Những chính trị gia 8X, 9X: Cái đầu lạnh và làn gió mới của thế giới biến động

Sự xuất hiện của những người trẻ trên chính trường là nguồn hy vọng cho thế giới đang nhiều biến động.

Bài viết Quỳnh Nga
Chia sẻ

Ở tuổi còn rất trẻ, trong khi nhiều người còn đang loay hoay với lựa chọn trong cuộc sống, sự nghiệp, những nhà lãnh đạo như nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern hay Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq đã ghi tên mình vào danh sách những chính trị gia trẻ tuổi của thế giới. Nhìn tổng thể bức tranh địa chính trị thế giới hiện nay với nhiều biến động và khó đoán trước, sự xuất hiện của các lãnh đạo trẻ, với sự thông minh - nhiệt huyết - tinh thần tích cực, như đem lại một luồng gió mới. Họ ghi lại những dấu ấn riêng, vươn mình để góp phần đưa thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Ngày 10/12/2019, Quốc hội Phần Lan chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Sanna Marin, 34 tuổi, vào vị trí Thủ tướng, đưa bà trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới.

Kết quả này khiến dư luận quốc tế chú ý, nhưng đây không phải điều đáng ngạc nhiên vì bà Marin là ngôi sao đang lên trên chính trường Phần Lan. Nhiều video được đăng tải lên YouTube ghi lại hình ảnh bà Marin trong các cuộc tranh luận đầy máu lửa luôn khiến công chúng Phần Lan quan tâm và ấn tượng.

“Tôi chưa bao giờ để tâm tới tuổi tác hay giới tính của mình, mà luôn nghĩ về những lý do khiến tôi bước chân vào con đường chính trị, điều giúp chúng tôi giành được sự tin tưởng của cử tri”, Marin trả lời báo chí sau khi Tổng thống Sauli Niinistö phê chuẩn việc bà nhậm chức thành thủ tướng.

Đạt đến vị trí cầm quyền cao nhất khi còn rất trẻ, nhưng đường đi của bà Marin chưa bao giờ dễ dàng. Sinh năm 1985 tại Helsinki trong một gia đình lao động thu nhập thấp, bà là người đầu tiên trong nhà học đến đại học. Gia thế trung bình không thể hỗ trợ bà tham gia chính trị.

Chính bà cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Me Naiset: “Tôi từng nghĩ, những người tham gia chính trị thật khác biệt, họ có nền tảng rất khác so với tôi”. Sự khác biệt này không chỉ là vấn đề điều kiện của gia đình, mà còn là về việc bà có đến 2 người mẹ. Cha mẹ chia tay từ khi bà còn nhỏ, mẹ bà sau đó tái hôn với một người phụ nữ. Bà thường tự mô tả bản thân là một người đến từ “gia đình cầu vồng”.

Vì lớn lên trong hoàn cảnh độc đáo như vậy, nên bà Marin luôn tâm niệm rằng: “Đối với tôi, quyền con người và sự bình đẳng chưa bao giờ là vấn đề quan điểm, mà đó là nền tảng đạo đức”.

Đồng thời, bà thường xuyên nói với người dân: “Tôi luôn biết ơn vì được xã hội trao tặng quá nhiều, nhờ vậy tôi mới có thể vượt qua thời kỳ đen tối nhất trong đời”.

Tuổi thơ sóng gió một phần tác động đến tư duy chính trị, nên bà đặc biệt quan tâm đến các vấn đề biến đổi khí hậu, quyền bình đẳng, trợ cấp xã hội, để có thể xây dựng xã hội thành một nơi “mọi đứa trẻ có thể trở thành bất cứ điều gì mà chúng muốn, mọi người được sống và phát triển trong sự tôn trọng”.

Chính trường thế giới những năm qua ấn tượng với sự xuất hiện của nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern với “cái đầu lạnh và một trái tim ấm áp”.

Bà Jacinda Ardern, sinh năm 1980, chiến thắng cuộc bầu cử Thủ tướng New Zealand năm 2017 khi mới 37 tuổi, đưa bà trở thành Thủ tướng trẻ nhất New Zealand trong vòng 150 năm qua.

Việc bà Ardern đắc cử Thủ tướng New Zealand gây chấn động như một trận mưa thiên thạch, tới mức người dân New Zealand còn đặt cho sự kiện này một cái tên: Jacindamania. Chiến thắng của bà Ardern là điều hết sức bất ngờ, bản thân bà cũng không đặt nhiều hy vọng khi tham gia tranh cử. Nhưng nếu tìm hiểu về bà Ardern, tất cả mọi người đều phải thừa nhận, người phụ nữ này chính là hình mẫu lãnh đạo sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Tinh thần lạc quan và vẻ duyên dáng tự nhiên của bà nhanh chóng truyền cảm hứng đến phụ nữ và những người trẻ tuổi. Cách Ardern trò chuyện với người dân, cởi mở và thành thật, khiến bà trông khác xa với những chính trị gia truyền thống. Người ủng hộ vì thế không chỉ tin vào tầm nhìn mà còn cả những lời nói và sự chân thành của nữ thủ tướng.

Bà Ardern thường tự miêu tả mình là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, có quan điểm chính trị cấp tiến và ôn hòa. Bà tích cực đấu tranh cho nữ quyền, ủng hộ hôn nhân đồng tính, mong muốn hợp pháp hóa quyền phá thai và phản đối kết án hình sự với người sử dụng cần sa. Đầu năm 2018, bà Ardern trở thành thủ tướng New Zealand đầu tiên tham gia diễu hành cùng người đồng tính và chuyển giới.

Tháng 9/2018, Ardern trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi là lãnh đạo đầu tiên đưa con gái nhỏ đến một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Dường như bà muốn gửi đi một thông điệp, rằng phụ nữ vẫn có thể vừa thành công trong sự nghiệp, vừa xây dựng được gia đình hạnh phúc.

Nhưng điều khiến cả thế giới phải nể phục Ardern đó là khi chứng kiến cách bà dẫn dắt người dân New Zealand vượt qua thời kỳ đen tối, sau vụ việc một kẻ cực đoan xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch, làm 50 người chết hồi năm 2018.

Thay vì khoét sâu vào lòng thù hận, bà giúp người dân phản ứng với thảm họa bằng thái độ bình tĩnh và sự đồng cảm. Hình ảnh bà trong chiếc khăn trùm đầu hijab, ôm chặt an ủi gia đình các nạn nhân, hay gương mặt đầy đau xót khi lắng nghe buổi họp của cộng đồng người Hồi Giáo ở Christchurch đã chạm đến trái tim người dân New Zealand, khiến người dân trên khắp thế giới phải cảm động và kính phục. Nhưng dù có một trái tim nóng, bà vẫn giữ được cái đầu lạnh, khi thẳng thừng tuyên bố kẻ xả súng là một tên khủng bố, điều mà ít lãnh đạo nào dám nói khi kẻ xả súng là người da trắng.

Jacinda Ardern chính là hình mẫu lãnh đạo bằng tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Bà là người tiên phong cho thế hệ lãnh đạo mới, là niềm hy vọng trong một thế giới đang có quá nhiều sự bất ổn.

Nửa cuối năm 2018, Syed Saddiq khiến dư luận dậy sóng khi trở thành bộ trưởng trẻ nhất Malaysia. Syed Saddiq sinh ngày 6/12/1992, được bầu làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia vào ngày 2/7/2018, khi mới 25 tuổi. Trước đó anh đã là phát ngôn viên và một trong những người sáng lập đảng cầm quyền do Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo.

Syed Saddiq từng từ chối học bổng trị giá gần 100.000 USD của Đại học Oxford để theo đuổi con đường chính trị. Sau khi được bầu làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia, Syed Saddiq một lần nữa từ chối học bổng thạc sĩ của Đại học Oxford vì muốn ở lại để “phụng sự tổ quốc”.

Từ khi nhậm chức, Syed Saddiq đã nỗ lực hết mình xây dựng những chính sách dành cho thanh niên: Tăng cường quảng bá Thế vận hội Paralympic; hạ độ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18, anh cho rằng với 3,7 triệu cử tri mới, chính phủ sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến những người trẻ; đưa thể thao điện tử (e-sports) trở thành môn thể thao chính thức. Một số vấn đề kể trên đến cả các chính trị gia lớn tuổi còn cảm thấy e ngại không muốn đề cập.

Trước hay sau khi nhậm chức bộ trưởng, Syed Saddiq vẫn luôn duy trì thói quen tập luyện ấn tượng. Anh thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, rồi chạy bộ, tiếp đến là 50 lần push-ups và 50 lần sit-ups. Nhưng khi đến văn phòng, anh vẫn hoàn thành lịch làm việc dày đặc. Từ thứ 2 đến thứ 6, anh liên tục tham dự các sự kiện, đến thăm các khu thi đấu, tham gia các cuộc họp trong nội các, cùng hàng loạt những công việc giấy tờ khác.

Nhưng đến tối thứ 6, thay vì tự thưởng cho mình một cốc bia và thư giãn trong quán bar như các đồng nghiệp, anh lại lái xe 2 tiếng đồng hồ đến thành phố Muar, nơi tập trung phần lớn những người ủng hộ của anh, để trò chuyện và giúp người dân giải quyết các vấn đề, từ hệ thống nước thải đến việc cấp học bổng cho sinh viên. Anh thậm chí còn chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, dẫn họ đi tham quan Muar và thuyết phục họ hãy đầu tư cho thành phố xinh đẹp này.

Mặc dù tập trung hoạt động chính trị, nhưng Syed Saddiq vẫn giữ cho mình những nét tính cách của một cậu thanh niên bình thường. Văn phòng làm việc của anh không hề giống văn phòng của một chính trị gia, vì khắp phòng được trang trí bởi sách và các hình ảnh liên quan đến PlayStation 4.

Có lẽ nhờ hoạt động tích cực và tư duy cởi mở nên anh nhận được lòng tin của người dân Malaysia, đồng thời được Thủ tướng Mahathir Mohamad tin tưởng. Giới quan sát thấy rằng, Syed Saddiq được ông Mahathir Mohamad kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giữa chính phủ và giới trẻ Malaysia. Thậm chí một số chuyên gia còn đánh giá anh là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí người kế nhiệm thủ tướng. Tuy mọi suy đoán vẫn còn hơi sớm, nhưng với những gì hiện có, cùng màn trình diễn không hề tệ trên sân khấu chính trị, những kỳ vọng đặt lên Syed Saddiq là không hề hão huyền.

Danh sách những nhà lãnh đạo chính trị trẻ tuổi sẽ còn rất dài, và chắc chắn sẽ còn dài thêm. Mỗi người dù xuất thân khác nhau, họ luôn có những điểm chung. Đó là tư duy cởi mở và nhân văn, sự quyết đoán thường thấy ở người trẻ nhưng không hề bồng bột, và hơn hết là sức mạnh của tuổi trẻ bên trong mỗi người sẽ lan tỏa tinh thần tích cực, để tất cả cùng nhau đi đến một tương lai tươi sáng hơn.

Bài viết

Quỳnh Nga

Chia sẻ