Vòng quanh Thế giới

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á

Theo Channel NewsAsia, Al Jazeera, Global News
Chia sẻ

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bầu không khí Tết ở các quốc gia châu Á vắng hẳn cảm giác rộn ràng, nô nức thuở xưa.

Thay vì ghé thăm khoảng 5 căn nhà với khoảng 20 người quây quần như mọi năm, gia đình ông Eric Cheong ở Singapore quyết định chào đón Tết Tân Sửu... trên mạng. 

"Chúng tôi chỉ ăn bữa cơm đoàn tụ vào đêm giao thừa, sau đó chúc mừng năm mới họ hàng qua Zoom. Gia đình tôi sẽ không ghé thăm nhà hay gặp mặt ai cả. Mục tiêu hàng đầu bây giờ là giữ an toàn cho mọi người", người đàn ông 63 tuổi nói với CNA.

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 1
Khách dạo chợ phải đo thân nhiệt và thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong khi đó, cô Tay Ying Hui (25 tuổi) vẫn sẽ hội họp cùng đại gia đình, chỉ cần đảm bảo các quy tắc an toàn. Tuy nhiên, từng gia đình nhỏ sẽ ăn bữa tối đoàn tụ cùng nhau chứ không sum vầy với họ hàng thân thích. "Ban đầu, tôi dự định cùng cả nhà ghé thăm các địa điểm công cộng được trang trí mừng xuân. Nhưng với điều kiện vệ sinh và các quy định về việc tụ tập đông người hiện nay, có lẽ chúng tôi sẽ có một trải nghiệm khác", cô nói.

Ying Hui cho biết các chợ ẩm thực cũng không cho phép khách dùng thử các loại bánh mứt trước khi quyết định mua như mọi khi, bởi điều này sẽ gia tăng nguy cơ lây lan virus. Các buổi họp mặt gia đình trên Zoom và bữa tối giao thừa "online" cũng làm mất đi tinh thần sum họp dịp Tết. Tuy nhiên, ai nấy đều hiểu rằng họ cần chung tay vì sức khoẻ cộng đồng. 

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 2
Ying Hui cho biết các chợ ẩm thực cũng không cho phép khách dùng thử các loại bánh mứt trước khi quyết định mua như mọi khi.

Hôm 22/1, chính phủ Singapore kêu gọi người dân chỉ nên đón tối đa 8 vị khách mỗi ngày kể từ ngày 26/1. Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến cả nước có nguy cơ "vỡ trận", đây là điều mỗi người dân nên làm để bảo vệ bản thân và gia đình. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lawrence Wong, mọi người cũng không nên ghé thăm quá 2 hộ gia đình mỗi ngày. 

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 3
Cả người mua lẫn người bán đều phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.

Dù tất cả chỗ trống trong nhà hàng đã được đặt trước để chuẩn bị cho tiệc tất niên, Crystal Jade Group vẫn cố gắng để đảm bảo an toàn cho cả thực khách lẫn nhân viên. Chuỗi nhà hàng Quảng Đông danh tiếng giữ khoảng cách 1 m giữa các bàn ăn, song song với việc áp dụng quy trình vệ sinh nghiêm ngặt, kéo giãn thời gian trống giữa các khung giờ đón khách để nhân viên có thể làm sạch khu vực ăn uống thật cẩn thận.

Thực khách tại Paradise Group of Restaurant sẽ phải đo nhiệt độ cơ thể và rửa tay trước khi vào nhà hàng. Các bàn ăn được đặt cách nhau 1 m, giới hạn chỉ 8 thực khách mỗi bàn. 

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 4
Chính phủ Singapore kêu gọi người dân hạn chế di chuyển, tiếp xúc nhiều người.

Theo Cornelius Tan, phó thư ký Hiệp hội thương gia Chinatown Complex Hawkers, lượng người dạo chợ năm nay sẽ giảm 20% so với năm trước, chủ yếu là vắng bóng khách du lịch. Loa thông báo lắp trong chợ sẽ phát lời nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Trong khi đó, nhân viên bán hàng và chủ tiệm sẽ khử trùng định kỳ bàn ghế và quầy hàng. Thay vì dạo chợ trực tiếp, khách có thể đặt hàng trên mạng để đảm bảo an toàn.

Lễ hội thắp đèn lồng Tết năm nay cũng sẽ bị hạn chế tại Singapore. Cụ thể, chính phủ sẽ không thắp đèn trong 4 ngày (từ 5 đến 7/2 và ngày 11/2) để giảm số lượng khách ghé qua khu "phố Tàu". Những ai muốn ngắm đèn lồng nên tránh đi vào ngày nghỉ, hoặc tốt nhất là truy cập trang web của lễ hội để xem hình ảnh 360 độ.

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 5
Con phố bán đồ trang trí Tết vắng tanh ở Trung Quốc.

Giữa lúc đại dịch đe doạ cuộc sống toàn dân, mọi người có xu hướng mua hàng trực tuyến nhiều hơn. Tiger Wang, Trưởng phòng marketing của Shopee tại Singapore, cho biết nhu cầu mua đồ ăn vặt và các nhu yếu phẩm khác đã tăng gấp 6 lần trong mùa Tết này. 

Với hơn 2.000 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong vào tháng 1, giới chức Trung Quốc đã ban hành các quy định hạn chế đi lại dịp Tết và kêu gọi người dân "đang ở đâu, ở yên đấy" để tránh dịch. Tại thành phố Vũ Hán, những con phố bán hàng Tết từng tấp nập khách vãng lai giờ đây thưa thớt hẳn. 

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 6
Tại thành phố Vũ Hán, những con phố bán hàng Tết từng tấp nập khách giờ đây thưa thớt hẳn. 

Bà Gong Linhua, một chủ cửa hàng vật dụng trang trí Tết, cho biết đây là lần đầu tiên mình gặp phải tình cảnh ế ẩm trong suốt 20 năm kinh doanh. Người phụ nữ 60 tuổi dự định "về hưu" nếu nền kinh tế cứ mãi ảm đạm. 

Wang Cuilan, một người bán đồ trang trí khác, chia sẻ doanh số mùa Tết chỉ bằng một nửa so với năm bình thường. Tuy nhiên, so với tình hình kinh doanh khó khăn, cô càng lo cho con gái đi làm ở tỉnh Hồ Nam hơn. Người phụ nữ tự hỏi không biết khi đón Tết xa quê 2 năm liên tiếp, con gái cô có tủi thân và nhớ bố mẹ lắm không.

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 7
Đại dịch ập đến khiến nhiều cửa hàng kinh doanh ế ẩm vì vắng khách.

Trong 3 ngày đầu tiên của kỳ xuân vận, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết số lượng các chuyến đi bằng ô tô, máy bay và tàu hỏa đã giảm khoảng 75%. Cơ quan này dự đoán con số này sẽ giảm 40% trong vòng 40 ngày xuân vận so với năm 2019. 

Các xưởng sản xuất, cửa hàng và nông trại sẽ tiếp tục hoạt động thay vì đóng cửa nghỉ lễ suốt 7 ngày như mọi năm. Chính phủ Trung Quốc không cấm dân di chuyển vào kỳ nghỉ lễ, nhưng hoàn toàn không khuyến khích việc này. Nhiều thành phố yêu cầu người đến xuất trình giấy khám sức khoẻ cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, cả lúc đến lẫn lúc rời khỏi. 

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 8
Chính phủ Trung Quốc không cấm dân di chuyển vào kỳ nghỉ lễ, nhưng hoàn toàn không khuyến khích việc này. 

Thay vì xếp hàng mua sắm, người dân Bắc Kinh giờ đây phải xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 hàng loạt. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động đến nhiều ngành công nghiệp và cơ sở kinh doanh, từ hãng hàng không, đường sắt, nhà hàng, khách sạn đến cả các cửa hàng nhỏ lẻ bán đồ trang trí Tết.

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 9
Thay vì xếp hàng mua sắm, người dân Bắc Kinh giờ đây phải xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 hàng loạt.

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến bầu không khí Tết ở các nước châu Á, mà cộng đồng người gốc Á ở phương Tây cũng trải qua cảnh ngộ tương tự. Tại khu phố Tàu ở thành phố Vancouver (Canada), cuộc diễu hành lễ hội mùa xuân với sự tham gia của 3.000 người và thu hút hơn 100.000 khán giả sẽ phải huỷ bỏ vì lệnh cấm tụ tập. 

Tết năm nay với cộng đồng người châu Á ở Vancouver sẽ không có múa lân hay bắn pháo hoa trên đường phố, cũng chẳng có ban nhạc diễu hành. Theo Anabel Ho, Giám đốc nghệ thuật tại Học viện Khiêu vũ Vancouver (Vancouver Academy of Dance), các vũ công tại đây sẽ quay video biểu diễn trên các con phố và phát hành trực tuyến thay vì tham gia diễu hành. 

Năm mới đìu hiu chưa từng thấy ở các nước châu Á Ảnh 10
Tại khu phố Tàu ở thành phố Vancouver (Canada), cuộc diễu hành lễ hội mùa xuân với sự tham gia của 3.000 người và thu hút hơn 100.000 khán giả sẽ phải huỷ bỏ vì lệnh cấm tụ tập. 

Fred Kowk, Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Greater Vancouver, cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc "diễu hành online" hoàn chỉnh để phục vụ mọi người. Bên cạnh các màn biểu diễn năm nay, video sẽ được lồng ghép các cảnh quay của những năm trước để gợi cảm giác hoài niệm và mang đến niềm vui. 

Bên ngoài Trung tâm Aberdeen ở Richmond, nơi thường diễn ra các sự kiện mừng năm mới âm lịch, sân khấu và khung cảnh xung quanh vẫn được trang hoàng như thường lệ. Nhưng các màn biểu diễn sẽ không diễn ra trong tiếng hò reo của khán giả xem trực tiếp, mà được phát sóng trên Fairchild TV

Chia sẻ

Theo

Channel NewsAsia, Al Jazeera, Global News

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất