Vòng quanh Thế giới

Nắng nóng kỷ lục 'nấu chín' cả châu Âu

Ngọc Bích
Chia sẻ

Một đợt nắng nóng dữ dội đã “đổ bộ” châu Âu trong tuần này, kéo theo nhiệt độ cao bất thường vào tháng 6 ở các vùng rộng lớn của Pháp, Tây Ban Nha, Đức và nhiều nơi sinh sống khác của hàng trăm triệu người.

Cả châu Âu “rực lửa” trong đợt nắng nóng kỷ lục.

Nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 6 đạt đỉnh được ghi nhận tại Đức, Pháp và Ba Lan hôm 27/6.

Nhiệt độ ở Radzyń, Ba Lan là hơn 38 độ C, và nhiệt độ cao nhất trung bình tháng 6 ở Pháp đạt mức cao nhất từ trước tới nay, 35 độ C. Và mức nhiệt sẽ còn tăng hơn nữa, theo Mashable.

Trong thế kỷ qua, châu Âu đang trải qua ngày càng nhiều đợt nắng nóng, và kể từ năm 1.500 sau Công nguyên, những năm có mùa hè nóng nực nhất của khu vực này là 2018, 2016, 2010, 2003 và 2002. Dự kiến, các kỷ lục nhiệt độ sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong bối cảnh nền nhiệt chung của Trái đất tiếp tục tăng.

“Các kỷ lục về sức nóng tất nhiên sẽ xảy ra thường xuyên hơn do nhiệt độ toàn cầu”, Stefan Rahmstorf, người đứng đầu bộ phận Phân tích hệ thống Trái đất tại Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam ở Đức, cho biết. “Điều đó hoàn toàn diễn ra như dự đoán và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng khi chúng ta khiến hành tinh này nóng lên bằng cách phát thải khí nhà kính vào khí quyển”.

“Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên do biến đổi khí hậu và điều này có nghĩa là châu Âu có thể sẽ đón nhiều đợt nóng kỷ lục hơn trong tương lai”, Len Shaffrey, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading, Anh, đồng tình.

Shaffrey cũng lưu ý rằng nhiệt độ toàn cầu ít nhất đã tăng gấp đôi khả năng nắng nóng cực đoan ở châu Âu, tương tự những lần nắng nóng thiêu đốt vào mùa hè năm ngoái.

Phát thải khí carbon dioxide - loại khí nhà kính chính khiến nhiệt độ Trái đất tăng cao - hiện ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm, và tốc độ gia tăng là chưa từng có trong cả kỷ lục lịch sử và địa chất.

Nền nhiệt tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng vào cuối tuần, có thể phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay. Các trường học xung quanh thủ đô Paris của Pháp đã thông báo đóng cửa trước dự báo về thời tiết nóng nực.

Mặc dù vậy, nhiệt tăng cao không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra các đợt nắng nóng ở châu Âu. Theo giải thích của Rahmstorf, những cơn gió ở tầng cao của bầu khí quyển (dòng tia) di chuyển trong những con sóng nhiệt khổng lồ trên khắp hành tinh, được gọi là Sóng Rossby, đã thay đổi. Cụ thể, những dòng khí quyển lớn này đã chậm lại và phát triển mạnh hơn và cong hơn. Điều này dẫn tới các kiểu thời tiết dai dẳng - như nhiệt - kéo dài trên các khu vực rộng lớn, như châu Âu.

Các nhà khoa học khí quyển nghi ngờ sự nóng lên được khuếch đại ở Bắc Cực phần lớn chịu trách nhiệm làm chậm những cơn gió khí quyển mạnh mẽ này.

Với sự chênh lệch nhiệt độ ít hơn giữa vùng Bắc Cực và vĩ độ thấp hơn, các kiểu gió có thể thay đổi và ngày càng yếu đi, đặc biệt là vào mùa hè, Rahmstorf lưu ý.

Sóng nhiệt - là loại thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất - đã giết chết khoảng 70.000 người châu Âu vào năm 2003. Cháy rừng, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng là những hậu quả được dự đoán rõ nhất khi khí hậu nóng lên không ngừng.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất