Vòng quanh Thế giới

'Phép màu 30 ngày' của em bé bị bỏ rơi trên cây ở Việt Nam: Giành giật sự sống và hồi phục kỳ diệu tại Bệnh viện Singapore

Ngọc Bích
Chia sẻ

Kênh Channel News Asia của Singapore ngày 24/4 đăng câu chuyện về hành trình tìm lại sự sống của một em bé sơ sinh Việt Nam bị bỏ rơi trong túi nilon treo trên cây, dưới sự giúp đỡ của một sư trụ trì và các nhà hảo tâm.

Bé Hoài An trên tay ni cô tại Bệnh viện Mount Elizabeth. Ảnh: CNA

Rạng sáng 29/3, một nông dân làm việc tại đồn điền cà phê nghe thấy tiếng khóc văng vẳng đâu đó. Lần theo dấu âm thanh, người nông dân tìm thấy túi nilon treo lủng lẳng trên cành cây, bên trong là một đứa trẻ sơ sinh nhỏ xíu.

Chiếc túi quá nhỏ để chứa em bé lúc này với nhiều vết thương hở ở đầu, giòi bám đầy từ đầu, mắt, mũi cho đến dây rốn. Phần bên trái cơ thể đỏ tấy vì trầy xước, trong khi phần da bên phải bị nắng nóng làm bỏng nặng. Em bé được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện địa phương ở Đà Lạt. Các bác sĩ đã lau rửa vết thương và loại bỏ những con giòi trên cơ thể em nhỏ.

Các bác sĩ ở Đà Lạt ước tính em bé chỉ mới 4 ngày tuổi, có lẽ đã bị bỏ rơi ngay sau khi chào đời. Vết thương trên đầu có thể do côn trùng cắn rồi bị nhiễm trùng vì bé không cử động được.

Em bé được chẩn đoán mắc căn bệnh rối loạn hệ thần kinh trung ương hydranencephaly, một tình trạng cực kỳ hiếm gặp với tỉ lệ mắc chỉ khoảng 1/10.000 trẻ sơ sinh. Hydranencephaly là bệnh rối loạn hệ thần kinh trung ương với dấu hiệu đầu to, co thắt hoặc co giật, liệt, mù và có chất lỏng trong não. Các bác sĩ dự đoán bé chỉ còn chưa đầy 1 năm để sống.

Bệnh viện liên lạc với ni sư Minh Tài - trụ trì chùa Huệ Quang, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, để nhờ sự giúp đỡ. Sư Minh Tài được người dân địa phương biết đến nhiều nhờ các hoạt động từ thiện và nhân đạo, bà đã cưu mang cho 10 trẻ mồ côi, từ sơ sinh cho đến niên thiếu.

“Khi lần đầu tiên nhìn thấy bé, tim tôi quặn lại khi hình dung ra cơn đau và sự chịu đựng mà bé phải chịu đựng. Nước mắt tôi bắt đầu chảy. Tôi không thể tin cha mẹ nào lại có thể làm vậy với con họ. Tôi chỉ nghĩ bằng mọi cách phải cứu nó, bất kể giá nào”, sư Minh Tài nói.

Sư Minh Tài đặt tên em bé là Triệu Hoài An với Hoài An có nghĩa là mãi an bình.

“Tôi sẽ làm mọi điều có thể”

Sư trụ trì Minh Tài, đệ tử và Phung Lu bên bé Hoài An tại Bệnh viện Mount Elizabeth hôm 23/4. Ảnh: CNA

Liên hệ với các tổ chức từ thiện, ni sư Minh Tài được giới thiệu đưa bé Hoài An tới điều trị ở Bệnh viện Mount Elizabeth của Singapore.

Câu chuyện bé Hoài An bị bỏ rơi được chia sẻ trên mạng xã hội và hàng trăm người đã quyên góp tiền để hỗ trợ chi phí điều trị cho em.

Trong số đó có Phung Lu, hiện sống ở Florida, Mỹ. Anh sinh ra ở Việt Nam và chuyển tới Mỹ năm 4 tuổi. Chàng trai 28 tuổi lần này về thăm Việt Nam và tình cờ vào ăn ở nhà hàng chay của sư Minh Tài. Bà sau đó mời anh tới thăm chùa Huệ Quang. Vài ngày sau Phung Lu tới chùa thì được thông báo rằng sư trụ trì đang ở bệnh viện. Đó cũng là lúc anh gặp được bé Hoài An, tận mắt thấy em chiến đấu từng ngày để giành giật sự sống.

Tôi đã rất đau lòng khi lần đầu tiên nhìn thấy bé gái vì tôi chưa từng biết câu chuyện nào như vậy trước đây”, Phung Lu nói. “Trước hoàn cảnh ấy, tôi cảm thấy mình buộc phải làm hết sức để cứu bé gái. Tôi có thể không giúp được nhiều như ni sư nhưng sẽ làm bất cứ điều gì để giúp Hoài An được sống”.

Các nhà hảo tâm cùng nhau chung tay giúp đỡ bé Hoài An. Cơ quan xuất nhập cảnh cũng tạo điều kiện, rút ngắn thời hạn xét duyệt hộ chiếu để em bé kịp thời tới Singapore điều trị.

“Ban đầu, tôi cảm thấy rất cô đơn và lạc lõng, vì không nghĩ ai sẽ tìm hiểu về câu chuyện của cô bé. Tuy nhiên, khi thông tin bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, mọi người bắt đầu kêu gọi và các khoản quyên góp bắt đầu được được đổ vào quỹ“, ni sư Minh Tài nói.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, sư Minh Tài đã cùng Phung Lu và một đệ tử đưa bé Hoài An tới Singapore điều trị. “Hoài An đã đi một chặng đường dài”, sư trụ trì chùa Huệ Quang cho hay.

“Nếu các bác sĩ nói em sẽ chết vào ngày mai hay một tuần sau đó, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức“, Phung Lu nói. “Trong nhiều trường hợp khoa học nói không có hy vọng hay cách chữa trị, chúng tôi vẫn chăm sóc các em. Vài trường hợp, các em sống sót và khỏe mạnh trở lại”.

Phép màu 30 ngày

Sư Minh Tài đặt biệt danh cho Hoài An là “hoa sen đá” mang ý nghĩa rằng dù loài cây này chỉ còn một chiếc lá cũng có thể hồi sinh.

Bệnh viện Mount Elizabeth của Singapore đã thu xếp để hai vị tăng ni ở lại với bé trong phòng chăm sóc đặc biệt còn Phung Lu tự sắp xếp chỗ ở khi họ đến Singapore vào ngày 10/4.

Tại đó, bác sĩ thần kinh Tang Kok Kee đã đích thân chăm sóc cho Hoài An, lau rửa vết thương cho bé, rút bớt dịch não thừa, giảm áp lực trong não giúp bé thấy thoải mái hơn. Theo một y tá cho biết, đây là ca bệnh hydranencephaly đầu tiên ở Bệnh viện Mount Elizabeth.

Những ngày đầu tại bệnh viện, Hoài An khóc cả đêm. Vết thương trên đầu Hoài An đòi hỏi phải chăm sóc y tế mỗi ngày, tuy nhiên tốc độ hồi phục nhanh hơn mong đợi. Ban đầu các bác sĩ Singapore đặt ra thời hạn 2 tháng, còn hiện tại họ tiên liệu chỉ cần một tháng để bé xuất viện.

Hôm nay, các y bác sĩ Bệnh viện Mount Elizabeth sẽ tổ chức bữa tiệc đầy tháng cho Hoài An, ghi nhận một câu chuyện cảm động về nghị lực và ý chí sinh tồn của một sinh linh nhỏ bé. Phòng của bé được trang trí đặc biệt nhân dịp này, và các đầu bếp của bệnh viện sẽ trổ tài hết mình.

Y tá Adeline Jane xúc động nói: “Cô bé đã bụ bẫm hơn, giọng cũng lớn hơn. Một bé gái xinh đẹp và rất may mắn. Khi mới đến bệnh viện, bé bị mất nước khá nhiều”.

Bác sĩ Noel Yeo, giám đốc Bệnh viện Mount Elizabeth, cho biết hoàn cảnh đặc biệt của bệnh nhân nhỏ bé này đã khiến các y tá và nhân viên bệnh viện cảm động đến mức họ nảy ra ý tưởng tổ chức một bữa tiệc nhỏ mừng Hoài An đầy tháng.

Sư Minh Tài đặt biệt danh cho Hoài An là “hoa sen đá”, mang ý nghĩa rằng dù loài cây này chỉ còn một chiếc lá cũng có thể hồi sinh. “Ngay cả khi Hoài An đã trải qua rất nhiều khổ đau và bất hạnh, chỉ cần bé còn một chút ý chí để sống thì luôn còn hy vọng”, bà nói.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin mới nhất