Vòng quanh Thế giới

Nỗi sợ hãi và cuộc chạy trốn khỏi đất nước của những người đồng tính Brunei trước bộ luật cho ném đá đến chết

Ngọc Bích
Chia sẻ

Nhiều người ở Brunei cho biết họ sẽ phải rời tới một đất nước khác sinh sống nếu bộ luật mới về việc ném đá đến chết bất cứ ai có quan hệ tình dục đồng giới được thực thi.

Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei ngày 4/10/2017. Ảnh: AFP

Khi vương quốc bé nhỏ, giàu tài nguyên dầu mỏ lần đầu công bố sẽ áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc vào năm 2013, bao gồm tử hình người đồng tính bằng cách ném đá đến chết, nhiều người trong cộng đồng LGBT (Cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái và người chuyển giới) đã tính đến chuyện bỏ trốn khỏi đất nước. Nhưng một số người vẫn kiên quyết ở lại với hy vọng luật mới sẽ không bao giờ được thông qua.

“Thật sự đáng sợ“, Khairul, một người đồng tính nam Brunei, trả lời CNN. Anh và những người được phỏng vấn đã yêu cầu giấu tên thật vì lo sợ cho an toàn của bản thân và gia đình.

Tôi nghĩ tôi sẽ không được chấp nhận. Tôi nghĩ mình sẽ bị gia đình ruồng bỏ, bị đưa đi giảng giải giáo lý để thay đổi bản thân”, Khairul nói. “Nhưng nó tệ hơn tôi nghĩ vì hình phạt tử hình bằng cách ném đá đến chết. Nếu điều đó trở thành sự thật, tôi có thể chỉ còn cách phải rời đi. Luật này thật vô nhân đạo, một hình phạt tàn bạo. Đó không phải điều mà một người phải gánh chịu chỉ vì họ là người đồng tính”.

Bộ luật cho ném đá người đồng tính tới chết được áp dụng từ sáng nay.

Nhiều người đã nhanh chóng rời khỏi quê hương của họ. Ảnh minh hoạ.

Zain, người phụ nữ chuyển giới, đã trốn khỏi Brunei vào cuối năm 2018 và bây giờ đang xin tị nạn ở Canada. “Tôi muốn sống một cuộc đời theo cách của mình, theo đúng nghĩa là một người phụ nữ. Tôi muốn sống cuộc sống không có trào lưu chính thống tôn giáo, chủ nghĩa bảo thủ nên tôi đã rời đất nước”, Zain nói. “Theo luật Sharia, tôi sẽ bị phạt và ngồi tù”.

Zain nói với hiểu biết về luật Sharia, cô càng lo ngại về những điều sắp đến. “Tôi đã sống trong nỗi sợ hãi từ năm 2013. Tôi đã được học ở trường tôn giáo nên tôi biết rõ luật hơn những người bạn không theo tôn giáo của tôi. Tôi lo sợ nếu luật Sharia được áp dụng”, cô nói.

Theo Zain, không chỉ cộng đồng LGBT bị đe dọa bởi luật này. “Mọi người đều bị ảnh hưởng. Đó sẽ là một cuộc sống khủng khiếp ngay cả khi bạn không phải LGBT, đặc biệt phụ nữ sẽ gặp bất lợi hơn hết”, cô cho biết.

Zain đang khuyến khích những người khác rời khỏi đất nước. “Tôi chỉ muốn những người bạn LGBT của tôi được an toàn và nếu có thể, hãy rời khỏi Brunei. Đó không phải nơi tốt đẹp cho tự do và nhân quyền của bạn. Đó là một cách sống khủng khiếp”.

Tiếng gọi dân quyền vẫn được tiếp tục nêu cao trên toàn thế giới.

Nhiều người đã sống trong sợ hãi trong suốt thời gian dài khi Brunei luôn tạo cách phân biệt đối xử với người đồng tính. Ảnh minh hoạ.

Brunei, quốc gia có khoảng 450.000 người sinh sống trên đảo Borneo, gần với các quốc gia Hồi giáo ôn hòa hơn là Indonesia và Malaysia. So với các nước láng giềng, Brunei ngày càng gia tăng sự bảo thủ trong những năm gần đây, bao gồm cấm bán rượu.

Bộ luật hình sự mới do Quốc vương kiêm Thủ tướng Brunei Hassanal Bolkiah ban hành. Khi thông báo về sự thay đổi trong bộ luật, trang web của chính phủ dẫn lời Quốc vương nói rằng chính phủ của ông “không mong đợi người khác chấp nhận và đồng tình nhưng họ cần tôn trọng quốc gia theo cách quốc gia đã tôn trọng họ”.

Bộ luật 'khủng khiếp'

Shahiran S. Shahrani trốn khỏi Brunei vào tháng 10/2018 khi đang chờ bị xét xử vì đăng bài phê phán về chính phủ trên Facebook. Shahrani hiện sống ở thành phố Vancouver, tỉnh bang British Columbia của Canada. Chỉ khi tới Canada anh mới có thể công khai là người đồng tính. “Tôi không bao giờ để lộ với gia đình. Tôi luôn luôn che giấu, sống trong nỗi sợ hãi rằng mọi người sẽ biết”, Shahrani kể về quãng thời gian sống ở Brunei.

Dù ở nước ngoài, Shahrani đang theo dõi diễn biến của việc áp dụng bộ luật mới tại Brunei mà anh mô tả là “khủng khiếp” sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mọi chuyện đi xa đến thế này. Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết Brunei luôn muốn thực thi luật Sharia, nhưng tôi không thể tưởng tượng được việc sống theo luật Sharia. Việc là một người đồng tính ở Brunei đã rất khó khăn dù không có luật Sharia. Thật khó để nghĩ rằng chỉ vì bạn là chính mình cũng có thể khiến bạn bị ném đá đến chết”, Shahrani nói.

Cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt

Chính phủ và các nhà hoạt động trên khắp thế giới đang kêu gọi Brunei đảo ngược quyết định. “Tôi kêu gọi chính phủ Brunei ngăn việc áp dụng bộ luật hình sự hà khắc bởi nó sẽ đánh dấu sự thất bại trầm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân Brunei nếu được thực thi”, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet nói trong một tuyên bố hôm 1/4.

Tuần trước, nam diễn viên Mỹ George Clooney kêu gọi tẩy chay 9 khách sạn hạng sang trên khắp thế giới của Brunei Investment Agency, một công ty thuộc sở hữu của chính phủ Brunei. Ca sĩ nổi tiếng Elton John ủng hộ lời kêu gọi này, nói rằng “phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính là sai lầm và không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội nào”.

Bất chấp áp lực quốc tế, văn phòng Thủ tướng Brunei quyết bảo vệ luật mới. “Brunei là một quốc gia Hồi giáo có chủ quyền, hoàn toàn độc lập và thực thi luật pháp riêng như tất cả các quốc gia độc lập khác”, tuyên bố của văn phòng Thủ tướng cho hay.

Matthew Woolfe, người sáng lập tổ chức nhân quyền The Brunei Project, nói rằng lý do áp dụng luật mới không được công bố, nhưng có thể xuất phát từ kinh tế. “Tại Brunei, nền kinh tế đang bắt đầu suy giảm và đã suy giảm trong một thời gian, vì vậy đây có thể là một cách để tăng cường hơn nữa quyền lực của chính phủ”, ông nói.

Mặc dù động thái này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế đang chững lại, nhưng sẽ là một phần trong chiến lược chuyển hướng từ các nước phương Tây sang thế giới Hồi giáo. “Brunei đang thúc đẩy việc thu hút nhiều nhà đầu tư Hồi giáo, cũng như ngành du lịch Hồi giáo, nên chắc chắn điều này có thể hấp dẫn những thị trường đầu tư vào nước này”, Woolfe nói.

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Hoàng hậu Saleha trong lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của ông tại Bandar Seri Begawan tháng 10/2017. Ảnh: AFP.

Cuộc sống mới của những người chuyển giới nơi xứ người

Ở Canada, những người lưu vong như Shahrani và Zain đang nhanh chóng ổn định cuộc sống mới và công khai giới tính của họ. Zain nói rằng cô “luôn bức bối” khi còn ở Brunei vì xung quanh cô toàn những người có tư tưởng bảo thủ tôn giáo.

“Thực sự rất mới mẻ. Dù mới ở đây 3-4 tháng nhưng đó là thời gian hạnh phúc trong đời tôi. Khi ở Brunei, tôi sợ hãi chính con người thật của mình, nhưng sợ hãi không tồn tại ở đây”, Zain nói.

Shahrani nói rằng Vancouver đã khai sáng cho người từng phải che giấu giới tính như anh. “Vancouver rất, rất khác với các thành phố phương Tây mà tôi từng đến. Những người đồng tính nam nắm tay nhau trong siêu thị, họ hôn nhau, và điều đó chẳng sao cả. Đó là lý do họ không cần những quán bar cho người đồng tính, tất cả các quán bar đều dành cho người đồng tính. Thật tuyệt”, Shahrani chia sẻ.

Shahrani hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người Brunei đang nghĩ về việc rời đi. “Nếu bạn cảm thấy bạn đang gặp nguy hiểm, tôi đã làm được, bạn cũng có thể,” anh nói. “Tôi không nghĩ Brunei có thể thay đổi sớm và tôi không muốn họ cứ trông chờ điều đó xảy ra. Tôi không muốn những người bạn phải chết ở Brunei”.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin mới nhất