

“Đó là một phần trong cuộc sống của tôi. Thuở còn đi học, vận động là cách tôi giải tỏa căng thẳng khi đối mặt với các kỳ thi”, anh nói. Những ngày qua, Chan kiên trì đeo khẩu trang đến phòng gym, chọn một khu vực ít người để thực hiện các bài tập thể hình, squat và nâng tạ. Không chỉ thích tập luyện trong phòng gym, Chan còn dành tình yêu cuồng nhiệt cho bơi lội và lặn biển. Mỗi tuần, anh đều đi bơi từ 2 đến 3 lần. Với vị bác sĩ trẻ mà nói, hoạt động này giúp tâm trí anh thư giãn và thả lỏng toàn thân chẳng khác nào thiền định.

Sau khi đắm mình dưới làn nước yên tĩnh, Chan có cảm giác mình ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn. Anh luôn cố gắng ngủ đủ 9 - 10 tiếng mỗi đêm, bởi ngủ đủ giấc là yếu tố then chốt giúp cơ thể vận hành trơn tru, đồng thời là cách dễ dàng nhất để tăng cường hệ thống miễn dịch.

Chan lặn biển ở Đảo Koh Samui, Thái Lan.

Trở về nhà với chú cún cưng luôn vẫy đuôi tít mù cũng khiến tâm trạng của Chan tốt lên trông thấy. “Cún nhà tôi không kén ăn chút nào”, anh trìu mến chia sẻ. “Suốt ngày chỉ biết ăn thôi”. Chó cưng của nam bác sĩ cũng rất thích được ra ngoài chơi. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Chan còn giữ vệ sinh cho thú cưng cẩn thận hơn bao giờ hết. Suốt 8 năm qua, anh đã có thói quen định kỳ dùng khăn ướt khử trùng lau khắp người chú cún nhà mình. Hiện tại, mỗi ngày chó cưng của anh đều được hưởng thụ dịch vụ khử trùng từ đầu đến chân do một tay chủ nhân thực hiện.

Khi nghe tin một chú cún bị cách ly vì chủ nhiễm COVID-19, Chan không hề hoảng loạn bất an. Chính phủ cho biết đây là trường hợp virus lây từ người sang động vật đầu tiên được phát hiện, bởi chú cún kia cũng có kết quả “dương tính yếu” với COVID-19. Song, Chan vẫn nghi ngờ về kết luận của bản báo cáo này, nhất là khi chú chó bị nghi nhiễm bệnh lại không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Anh cho rằng cún cưng của bệnh nhân kia chỉ bị phơi nhiễm do tiếp xúc với bề mặt chứa virus, chứ không thực sự nhiễm bệnh.

Có trường hợp trên làm gương, Chan tự nhắc nhở bản thân về khả năng bị lây bệnh qua các vật thể như quần áo, tế bào da, tóc và giường ngủ. Vì thế, sau mỗi lần đưa cún cưng đi dạo trở về, anh đều tắm sạch sẽ cho con vật rồi mới để nó tự do chạy khắp nhà. Lo cún không ai chăm sóc trong thời gian mình làm việc ở khu cách ly, anh đã đặt trước một phòng trong khách sạn thú cưng để các nhân viên thay mình lo cho “nhóc tham ăn”. “Họ sẽ gửi ảnh cho tôi mỗi ngày, tôi có thể yên tâm làm việc”, anh nói.

Các y bác sĩ tại Hong Kong phải đối mặt với áp lực nặng nề.

Gordon Wong Chun-bun, bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Optimind ở Vịnh Đồng La (Hong Kong), nhận định Chan rất sáng suốt khi lựa chọn cách duy trì thói quen thường ngày để giữ cuộc sống cân bằng. Dù công việc bận rộn, song các y bác sĩ ở tuyến đầu vẫn nên dành chút thời gian cho bản thân, phân biệt rạch ròi giữa cuộc sống trong và ngoài bệnh viện để không tự ép mình vào trạng thái căng thẳng thái quá. “Nếu vẫn máy móc làm việc, họ sẽ không có cách nào chống lại sự rình rập của virus corona”, Wong nói.

Bác sĩ tâm thần khuyên các nhân viên y tế nên tự cho mình thời gian thả lỏng bằng cách tham gia vào những hoạt động họ yêu thích trước lúc xảy ra dịch bệnh. Việc này sẽ giúp họ phân tâm và giảm bớt lo âu. Thường xuyên liên lạc với gia đình và bạn bè cũng là một giải pháp khả thi, nhất là đối với đội ngũ y bác sĩ nơi tiền tuyến - những người có xu hướng tự cô lập và trải qua quãng thời gian dài đơn độc.

“Tôi ủng hộ các bạn liên hệ với người thân, bạn bè càng nhiều càng tốt, kể cả trò chuyện trên mạng xã hội”, bác sĩ Wong đề cử FaceTime và WhatsApp. “Giữ mối liên lạc với xã hội bên ngoài sẽ tạo cơ hội cho các bạn bộc lộ cảm xúc, những người thân bên cạnh cũng có thể kịp thời đưa ra lời khuyên hoặc hỗ trợ khi cần thiết”.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Princess Margaret, Hong Kong.

Hai ngày trước, Chan đã chia sẻ với bố mẹ về quyết định điều chuyển công tác trong lúc ăn tối cùng gia đình. “Mọi thứ đang trong tầm kiểm soát”, anh trấn an hai cụ. “Tôi còn hứa sẽ làm một bữa tiệc lớn với cả nhà khi trở về vào tháng 4. Rồi sẽ có ánh sáng xuất hiện ở cuối đường, tôi tin bóng tối không thể bao trùm nơi này mãi. Thật hy vọng đến một ngày nhìn lại hôm nay, chúng ta của tương lai sẽ có thể mỉm cười nói rằng mình đã học được nhiều điều quý giá”, Chan nói.

Chia sẻ

Theo

Asiaone

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất