Vòng quanh Thế giới

Ông Kim và Trump sắp ăn tối cùng nhau, hãy xem nghệ thuật ngoại giao ẩm thực định hình chính trị

Phương An
Chia sẻ

Tối nay (27/2), Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ cùng nhau tham dự bữa ăn tối, sau khi hai nhà lãnh đạo có buổi nói chuyện riêng kéo dài khoảng 20 phút. 

Các nhà lãnh đạo và chính trị gia thế giới thường rất bận rộn và dành nhiều thời gian để đàm phán những tình huống khó khăn, thậm chí họ còn bị mất ngủ trong vài đêm. Tuy nhiên, các nguyên thủ quốc gia cũng giống như chúng ta, cũng cần được ăn uống để nạp năng lượng.

Thế nhưng, trong các sự kiện, đặc biệt là những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, vai trò của bữa ăn đã được nâng lên rất nhiều, bởi đây cũng là một “công cụ ngoại giao” trong việc thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa các nước. Vì vậy, trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cũng sẽ cùng nhau tham dự bữa ăn tối với các phụ tá trong vòng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ vào ngày 27/2, sau khi hai nhà lãnh đạo có buổi nói chuyện riêng kéo dài khoảng 20 phút.

Thực đơn trên bàn tiệc của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore

Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 được tổ chức tại Singapore vào tháng 6/2018, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng nhau ăn trưa tại khách sạn Capella. Những món ăn kết hợp giữa hương vị phương Đông và phương Tây, được chuẩn bị rất công phu và có sự nghiên cứu trước về sở thích ăn uống của hai nhà lãnh đạo.

Ông Kim và ông Trump trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore.

Các món ăn được phục vụ bao gồm cocktail tôm và salad bơ, salad xoài xanh trộn sốt chanh mật ong mang hương vị của khu vực Đông Nam Á, được ăn cùng bạch tuộc tươi. Ngoài ra, thực đơn còn có dưa chuột nhồi Oiseon, món ăn truyền thống của Triều Tiên.

Các món chính gồm dải sườn bò sốt vang, khoai tây và súp lơ luộc, thịt lợn chua ngọt ăn cùng cơm rang và nước sốt cay, kết hợp với món cá tuyết om đậu nành cùng rau củ (Daegu jorim). Về phần tráng miệng, hai nhà lãnh đạo cùng các quan chức được thưởng thức bánh sô cô la đen, kem vani Haagen Daaz.

Bữa trưa tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore.

Ngoài ra, do Hội nghị thượng đỉnh lần 1 được tổ chức gần ngày sinh nhật của Tổng thống Trump nên Bộ Ngoại giao Singapore đã chuẩn bị cho ông Trump một chiếc bánh sinh nhật với đường viền trang trí mạ vàng trong bữa trưa ngày hôm đó.

Ẩm thực: Công cụ ngoại giao lâu đời nhất

Ẩm thực có tầm quan trọng rất lớn trong các buổi đàm phán. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói rằng ẩm thực là “công cụ ngoại giao cổ xưa nhất” trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Nó là con dao hai lưỡi, tuy có thể mang lại những hiệu quả tích cực nhưng cũng không ít lần đi kèm với rủi ro.

Chẳng hạn như trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều diễn ra vào tháng 4/2018, thực đơn mà Tổng thống thống Hàn Quốc Moon Jae-in thết đãi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng ẩn chứa nhiều thông điệp và gây ra nhiều tranh cãi. Tuy các món ăn chủ yếu đều chỉ ra nét tương đồng về hai nước và hướng tới thông điệp về hi vọng một tương lai hòa bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên, nhưng món bánh mousse xoài tráng miệng mà Hàn Quốc chuẩn bị lại nhận được phản ứng gay gắt từ đất nước thứ 3 - Nhật Bản.

Món tráng miệng gây tranh cãi tại Hội nghị liên Triều.

Theo đó, món bánh này có in bản đồ bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm cả hòn đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật. Trong khi đó, đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản và Hàn Quốc tranh cãi về quần đảo Dokdo.

Bên cạnh đó, chuyên gia Maria Velez de Berliner cho rằng “ẩm thực là công cụ cực kỳ quan trọng và ai có quyền kiểm soát với đồ ăn thì người có quyền kiểm soát căn phòng hội nghị”. Điều này dường như chính xác với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Theo đó, trong cuộc họp Hội đồng châu Âu năm 1979, Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing đã đề xuất tạm dừng phiên họp để dùng bữa, nhưng yêu cầu này bị bà Thatcher từ chối. Cuối cùng, ông Giscard đã rút lại đề nghị và đồng thuận với các đề xuất của bà Thatcher sau đó, khi phiên họp kéo dài về đêm.

Hay trong mắt bà Mendelson-Forman, ẩm thực ngoại giao có khả năng phá vỡ những rào cản và giới hạn, thức ăn làm cho con người trở nên nhân văn hơn và một góc độ nào đó có thể “cảm hóa” được đối thủ trên bàn đàm phán. Điều này đã “ứng nghiệm” trong buổi đàm tháng giữa Mỹ và Iran về tình hình hạt nhân Iran năm 2015.

Phái đoàn Mỹ và Iran trong một phiên họp thương lượng về vấn đề hạt nhân năm 2015.

Theo đó, sự kiện này kéo dài suốt 20 tháng và có những lúc hai bên căng thẳng tới mức cuộc thương lượng tưởng chừng đã thất bại ít nhất 5 lần. Các nhà đàm phán thường dùng bữa riêng rẽ, nhưng trong ngày quốc khánh Mỹ (ngày 4/7), phía Iran đã mời các nhà đàm phán Mỹ cùng dùng món bánh mì và không đề cập tới công việc trên bàn ăn.

Không khí hai bên lúc này đã hạ nhiệt rất nhiều và sau đó 10 ngày, thỏa thuận đã được 2 bên thông qua. Chuyên gia 2 bên đều nhận định rằng điều này là nhờ một phần vào bữa ăn 2 bên đã cùng dùng với nhau.

Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin mới nhất