Vòng quanh Thế giới

Siêu bão Mangkhut kinh hoàng tới mức 'có thể nhấc bổng một chiếc Boeing 737'

Trọng Hiếu
Chia sẻ

Bão Mangkhut sáng nay đổ bộ bờ biển đông bắc Philippines sau khi hàng nghìn người buộc sơ tán khỏi nhà để tránh cơn bão được đánh giá là mạnh nhất hành tinh năm 2018.

Mưa to gió giật mạnh ở Manila rạng sáng nay. Ảnh: AP

8 tiếng sau khi siêu bão Mangkhut (hay Ompong) đổ bộ Philippines, chưa có báo có về thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng, nhưng một số khu vực không thể liên lạc do mất điện và mất kết nối, theo New York Times.

Cơn bão với sức gió duy trì tới 265 km/h, tương đương cấp 5 trên thang đo bão Saffir-Simpson, và có sức mạnh gấp 4 lần siêu bão Florence đổ bộ nước Mỹ.

Gió mạnh và mưa lớn diễn ra ở phía bắc và trung tâm đảo Luzon khi bão Mangkhut tấn công hòn đảo lớn và đông dân nhất của Philippines, vào rạng sáng hôm nay. Bão cũng đổ bộ vào Baggao ở tỉnh Cagayan vào khoảng 1h40 và tiếp tục di chuyển về phía tây bắc.

Tốc độ gió của cơn bão đã giảm xuống còn khoảng 193 km/h khi nó tới bờ biển đảo Luzon, nhưng một số cơn vẫn lên tới 321 km/h.

Lúc 10h sáng giờ địa phương, mắt bão Mangkhut đã vượt Luzon, hòn đảo lớn nhất của Philippines, và cách ngoài khơi bờ biển phía tây khoảng 32 km, hướng về phía Hong Kong và miền nam Trung Quốc, theo cơ quan dự báo thời tiết Philippines. Cơn bão đã suy yếu một chút nhưng tốc độ gió mạnh vẫn duy trì ở mức 161 km/h.

Trong khi đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp - JTWC của Mỹ cảnh báo, siêu bão Mangkhut vẫn tiếp tục duy trì cấp 5 ngay cả khi đổ bộ vào đất liền.

Với tốc độ gió kinh hoàng như vậy, Mangkhut có thể nhấc bổng một chiếc Boeing 737 khỏi mặt đất mà không cần phải khởi động hai động cơ, theo Washington Post.

Các nhà khí tượng học ở Manila cho biết ngay cả khi tốc độ gió của Mangkhut suy yếu, nó vẫn có thể gây chết người. “Cơn bão có thể nhấc bổng xe ô tô, bạn không thể đứng và thậm chí không thể lê bước chân trước gió”, Rene Paciente, một công tố viên của chính phủ, cho hay.

Manuel Mamba, Thống đốc tỉnh Cagayan, nơi cơn bão đổ bộ, cho biết gần 10.000 người đang tạm trú tại các trung tâm sơ tán khi cơn bão đến gần. Bão không đổ bộ vào thủ đô Manila của Philippines nhưng khu vực có mưa to và gió lớn. Cây bị bật rễ và một phần của con đường lớn ở đại lộ Roxas dọc theo vịnh Manila ngập sâu trong nước.

Các con đường ở ven biển Ilocos Sur, phía tây bắc của đảo Luzon, hoang vắng khi giới chức cảnh báo nước tại khu vực này có thể dâng cao tới 183 cm.

Vì sao Philippines gọi siêu bão Mangkhut là Ompong?

Nhiệm vụ đặt tên cho các cơn bão thuộc về Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trong đó sử dụng tên tuần tự từ một danh sách được nhiều quốc gia đề xuất. Tuy nhiên, nếu cơn bão bão đổ bộ vào Philippines, Cơ quan Khí tượng, Địa vật lý và Thiên văn của Philippines sẽ đặt tên khác cho bão. Cơ quan này bắt đầu nhiệm vụ chuyển đổi tên bão quốc tế thành tên bão mang tính địa phương kể từ khi được thành lập vào năm 1972

Với siêu bão Mangkhut lần này, nó được gọi là Ompong ở Philippines.

Sở dĩ có chuyện như vậy bởi khi đặt tên địa phương, người dân sẽ dễ nhớ tên bão hơn, từ đó cảnh giác cao hơn.

Cơ quan Khí tượng Philippines cũng đặt tên cho những áp thấp nhiệt đới mà không sử dụng tên quốc tế, bởi vì mặc dù áp thấp không mạnh như bão nhưng chúng vẫn gây ra thiệt hại đáng kể.

Chia sẻ

Bài viết

Trọng Hiếu

Tin mới nhất