Vòng quanh Thế giới

Vì sao hình xăm gắn liền với yakuza trong văn hóa Nhật Bản?

Theo BBC
Chia sẻ

Bạn nghĩ gì khi có người cứ nhìn chằm chằm vào hình xăm chú voi trên mắt cá chân mình khi dạo quanh các con phố Nhật Bản? Chà, rất có thể trong mắt họ, bạn chính là một thành viên của đội ngũ yakuza "làm mưa làm gió" khắp xứ sở hoa anh đào đấy!

Các cầu thủ và “fan cứng” thể thao đang chuẩn bị “tiến quân” đến Nhật Bản vào mùa giải Rugby World Cup hãy nhớ che đi hình xăm trên người - đó là hành động thể hiện sự tôn trọng với người dân bản xứ. Từ bao lâu nay, trong quan niệm của người Nhật, hình xăm là biểu tượng gắn liền với “thế lực đen tối” yakuza đã hoành hành khắp đất nước này hàng trăm năm.

“Có vài người cho rằng việc bắt buộc che hình xăm thật phiền phức, số khác lại dễ tính hơn. Nhưng chung quy, chúng vẫn nên được ẩn giấu”, Anton Kusters, một nghệ sĩ thị giác từng dành 2 năm (2009 - 2011) để nghiên cứu về hình xăm trong giới mafia Nhật Bản, cho biết. Chia sẻ thêm về quãng thời gian đó, anh hào hứng nói: “Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị”.

Yakuza là gì?

Đây là tên gọi chung của băng nhóm xã hội đen ở Nhật, chuyên tổ chức các hoạt động mại dâm, bài bạc có quy mô và kinh doanh bất hợp pháp. “Họ xuất thân từ dân cờ bạc và những thương gia đường phố, cùng quy tụ với nhau để giữ lại cái gọi là bản sắc kiêu hùng của Nhật Bản xưa”, Anton nói.

Mặc dù thường xuyên tống tiền các chính trị gia, doanh nghiệp và thương nhân, song một số “ông trùm” yakuza có máu mặt lại nhất quyết không chịu nhúng tay vào việc buôn lậu ma túy. “Mỗi hành động của họ đều có lý do”, anh tiếp lời.

Qua thời gian chung sống cùng một nhóm yakuza, Anton dần phát hiện ranh giới thiện - ác trong họ không rạch ròi như người ngoài vẫn nghĩ. “Vào những lúc tăm tối nhất của đất nước, họ sẵn sàng đứng ra giúp đỡ. Chẳng hạn như sau cơn sóng thần, các yakuza là một trong những người đầu tiên chạy đến hiện trường để hỗ trợ mọi người. Thế nhưng khi sóng yên biển lặng, họ lại phạm tội như thường”. Anh cho rằng đây chính là yếu tố then chốt giúp yakuza tồn tại bền vững trong xã hội Nhật Bản.

Vậy hình xăm thì liên quan gì đến yakuza?

“Hình xăm rất quan trọng đối với các thành viên yakuza”, Anton khẳng định. Trái với các băng đảng Trung và Bắc Mỹ, nơi các “anh em” trong cùng một nhóm mafia phải xăm hình ảnh biểu trưng cho băng đảng của mình, hình xăm của yakuza thiên về đời sống cá nhân nhiều hơn. Đây có thể là một kỷ niệm quan trọng, hoặc một biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt trong đời người đó, góp phần thể hiện cá tính riêng biệt của từng người.

Diện tích hình xăm có thể bao phủ gần như toàn bộ cơ thể, trải dài từ lưng xuống mông, thậm chí cả cánh tay và chân. Tuy nhiên, vì nỗi ám ảnh của người dân Nhật đối với hình xăm vẫn còn quá lớn, họ thường giới hạn độ dài họa tiết ở trên khuỷu tay và đầu gối.

“Người trực tiếp cung cấp tư liệu cho tôi là một chàng trai có cuộc đời sóng gió triền miên, vượt qua rất nhiều tình thế hiểm nghèo mới sống được đến ngày hôm nay. Vì thế, cậu ấy xăm lên người hình cá chép Koi bơi ngược dòng, biểu thị ý chí kiên cường và sức mạnh chống lại nghịch cảnh. Đó là biểu tượng đặc trưng cho cá tính và con người cậu ấy”, Anton chia sẻ.

Anh cho biết yakuza thường hẹn gặp nhau trong nhà tắm công cộng, bởi trong tình trạng khỏa thân, họ có thể dễ dàng xác định người mình muốn tìm thông qua hình xăm trên cơ thể. Một lý do khác là vì vấn đề an toàn. Khi tất cả đều không mặc quần áo, họ có thể yên tâm rằng không ai trong số những người có mặt đang âm mưu “thanh toán” nhau bằng cách mang vũ khí theo bên mình.

Không phải yakuza lão làng nào cũng có hình xăm

“Phải để sư phụ xăm hình xác định xem người đó có tư cách được ghi dấu ấn lên người không đã”, Anton nói. Nếu được chấp thuận, một yakuza sẽ phải lui tới chỗ thợ xăm hàng tuần trong gần 1 năm trời để hoàn thành tác phẩm, tổng chi phí có thể lên đến 10.000 £ (hơn 290 triệu VND). Điều kiện được xăm hình cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp băng đảng thu hút nhiều thành viên trẻ tuổi hơn.

“Nhóm thanh thiếu niên 16 - 17 tuổi lang thang trên đường phố Nhật Bản mê mẩn lối sống của yakuza, bởi nó có vẻ bất cần và 'ngầu' cực kỳ”, anh nhận xét. “Sở hữu một hình xăm trên người dần trở thành mục tiêu của họ. Và lúc ấy, các 'đàn anh' chỉ việc quăng một xấp tiền ra và bảo 'Để anh trả, chú mày cứ đi xăm đi'. Thế là băng đảng lại kết nạp thành viên mới”.

Sở dĩ chi phí xăm hình ở Nhật đắt đỏ là vì các tay thợ ở đây có khi phải mất mấy chục năm “tầm sư học đạo” mới được công nhận là lành nghề. Thêm vào đó, họ hoàn thành tác phẩm nghệ thuật trên người khách chỉ bằng đôi bàn tay chứ không hề sử dụng máy móc.

“Người thợ dùng một thanh gỗ tốt có 4 cây kim ở đầu để xăm thủ công, tốc độ đâm xuống khoảng 2 cái/s. Thỉnh thoảng họ cũng thay đổi góc độ cho phù hợp với tình trạng da dẻ và độ mỡ trên người khách. Họ vẫn ký lên hình xăm, nhưng lại dùng tên của sư phụ. Truyền thống này cứ tiếp diễn như thế”.

“Thể hiện sự tôn trọng”

Anton cho biết yakuza rất chú ý che đậy hình xăm ở nơi công cộng, bởi họ ý thức được rằng mọi người rất kiêng dè thứ này: “Họ biết rất rõ điều đó, vì chính họ là người tạo nên nỗi ám ảnh của người dân Nhật Bản đối với hình xăm”.

Song, người phương Tây có hình xăm vẫn có thể đi lại thoải mái trên đường phố Nhật, miễn là họ mặc áo dài tay và tuân theo các quy tắc khi vào nhà tắm công cộng. “Ngày trước, các chủ nhà tắm không dám nói thẳng 'Chúng tôi không muốn yakuza tụ họp ở đây và dọa các khách khác chạy mất'. Thay vào đó, họ sẽ mập mờ rằng 'Chúng tôi không tiếp khách có hình xăm', vì thuở ấy chỉ yakuza mới xăm mình”, anh nói.

Du khách có thể mặc áo phông trong nhà tắm để che đi hình xăm trên cơ thể. Đây là phương pháp được đội bóng bầu dục đến từ New Zealand, Samoa và Wales nhiệt liệt đề cử. “Dù không hoàn toàn che kín hình xăm sau lớp áo, hành động này cũng cho người Nhật biết rằng bạn thật sự tôn trọng và không muốn khiến họ hoang mang. Đây là lối cư xử cực kỳ văn minh và lịch sự”, Anton khẳng định.

Chia sẻ

Theo

BBC

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất