Vòng quanh Thế giới

Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng 'phi mã', vì đâu nên nỗi?

Theo Happyworthylife
Chia sẻ

Phản ứng trước COVID-19 của Mỹ thất bại vì họ không hiểu sự phức tạp của vấn đề.

Ngày 26/3 đánh dấu một cột mốc không vui với người Mỹ khi nước Mỹ chính thức trở thành quốc gia có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới.

Vị trí đầu bảng trước đây thuộc về Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát. Tính đến ngày 28/3, Mỹ ghi nhận hơn 120.000 ca nhiễm virus corona và tình hình được dự báo sẽ tiếp tục xấu đi.

Vào cuối tháng 2, Trung Quốc chạm mốc 80.000 ca nhiễm COVID-19 và dịch bệnh mới bùng phát tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Ý. Vào thời điểm đó, nước Mỹ trên bề mặt có vẻ yên tĩnh. Tính đến ngày 20/2, nước Mỹ ghi nhận chỉ có 15 ca nhiễm COVID-19 và tất cả đều là khách du lịch.

Sau đó, giới chức Mỹ bắt đầu nghiêm túc thực hiện các xét nghiệm và rồi số ca nhiễm bệnh cứ thế tăng lên mỗi ngày. Ngày 1/3, Mỹ ghi nhận 75 ca nhiễm COVID-19. Khoảng 6 ngày sau đó, con số này tăng lên tới 435 ca. Ngày 14/3, có 2.770 ca nhiễm bệnh và tới ngày 21/3, 24.192 bệnh nhân được xác nhận. Vậy tại sao Mỹ lại dẫn đầu ca nhiễm thế giới nhanh đến vậy?

Mật độ ca nhiễm COVID-19 trên khắp nước Mỹ cho thấy các bang phía đông bắc, trong đó trung tâm là New York, là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh. Đồ họa New York Times

Lãng phí thời gian chuẩn bị

Đến cuối tháng 1, Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại trên khắp cả nước. Thành phố Vũ Hán được đặt trong tình trạng phong tỏa. Các bệnh viện và các đơn vị tích cực quá tải vì số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt.

Trước tình hình này, Mỹ cấm nhập cảnh mọi công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc. Động thái này giúp trì hoãn đáng kể số người nhiễm bệnh ở Mỹ và giúp nước này có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn, theo ông Tom Frieden, cựu giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Tất cả phản ứng khác của chính phủ đều gây bối rối khủng khiếp“, ông Frieden nói. Mỹ đã lãng phí thời gian chuẩn bị để chống dịch bệnh.

Sự cắt giảm ngân sách của chính phủ và quản lý sai lầm đã làm giảm năng lực của nhiều cơ quan ứng phó khủng hoảng. CDC sau đó bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm để xác định virus corona chủng mới, nhưng họ đã gửi đến các phòng thí nghiệm sai thuốc thử. Những chỉ dẫn về kit xét nghiệm mới cũng được gửi đi nhỏ giọt.

Nhân viên y tế bang Indiana đưa một người có triệu chứng nhiễm virus corona đến bệnh viện.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã trì hoãn phê duyệt đơn xin tự phát triển xét nghiệm của nhiều phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu độc lập của dự án Nghiên cứu dịch cúm (Flu Study) ở thành phố Seattle thuộc bang Washington, nơi xảy ra đợt bùng phát dịch nghiêm trọng đầu tiên, đã yêu cầu tự thực hiện các xét nghiệm nhưng cũng bị từ chối.

Chúng tôi cảm thấy như đang chờ đợi một đại dịch bùng nổ. Chúng tôi có thể giúp sức nhưng không thể làm được gì“, ông Helen Chu, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Bó hẹp việc xét nghiệm

Chính phủ có các quy định hạn chế xét nghiệm đối với những người đã đến Trung Quốc hoặc những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm virus corona. Thiếu sót là những người đến từ vùng dịch khác như Hàn Quốc, Iran, Ý hoặc các quốc gia nơi phát hiện dịch bệnh lại không được xét nghiệm. Nỗ lực nhận diện virus lây lan tại Mỹ đã trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.

Nhiều ý kiến giải thích rằng, vào thời điểm Mỹ ghi nhận một số ca nhiễm COVID-19, căn bệnh này đã thực sự bắt đầu nghiêm trọng nhưng không được phát hiện.

Nhân viên y tế bang Connecticut đang quét vòm họng để lấy mẫu bệnh phẩm tại một trạm xét nghiệm lưu động.

Thông điệp ru ngủ

Bằng cách so sánh mẫu di truyền của một bệnh nhân, nhà virus học Trevor Bradford ước tính rằng dịch COVID-19 đã bắt đầu lan rộng ở tiểu bang Washington từ giữa tháng 1. Đến cuối tháng 2, virus lây lan đến một viện dưỡng lão và xuất hiện ca tử vong.

Dù vậy, các quan chức chính phủ, một phần lớn phương tiện truyền thông và một số chuyên gia trấn an người dân Mỹ rằng họ không có gì phải sợ. Các quan chức y tế Mỹ vẫn lặp đi lặp lại thông điệp chưa có sự lây nhiễm virus trong cộng đồng.

Giám đốc của Viện Y tế Quốc gia Anthony Fauci sau đó nhận định nguy cơ nhiễm virus corona ở Mỹ chỉ ở mức thấp. Ngày 17/2, ông tập trung vào việc cảnh báo người dân về nguy cơ tử vong ở trẻ em do cúm mùa đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Thông điệp ru ngủ lan rộng không chỉ từ ông Trump và khán giả của ông ấy mà còn ở trên các phương tiện truyền thông Mỹ, khuyến khích người dân nên lo lắng về cúm mùa nhiều hơn và cảnh báo mọi người không nên phản ứng thái quá“, ông Zeynep Tufekci, một chuyên gia khoa học thông tin tại Đại học Bắc Carolina, nói.

Các phát ngôn từ chính phủ Mỹ đã giảm nhẹ nguy cơ lây nhiễm cộng đồng khiến người dân không phòng vệ và virus lây lan.

Chính vì vậy, người dân Mỹ nhận thức được rằng tình hình vẫn không đáng lo ngại. Họ tin vào lời trấn an từ các chuyên gia y tế cộng đồng và nghĩ rằng số ca nhiễm thấp là phản ánh đúng thực tế.

Điều này cho phép virus lây lan, cho đến khi quy mô quá lớn và không thể tiếp tục làm ngơ. Đó cũng là lúc dịch bệnh đã lan rộng đến mức không thể ngăn chặn nếu Mỹ không thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, kéo theo sự đánh đổi nghiêm trọng về kinh tế. Rõ ràng, sự quản lý sai lầm trong tháng 2 đã dẫn đến thảm họa.

Phản ứng chậm chạp

Trong khi chính phủ đang phớt lờ dịch bệnh, có một số dấu hiệu từ một vài quốc gia khác cho thấy dịch bệnh này “cập bến” tại Mỹ. Tuy nhiên, những người hiểu rõ tình hình lại hiếm khi lên tiếng. Một số ít công khai cảnh báo lại vấp phải bình luận là phản ứng thái quá, bởi lẽ người dân tin vào lời trấn an của chính phủ và cơ quan y tế.

Đến tháng 3, mọi thứ trở nên rõ ràng tới mức không thể ngó lơ được nữa. Sự lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận ở nhiều thành phố nhưng phản ứng của chính phủ vẫn rất chậm chạp.

FDA vẫn không khẩn trương cho phép các phòng thí nghiệm tiến hành thử nghiệm độc lập. Ngay cả các quy định xét nghiệm vẫn được thắt chặt, khiến một số cơ sở phải tự hủy các mẫu đã thu được. Mức xét nghiệm của Mỹ đã cải thiện nhưng tại thời điểm đó, virus đang tăng tốc độ lây lan.

Số ca nhiễm bệnh tăng vọt ở Mỹ trong tháng qua, từ 10.000 đã vượt qua 80.000 chỉ sau 7 ngày.
Đồ họa New York Times

Lần lượt chính quyền cấp hạt và tiểu bang quyết định đóng cửa các trường học, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kêu gọi người dân nên hạn chế tiếp xúc xã hội hoặc tiến hành phong tỏa. Mọi thứ diễn ra vội vàng khi lãnh đạo địa phương không có đủ dữ liệu nghiên cứu trong tay vì thử nghiệm quá ít.

Ý đã đóng cửa tất cả các trường học vào ngày 4/3 và phong tỏa toàn quốc vào thời điểm nước này ghi nhận ít hơn 10.000 ca nhiễm bệnh. Trong khi đó, Mỹ lần lượt vượt qua các mốc 10.000 ca (ngày 19/3), 20.000 ca (ngày 21/3) và 50.000 ca (ngày 24/3) mà không có bất kỳ luật hạn chế đi lại nào được ban hành trên phạm vi toàn quốc.

Một số quan chức địa phương và cấp bang như Thị trưởng London Breed của thành phố San Francisco, bang California và Thống đốc Mike DeWine của bang Ohio, đã chọn đi theo con đường riêng, thực hiện các biện pháp quyết liệt từ sớm để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Một số lãnh đạo địa phương, chẳng hạn như Phó Thống đốc bang Texas Dan Patrick, lại không muốn gây thiệt hại kinh tế. Ông Patrick lập luận: Nếu một người được hỏi “liệu bạn có muốn đánh đổi cơ hội sống sót của mình để giữ nước Mỹ mà mọi người yêu quý cho con cháu của bạn hay không?”, thì mọi ông bà trên cả nước sẽ chấp nhận rủi ro và để virus lây lan.

Tuyên bố của ông Patrick đã bị chỉ trích là thiếu thấu đáo. Các biện pháp phong tỏa có thể có tác động kinh tế, nhưng cái chết của hàng ngàn người Mỹ và hệ thống y tế quá tải, sức khỏe người dân suy giảm cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế không hề kém cạnh.

Người dân New York xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Elmhurst.

Khi đẩy mạnh xét nghiệm và phát hiện số ca nhiễm bệnh ở New York đã vượt ngoài tầm kiểm soát, Thống đốc Andrew Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio còn công khai tranh luận về biện pháp cấm người dân ra đường, tương tự như chính sách sớm vào khu vực vịnh California.

Trong khi các nhà dịch tễ học kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc xã hội thì sự quản lý sai lầm và truyền thông điệp mơ hồ từ các chính trị gia, cùng với việc hạn chế xét nghiệm, đã làm giảm nhận thức của người dân.

Gần đây, Mỹ đã có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dịch COVID-19. Các trường học ở nhiều nơi bị đóng cửa. Biện pháp này được áp dụng cho cả nhà hàng và quán bar. California, với hơn 40 triệu người và chiếm 1/5 GDP của quốc gia, đã sớm yêu cầu người dân ở trong nhà. Có 19 tiểu bang khác ở Mỹ cũng làm theo mô hình ở Bờ Tây.

Thực tế là Mỹ đã phản ứng chậm và các biện pháp hiện tại có nguy cơ không thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Vẫn chưa thể đảm bảo rằng các biện pháp hiện tại là đủ để giải quyết tình trạng ở New York, New Orleans và Atlanta, nơi đang thiếu trầm trọng về số giường chăm sóc đặc biệt. Do đó, sự nỗ lực ứng phó sẽ tiếp tục leo thang trong cuộc chiến với virus corona, tạo nên gánh nặng lớn hơn cho kinh tế.

Một khởi đầu sai lầm từ hơn 1 tháng trước đã khiến Mỹ gặp bất lợi trong giai đoạn tiếp theo của trận chiến với virus corona. Tháng 3 đã gần kết thúc và Mỹ vẫn ở trong tư thế phòng thủ, còn virus tiếp tục tấn công với số lượng tăng lên từng giờ.

Chia sẻ

Theo

Happyworthylife

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất