Vòng quanh Thế giới

Điều kiện trong khu cách ly ở Ấn Độ: Không dung dịch khử trùng, nhà vệ sinh cáu bẩn và nước sạch không có mà uống

Theo SCMP, The Week
Chia sẻ

Phần lớn những người cách ly tại Ấn Độ đều phàn nàn rằng họ phải sống trong điều kiện vệ sinh tồi tệ, không có khẩu trang, dung dịch khử trùng và không được kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày.

Trong khu cách ly, nước sạch là một thứ rất xa xỉ

Khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc trở về từ vùng dịch, người dân Ấn Độ phải ở trong khu cách ly và Rhea Bhalla, một sinh viên ngành quản lý kinh doanh thực phẩm ở Mỹ, cũng vậy. Trở về Ấn Độ và có mặt tại sân bay quốc tế New Delhi vào ngày 16/3 vừa qua, Rhea được đưa lên xe buýt cùng với 20 người khác để đến một cơ sở cách ly ở Narela, cách đó khoảng 40km, theo quy định của chính phủ để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

Rhea phải sống trong một căn phòng tối tăm cùng với một người khác, nhưng đó chưa phải là tất cả. Căn phòng không có nhà vệ sinh khép kín nên cô phải dùng chung phòng tắm với 6 người khác. Bồn rửa và nhà vệ sinh luôn trong tình trạng cáu bẩn, nhưng điều tồi tệ hơn là họ không có nước sạch để uống.

Một khu cách ly ở Baramulla, Ấn Độ.

Rhea cho hay: “Nước mà họ cho chúng tôi uống được lấy từ một chiếc xe bồn. Khi chúng tôi từ chối không uống thứ nước đó, họ bảo chúng tôi hãy uống nước lã lấy trực tiếp từ vòi nước“.

Rhea đã chụp lại những bức ảnh về điều kiện bên trong khu cách ly nơi cô đang sống và gửi cho mẹ cô. Mẹ của Rhea sau đó đã chia sẻ những bức ảnh lên mạng xã hội và gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận. Tới 3 giờ sáng ngày hôm sau, sau khi ở khu cách ly 12 tiếng và chờ đợi nhiều giờ tại sân bay, Rhea và nhiều người khác được phép di chuyển tới một khách sạn trong thành phố.

Tôi hiểu tầm quan trọng của việc cách ly nhưng ở đây thậm chí còn không đáp ứng đủ các điều kiện để cách ly”, Rhea, người đang trả 40 USD (hơn 900 nghìn đồng) mỗi đêm ở khách sạn cho hay.

Không dung dịch khử trùng, nhà vệ sinh cáu bẩn

Nhà vệ sinh cáu bẩn trong khu cách ly.

Rhea cũng cho biết thêm, tại khu cách ly, những người già bị ho nặng được sắp xếp ở chung một phòng khiến những người khác có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn. Cũng chính vì nỗi sợ bị lây nhiễm chéo trong khu cách ly mà 3 nghiên cứu sinh ở Đại học Hồi giáo Aligarh tại bang Uttar Pradesh đã phải trốn ra ngoài.

Được biết, sau khi tự cách ly 9 ngày trong ký túc xá, 3 nghiên cứu sinh này được gửi đến một cơ sở cách ly vào ngày 18/3 và họ được phân vào ở chung một phòng. “Trong phòng có 3 chiếc giường sắt riêng biệt nhưng không có ga trải giường. Không có dung dịch khử trùng và khẩu trang.

Cả ngày không có ai tới kiểm tra thân nhiệt của chúng tôi. Vào một buổi tối, khi chúng tôi vô tình biết được có một người sống cùng khu với chúng tôi gần đây đã đến Iran, chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu rời khỏi khu cách ly này vì sợ bị lây nhiễm chéo từ người mới“, Rather (28 tuổi, một trong 3 nghiên cứu sinh) chia sẻ.

Bồn cầu ố vàng, cáu bẩn, không được dọn rửa thường xuyên.

Sau khi yêu cầu không được đáp ứng, cả 3 nghiên cứu sinh đã trốn khỏi khu cách ly, bắt một chuyến tàu đến bang Jammu, rồi gọi một chiếc taxi chở họ về nhà ở quận Baramulla. Tuy nhiên, chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Khi vừa về đến nhà, Rather đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa đến một bệnh viện tuyến huyện ở phía bắc bang Kashmir để cách ly cùng 2 người khác.

Cơ sở vật chất ở nơi cách ly mới cũng chẳng tốt hơn. 7 người ở chung một phòng và phải dùng chung một nhà vệ sinh. Các giường được đặt cạnh nhau. Thùng rác trong phòng thì ngập rác. Và một lần nữa, Rather và những người ở đây cũng không được kiểm tra thân nhiệt.

Bồn rửa mặt ố vàng.

Không có ai đến kiểm tra thân nhiệt của chúng tôi và chúng tôi phải tự làm việc này. Một người địa phương trở về từ Trung Quốc cũng ở cùng khu với chúng tôi. Các bác sĩ đều nói không sao cả, nhưng thực sự mà nói, chúng tôi rất sợ bị nhiễm bệnh từ anh ấy“, Rather nói.

Vào ngày 23/3, 7 người trong phòng anh Rather được chuyển đến các bệnh viện khác nhau và họ phải ngồi chung xe cứu thương với 9 người khác.

Trên mạng xã hội, nhiều người Ấn Độ cũng chia sẻ nhiều hình ảnh về điều kiện bên trong khu cách ly của họ. Một người phụ nữ tên Navya Dua cho biết, cô trở về từ Tây Ban Nha và hạ cánh xuống sân bay New Delhi vào lúc 1h sáng 16/1. Cô phải ở lại khu cách ly tại trường đào tạo cảnh sát Dwarka 14 ngày theo quy định của chính phủ.

Chúng tôi có 40 người nhưng chỉ có 3 phòng vệ sinh, 5 phòng ngủ lớn. Họ muốn chúng tôi ở trong môi trường hợp vệ sinh và đây là những gì họ cung cấp cho chúng tôi. Với cách này, Ấn Độ không thể kiểm soát được virus corona“, Navya bức xúc.

Nhà vệ sinh nhỏ hẹp nhưng có tới 40 người sử dụng.

Nhiều video khác cũng cho thấy, điều kiện trong khu cách ly rất tồi tàn. Những chiếc giường bị hư hỏng nặng, bồn cầu và bồn rửa mặt ố vàng, cáu bẩn, vòi nước không có nước. Và phần lớn mọi người đều phàn nàn rằng họ không được xét nghiệm, không có khẩu trang, dung dịch khử trùng hoặc xà phòng.

Tại Ấn Độ, đã có 15 trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cách ly nên ở trong phòng đơn rộng rãi, thoáng mát, có đủ các đồ dùng vệ sinh thân thể. Trong trường hợp không có phòng đơn, các giường nên đặt cách nhau 1m.

Tình nguyện viên chuẩn bị giường cho người cách ly ở Howrah.

Nhà dịch tễ học Alex Joseph cho biết: “Nếu những người trong khu cách ly không được duy trì khoảng cách nhất định, chậu rửa hoặc bồn rửa tay không được khử trùng thì khả năng lây nhiễm chéo rất cao. Điều này có thể dẫn đến một thảm họa vì chúng ta rất dễ bị lây nhiễm“.

Người phát ngôn chính của chính phủ Ấn Độ, KS Dhatwalia, cho biết Ấn Độ đã tuân theo các quy tắc cách ly và cơ sở vật chất cho người cách ly đang được cải thiện từng ngày. Một số người cố ý đăng tải những bức ảnh cũ để đổ lỗi cho chính phủ. Tuy nhiên, Ấn Độ lại rất thận trọng trong việc hạn chế chia sẻ số liệu chính thức về người đang phải cách ly và số lượng khu cách ly.

Chia sẻ

Theo

SCMP, The Week

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất