Vòng quanh Thế giới

Phát hiện nước trong khí quyển của 'siêu Trái Đất', nơi có thể tồn tại sự sống

Theo Dailymail
Chia sẻ

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hơi nước trong khí quyển của một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm nơi có sự sống khác ngoài Trái Đất.

K2-18b, còn gọi là “siêu Trái Đất”, cách con người 110 năm ánh sáng, ước tính có kích thước gấp đôi và khối lượng lớn gấp 8 lần hành tinh của chúng ta. Theo các nhà khoa học tại Đại học College London, nơi này cũng có bầu khí quyển và nhiệt độ cần thiết cho sự sống.

K2-18b dưới sự phác thảo của chuyên gia.

“Siêu Trái Đất” cũng gần hành tinh chủ của nó hơn là Trái Đất so với Mặt trời, do đó, hành tinh này chỉ mất 33 ngày để hoàn thành quỹ đạo của nó thay vì 365 ngày. K2-18b được tàu vũ trụ Kepler của NASA phát hiện từ năm 2015, song đến nay, các nhà khoa học mới khám phá thêm nhiều điều thú vị về hành tinh ngoài hệ mặt trời này.

Khoảng cách quá xa không cho phép giới khoa học quan sát cận cảnh K2-18b, nhưng nhờ việc phân tích dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Hubble, họ đã xác định được cơ chế lọc ánh sáng qua bầu khí quyển của nó.

Thông tin về K2-18b.

“Tính đến nay, chúng ta chỉ biết đây là hành tinh duy nhất ngoài hệ mặt trời có nhiệt độ thích hợp, bầu khí quyển và nước”, Tiến sĩ Angelos Tsiara, tác giả của nghiên cứu, cho biết. Sự hiện diện của hơi nước trong bầu khí quyển “siêu Trái Đất” cho thấy bề mặt của hành tinh này rất có thể được phủ đầy đá hoặc băng.

Hầu hết các ngoại hành tinh tương tự đều là hành tinh khí khổng lồ, chẳng hạn như Sao Mộc và Sao Thổ. Do đó, K2-18b đã mang đến cơ hội nghiên cứu những hành tinh nhỏ hơn, bề mặt nhiều đá băng hơn cho các nhà khoa học.

Các nhà khoa học trông chờ công nghệ hiện đại hơn để tiếp tục nghiên cứu.

“Dĩ nhiên K2-18b không phải là ‘Trái Đất phiên bản 2.0’”, Tiến sĩ Tsiara bổ sung. “Vì kích thước của nó lớn hơn rất nhiều, thành phần khí quyển cũng khác nhau, lại xoay quanh hành tinh chủ khác không phải Mặt trời. Tìm kiếm các hành tinh có thể ở được là một việc rất thú vị, song nó luôn nhắc nhở chúng ta rằng Trái Đất là mái nhà duy nhất của con người, chúng ta sẽ không dọn đi đâu cả”.

Hy vọng của họ gửi gắm vào kính viễn vọng không gian James Webb.

Mặc dù hành tinh này thuộc khu vực có thể sống được, các nhà khoa học cho biết vẫn chưa có cách nào để xác thực liệu nó có dấu hiệu của sự sống hay không. Các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi K2-18b để làm sáng tỏ vấn đề trên, đồng thời xác định lượng nước mà hành tinh này sở hữu. Theo ước tính, lượng nước tối thiểu có thể chạm đáy 0,01%, tối đa lên đến 50%. Trong khi đó, khoảng 71% bề mặt Trái Đất được bao phủ trong nước.

Tiến sĩ Ingo Waldmann, đồng tác giả của nghiên cứu, nói thêm: “Chúng tôi không nắm rõ có bao nhiêu nước tồn tại trên K2-18b. Tuy nhiên, rõ ràng là có bầu không khí và nước ở đó”. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, nhóm nghiên cứu cho rằng K2-18b không phải là hành tinh duy nhất thuộc nhóm có khả năng tồn tại sự sống. Trong tương lai, họ sẽ tận dụng công nghệ hiện đại như kính viễn vọng không gian James Webb - dự kiến ra mắt vào tháng 3/2021 - để khám phá thêm nhiều bí mật ẩn giấu ngoài hành tinh của chúng ta.

Chia sẻ

Theo

Dailymail

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất