Vòng quanh Thế giới

Trái tim rỉ máu qua loạt tác phẩm đường phố đầy ám ảnh về thân phận người phụ nữ Afghanistan

Phương An
Chia sẻ

Những bức ảnh vẽ người phụ nữ Afghanistan nhắm mắt và không miệng đã phần nào lột tả được số phận đau thương của họ khi bị Taliban chiếm đóng.

Dù phiến quân Taliban hứa sẽ tôn trọng quyền phụ nữ nhưng phụ nữ Afghanistan vẫn không tin. Họ không khỏi lo sợ cho tương lai của mình. Họ đã đấu tranh hàng năm trời để giành quyền cho phụ nữ, thoát ra khỏi chế độ nam quyền nhưng giờ đây những người phụ nữ yếu đuối lại phải chiến đấu một lần nữa cho điều đó ư?

Khi nước mắt không còn rơi được nữa, một nữ nghệ sĩ đường phố Kabul đã dùng màu sắc để che giấu những vết nứt, những vết đạn lỗ chỗ trên những bức tường đổ nát trong thành phố vì bị đánh bom, vì đạn dược. Hay đó cũng là cách mà cô dùng để che đậy những vết nứt trong tim mình khi phải chứng kiến mảnh đất quê hương đang oằn mình đau đớn?

Nữ nghệ sĩ đó là Shamsia Hassani (33 tuổi) cô cũng là nữ nghệ sĩ đường phố đầu tiên của Afghanistan và từng là giảng viên đồ họa ở Đại học Kabul. Chủ đề chính trong các tá phẩm của cô là phụ nữ Afghanistan – người phụ nữ nhắm mắt và không có miệng - với những khao khát sống, khao khát sự  do trong một xã hội tiến bộ. Các tác phẩm của cô được đánh giá cao và được coi là một phần tiếng nói của những người phụ nữ Afghanistan hiện đại. 

Hassani, nữ nghệ sĩ đường phố đầu tiên của Afghanistan. Các tác phẩm của Hassani đều phản ánh thực tế tàn khốc tại đất nước này, nhưng cô hy vọng màu sắc có thể che lấp những vết đạn và vết nứt. "Tôi tin graffiti có thể giúp tôi thay đổi những bức tường bị tàn phá bởi chiến tranh trong thành phố thành những bức tranh đầy màu sắc. Màu sắc sẽ che lấp những câu chuyện chiến tranh được lột tả trên các bức tường và mọi người sẽ thấy những thứ mới mẻ thay vì các vết đạn và vết nứt", Hassani chia sẻ.

Những tác phẩm mới nhất của Hassani được vẽ trong những ngày Taliban trở lại đều tràn ngập nỗi lo sợ và tuyệt vọng, thể hiện đúng tâm trạng của cô. Hiện nữ họa sĩ vẫn đang âm thầm sáng tác trong studio của mình ở Kabul để nói lên tiếng nói của lòng mình về số phận người phụ nữ Afghanistan. 

Không ai  biết rằng, với những gì đang làm, cuộc sống của cô có bị đe dọa không, nhưng có một điều chắc chắn rằng các tác phẩm của cô đã chạm vào trái tim của nhiều người trên thế giới, khiến trái tim họ cũng bị rỉ máu, khóc than trước số phận của người phụ nữ Afghanistan.

Cho dù là trên một tấm vải hay bức tường của một tòa nhà bỏ hoang vì bị đánh bom, các tác phẩm của Hassani không chỉ khắc họa vai trò của phụ nữ trong một xã hội nam quyền mà còn mang đến cái nhìn về cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối đã nô dịch hóa nơi cô gọi là nhà.
Khi chiến tranh bắt đầu, mọi người đổ xô tới các nước khác để bảo toàn mạng sống. Có khi nào họ sẽ phải giấu danh tính của mình bằng cách ăn mặc, nói năng giống đám đông để tránh bị ngược đãi như gia đình Hassani từng làm khi còn ở Iran. Họ sẽ cảm thấy được an toàn hơn khi giống những người xung quanh, giống như những con tắc kè hoa cảm thấy an toàn bằng cách thay đổi màu sắc của chúng theo màu của môi trường xung quanh để ẩn mình. 
Thứ còn lại ở quê nhà chính là xe tăng, đạn dược và sự đổ nát. Đó không chỉ là sự sụp đổ của các bức tường vì bom đạn mà còn là sự sụp đổ niềm tin về tương lai trong mỗi người. 
Mọi thứ như dồn người phụ nữ tới mép vực thẳm khi quyền của họ gần như bị tước bỏ.
Đại dịch Covid-19 đã khiến họ lo sợ về lằn ranh sống và chết...
...và sự công bằng, quyền dành cho phụ nữ bị chà đạp không thương tiếc khiến họ dường như không thể thở nổi. 
Các trường học trở nên hoang tàn sau chiến tranh nhưng lòng khao khát được đi làm, đi học ở những người phụ nữ vẫn còn đó. Thế nhưng, làm sao họ có thể đây khi Taliban đã tuyên bố phụ nữ phải ở nhà, không nên ra ngoài đi làm vì "sự an toàn của chính họ" vào ngày 25/8 vừa qua. 
Người phụ nữ Afghanistan phải mặc burqa màu xanh và đối với họ mà nói, tấm khăn ấy thể hiện sự mất mát tàn khốc về quyền lợi mà họ có được suốt 20 năm qua - quyền được làm việc, học tập, tự do di chuyển và quyền được sống trong hòa bình – những thứ mà họ lo sợ rằng sẽ không bao giờ lấy lại được nữa.
Âm nhạc là thứ để họ xua bớt nỗi đau nhưng giờ đây cũng bị cấm.
Phải chăng chính đồng tiền và lòng tham là nguyên nhân gây ra chiến tranh? 
Rồi những người phụ nữ nhỏ bé giờ đây biết phải sống làm sao? Họ đang đi trên con đường đầy khó khăn mà bên dưới là vực thẳm, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi cũng sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống.
Rồi những đứa trẻ biết phải sống ra sao trong những ngày đầy tiếng bom đạn. Dường như chưa sinh ra nhưng trái tim của chúng đã cảm nhận được những mất mát, đau thương từ thế giới bên ngoài qua nỗi niềm của mẹ.
Người phụ nữ khao khát được tự do nhưng điều này giờ đây dường như quá đỗi xa xỉ.
Đôi lúc họ đã hy vọng được đối xử công bằng hơn...
...nhưng thực tế luôn phũ phàng...
...khiến họ cảm thấy đôi lúc bị kẹt lại trong giấc mơ còn tuyệt vời hơn cả cuộc sống thực tại. 
Những chiếc máy bay mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt hơn ở một nơi nào đó...
Họ hy vọng sẽ không phải nhắm mắt mà tận hưởng âm nhạc bên chiếc đàn đứt dây nữa...
...nhưng cùng với niềm tin là sự mất mát vô bờ.
Liệu đến bao giờ họ mới được tự do?
Câu hỏi đó chưa ai trả lời được nhưng có lẽ chỉ một chút tình yêu cũng là quá đủ cho người dân Afghanistan hiện tại rồi. 

Xem thêm: Bức ảnh bé gái nhảy chân sáo trên đường băng sau khi rời Afghanistan được chia sẻ chóng mặt trên MXH

Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất