Vòng quanh Thế giới

Phát hiện khối bầy nhầy quý trị giá 1 triệu USD

Vnexpress
Chia sẻ

Khối bầy nhầy trong như thạch, được xác định là “thịt linh chi hoang dã”, song chưa có nhiều nghiên cứu về giá trị y dược.

Khi đang làm việc tại công trường xây dựng, ông Zhang, sống tại thị trấn Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tình cờ phát hiện một vật thể lạ. Vật thể này nặng hơn 3 kg, có hình thù kỳ dị, bề ngoài trơn nhẵn, đốm xanh rêu, bên trong nhìn giống như thạch. Khi chạm vào khối bầy nhầy, bề mặt mềm, có tính đàn hồi.

Ông Zhang cho biết, ban đầu định ném đi vì nghĩ chất bầy nhầy này có thể là chất thải của sinh vật dưới nước hoặc tiết ra chất độc. Nhưng chạm vào một thời gian không thấy cảm giác bất thường hay ngứa rát, ông mang về thôn để cho dân làng cùng xem. Được hàng xóm bảo rằng "nhặt được báu vật", ông Zhang thấy lạ, quyết định đem tới các chuyên gia giám định.

Khối bầy nhầy có tính đàn hồi, trong như thạch. Ảnh: Sina.

Kết quả được Giáo sư Shi Suhua, chuyên gia phân tích và nghiên cứu hệ gene sinh thái và hệ gene tiến hóa, Đại học Trung Sơn bước đầu xác định, đây là nguồn dược liệu quý, có tên gọi là "thịt linh chi hoang dã". Quan sát kính hiển vi, bà cho biết, khối bầy nhầy này không phải do tế bào cấu thành mà do vi khuẩn, dính khuẩn, chân khuẩn, nấm tạo thành.

Các chuyên gia vi sinh vật Đại học Nam Khai tiến hành cắt lát vật thể và phát hiện các sợi nấm bên trong, bước đầu xác định là một loại nấm bậc cao, chứa nước, khoảng 50% protein và axit nucleic, nấm men và nấm mốc.

Theo tương truyền, "thịt linh chi hoang dã" được coi là dược liệu không mùi, có tác dụng thanh lọc, nâng cao khả năng miễn dịch, kéo dài tuổi thọ, từng được vua chúa tìm kiếm khắp nơi vì rất quý hiếm.

Sau khi tin tức được lan truyền, nhiều người đã tìm đến nhà ông Zhang để hỏi mua. Một công ty chuyên cung cấp thảo dược quý hiếm muốn mua lại với giá một triệu USD (khoảng 23,18 tỷ VNĐ) cho 3 kg "thịt linh chi hoang dã".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào để chứng minh khối bầy nhầy này có giá trị y dược rõ ràng, do đó người dân không nên tự ý sử dụng. "Rất khó để xác định tính chất của loài này nếu chỉ quan sát bằng mắt thường và kính hiển vi, các nghiên cứu sâu về thành phần, chức năng cần được tiến hành triển khai", Giáo sư Shi cho biết.

Chia sẻ

Bài viết

Vnexpress

Tin mới nhất