109 ngày đấu tranh với cáo buộc buôn ma túy của cô gái Việt mắc kẹt ở Pháp

Theo VnExpress
Chia sẻ

3 tháng 2 tuần, 4 ngày mắc kẹt ở Paris là một chuyến "du học" bất đắc dĩ về pháp lý và tình người đối với Phạm Thị Tuyết Mai.

Phạm Thị Tuyết Mai. Ảnh: NVCC

5/4/2019 là một ngày không thể nào quên với Phạm Thị Tuyết Mai, bởi đó là ngày cô được quay trở về Việt Nam sau hơn 3 tháng rưỡi bị giam lỏng ở Pháp với một lệnh truy nã toàn châu Âu. Trước biến cố này, cô luôn nghĩ rằng để đến được châu Âu mới khó, nhưng bây giờ Mai nhận ra được quay trở về quê hương trong tự do đôi khi còn khó hơn nhiều.

Mắc kẹt ở Paris một giấc mơ kỳ lạ mà mỗi sáng tỉnh dậy tôi vẫn chưa thể tin được đó là hiện thực xảy ra với mình hơn 3 tháng qua“, Mai chia sẻ.

Hành trình sóng gió của cô bắt đầu từ ngày hôm 18/12/2018, khi Mai cùng bạn trai Daniel bay sang châu Âu với ý định vừa du lịch vừa thăm quê hương anh ở Malta nhân dịp Giáng sinh. Tại sân bay Charles de Gaulle, Mai bất ngờ bị cảnh sát Pháp bắt theo Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) với tội danh “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện”. Họ cho hay tháng 5/2013, cô bị tòa án Anwerp, Bỉ tuyên án 4 năm tù với thời gian phạm tội từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 và lệnh truy nã Mai được phát đi trên toàn châu Âu từ năm 2014.

Thông báo của cảnh sát khiến Mai choáng váng bởi theo cô, trong thời gian xảy ra vụ án, cô vẫn đang ở Việt Nam và không có visa để sang Bỉ. Mai từng học tập và làm việc tại Amsterdam, Hà Lan nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống từ tháng 3/2010 và cho đến tháng 11/2011 mới quay lại châu Âu một lần để công tác. Bất chấp mọi giải thích và bác bỏ, Mai vẫn bị cảnh sát giải đi và giam giữ trong một căn phòng mà cô mô tả là vô cùng chật hẹp, bẩn thỉu và lạnh lẽo.

Sau một đêm “dài nhất 30 năm cuộc đời”, Mai được tòa án Paris tuyên bố cho phép tại ngoại vì bản án mà Bỉ kết tội Mai có nhiều điểm bất hợp lý. Tuy nhiên, cô bị giữ lại hộ chiếu và cấm xuất cảnh khỏi Pháp để chờ xét xử.

Gần hai tháng sau đó, Mai trải qua thêm 2 phiên tòa ở Pháp với câu trả lời tương tự nhau rằng họ đang chưa có thông tin gì từ tòa án Bỉ và cô phải tiếp tục chờ đợi. Được tại ngoại là một hạnh phúc đối với Mai nhưng việc bất ngờ mắc kẹt ở Paris không người quen thân và lại đang dính lệnh truy nã liên quan tới ma túy khiến cô phải gồng mình tìm cách xoay xở về cả vấn đề pháp lý lẫn tài chính.

Mai cho hay Pháp đã báo thông tin việc bắt giữ cô cho đại diện Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Paris và họ sau đó cung cấp cho cô danh sách các thông tin luật sư Việt Nam tại Pháp để chủ động liên hệ. Mai đã tự mình làm việc với các luật sư tại Pháp và Bỉ, từ tham vấn, trao đổi thông tin hợp đồng đến thỏa thuận giá cả. Nữ luật sư Cécile Bernaille do tòa chỉ định từ đầu tiếp tục đại diện cho Mai tại Pháp. Giữa tháng một, cô cũng thuê luật sư đại diện Ruben Van Herpe với chi phí khoảng 3.000 euro để giúp gửi đơn kháng cáo lên tòa án Bỉ.

Ngoài ra, Mai còn nhận được sự tư vấn của một số luật sư người Việt ở hai nước, giúp cô hiểu hơn về luật hình sự châu Âu và quy trình tố tụng ở Pháp và Bỉ. Cô cũng tranh thủ thời gian rảnh này để dịch và tìm hiểu các thông tin liên quan đến pháp lý qua Google.

Khi bị vướng vào vấn đề pháp lý, cần tập trung tìm kiếm luật sư giỏi và nhiệt tình, nhanh chóng thu thập càng nhiều các bằng chứng có lợi cho hồ sơ trình tòa để rút ngắn thời gian tố tụng xuống ngắn nhất có thể“, Mai chia sẻ kinh nghiệm mà cô đúc rút được.

Tuyết Mai, bạn trai Daniel (thứ hai từ trái sang) cùng gia đình anh tại Paris hồi tháng 1. Ảnh: NVCC

Giữa lúc rơi vào cuộc đấu tranh pháp lý nơi đất khách quê người, Mai còn phải đối mặt với làn sóng trái chiều của dư luận ở Việt Nam cùng những tin đồn bất lợi về cô trên mạng xã hội. Mai cho hay cô bị những người chưa từng quen biết tấn công, sỉ nhục, lan truyền rất nhiều thông tin thất thiệt mà cô nghi ngờ “xuất phát từ một số cá nhân mong muốn Mai bị xử có tội để che giấu hành vi của họ”.

Áp lực tinh thần nặng nề khiến Mai bị đau dạ dày, không ăn uống được và sụt mất 5 kg. “Tôi bị ám ảnh hình ảnh trong tù giam và lúc bị cùm tay áp giải đi khắp nơi. Không ngủ được nên tôi phải đi gặp bác sỹ kê đơn lấy thuốc ngủ. Bác sỹ tâm lý tại bệnh viện Saint Anne chẩn đoán bị tôi bị rối loạn hoảng sợ nên đặt lịch hẹn gặp hàng tuần“, Mai kể.

Một tháng rưỡi đầu ở Paris, do không có hộ chiếu và đang bị truy nã, Mai nhờ bạn trai đứng tên thuê giúp thuê khách sạn. Hai tháng cuối, cô may mắn được ở nhờ căn hộ của một đôi vợ chồng giáo sư người Pháp là người quen của gia đình.

Họ đã mở rộng vòng tay cưu mang tôi trong những ngày một mình bơ vơ nơi đất khách“, Mai kể. “Những người bạn mới quen, những người chỉ mới gặp ở Pháp cũng đã chia sẻ, cảm thông và chỉ dẫn tôi rất nhiều. Các bác sĩ Pháp đã giúp đỡ tôi chữa bệnh, cho thuốc miễn phí và tận tình với tôi trong những ngày mệt mỏi“.

Khi biết cô gặp khó khăn vì không đủ chi phí sinh hoạt, những người bạn cũ đã gửi tiền sang Pháp hỗ trợ Mai. Những người bạn, đồng nghiệp cũ từ Amsterdam cũng lặn lội sang Paris để thăm hỏi động viên.

Suốt những tháng ngày bất định, mất niềm tin và không hy vọng nhất đó, nếu không có sự thương yêu, hỗ trợ và lòng trắc ẩn của nhiều người, tôi có lẽ đã không thể mạnh mẽ vượt qua và giữ vững niềm tin“, Mai nói.

Cuối tháng 2, cô gái 34 tuổi nhận được tin vui khi tòa án Paris ra phán quyết rằng dựa trên các bằng chứng thu thập được, họ nhận thấy Mai không có khả năng phạm tội và sẽ gửi thông báo cho tòa án Bỉ với thời hạn 10 ngày để trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin.

Ngày 7/3, phiên tòa ở Antwerp, Bỉ, đồng ý với đơn kháng cáo của Mai, xóa bỏ phán quyết cũ và dỡ bỏ lệnh truy nã đối với cô. Nửa tháng sau, phiên tòa xét xử từ xa với sự tham dự của luật sư Ruben đã ra phán quyết Mai vô tội và được miễn trách nhiệm với tất cả các án phí. Giây phút được luật sư thông báo trắng án, Mai đã bật khóc. Cô lập tức lao ra ngoài mua một cốc cà phê để chúc mừng mình.

Hôm 27/3, tòa án Paris cho hay đã nhận được thông báo của tòa án Bỉ về dỡ bỏ lệnh truy nã đối với Mai và cần thêm 3 tuần để có thời gian phiên dịch thông báo từ tòa án Bỉ. Tuy nhiên, theo đề nghị của luật sư Cécile, các thẩm phán Paris đã đồng ý trả lại luôn hộ chiếu cho Mai để cô được trở về Việt Nam.

Tuyết Mai trong thời gian ở Paris. Ảnh: NVCC

Mai cho hay cô tiêu tốn gần 400 triệu, gồm chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại, thuê luật sư trong thời gian mắc kẹt ở Paris. Cô đang cùng luật sư Ruben làm đơn đòi bồi thường nhưng phải chờ từ 6 tháng cho đến 2 năm để được bồi hoàn cả các chi phí đã bỏ ra trong thời gian ở Pháp lẫn tổn hại về danh dự và tinh thần.

Vừa trở về Việt Nam không lâu, Mai đã có ý định ra một quyển sách kể lại hành trình khó quên của mình nhưng tập trung vào khía cạnh tích cực của trải nghiệm. 109 ngày mắc kẹt là quãng thời gian mà cô rèn luyện được kỹ năng đi chợ, nấu đồ ăn chay, đi bộ nhiều hơn, biết thêm tiếng Pháp, nhiếp ảnh, có thời gian xem và đọc rất nhiều phim, sách, tài liệu về lịch sử. Cô cũng có cơ hội để sống chậm, đánh giá lại những mối quan hệ của mình và rèn luyện sự kiên nhẫn.

Mai còn có kế hoạch liên kết với các luật sư để xây dựng một website tư vấn pháp lý miễn phí cho người Việt tại nước ngoài để giúp đỡ những trường hợp như mình. Chuyến “du học” ngắn hạn bất đắc dĩ đã giúp Mai thu nạp được rất nhiều bài học, trong đó bài học lớn nhất là về bảo mật và thông tin cá nhân, ngay cả với bạn bè và người quen, nhằm tránh bị ăn cắp danh tính để phạm tội.

Khi đi du lịch, mọi người cần chuẩn bị một khoản tài chính đủ an toàn khi có sự cố liên quan đến pháp lý hay sức khỏe. Khi bay đến đâu cần chuẩn bị trước số điện thoại của bạn bè, người quen sống ở bản địa để thông báo cho người thân và được hỗ trợ“, Mai nói thêm.

Cô khuyên mọi người khi vướng vào sự cố tương tự, cần bình tĩnh và tỉnh táo để xử lý bởi quy trình tố tụng của tòa án châu Âu thông thường mất ít nhất 3 - 6 tháng. Nếu không có bằng chứng ngoại phạm tốt, quá trình này có thể kéo dài đến 3 năm.

Tôi muốn dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình dù phải chịu đựng rất nhiều sự sỉ nhục và áp lực từ mạng xã hội, bị phản bội và chịu đối xử bất công từ những người mình tin tưởng“, Mai nói. “Nhưng tôi hy vọng rằng sau này, những người cũng bị rơi vào hoàn cảnh giống mình, những người không có điều kiện và không may mắn nhận được nhiều sự giúp đỡ như mình, họ sẽ không phải trải qua và chịu đựng những thứ mà mạng xã hội và cộng đồng dành cho tôi“.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất