Vòng quanh Thế giới

Lý giải bất ngờ phía sau bức ảnh khỉ đột đứng selfie như người gây bão cộng đồng mạng

Phương An
Chia sẻ

Các chuyên gia cho biết, việc khỉ đột đứng thẳng lưng như người là chuyện bình thường vì các loài linh trưởng thường sử dụng tư thế này để làm nhiều việc khác nhau chẳng hạn như hái quả, lội nước hoặc thể hiện sự thống trị.

Trong thời gian gần đây, 2 con khỉ đột tại công viên quốc gia Virunga, Congo, đã gây bão mạng xã hội sau khi một bức ảnh của chúng chụp cùng kiểm lâm được đăng tải. Trái với nhiều động vật linh trưởng khác thường tránh xa khi nhìn thấy ánh đèn flash thì đôi khỉ đột này lại vô cùng thân thiện, tạo dáng chụp ảnh cùng anh kiểm lâm. Khi chiếc điện thoại giơ lên, hai con khỉ đột này đứng thẳng như người, một con tay đặt sát người trông rất sang trọng, trong khi con còn lại e thẹn ló đầu duyên dáng.

Khỉ đột đứng thẳng lưng như người có phải là chuyện lạ?

Bức ảnh nhanh chóng lan tỏa đi khắp thế giới nhưng bên cạnh sự thích thú với biểu cảm của 2 con khỉ đột, nhiều người cũng tự đặt câu hỏi rằng tại sao chúng lại có thể đứng thẳng lưng như người. Theo ông Innocent Mburanumwe, phó giám đốc Công viên quốc gia Virunga, hai con khỉ đột trong ảnh tên là Ndakazi và Ndeze. Do chúng là những con khỉ mồ côi, sống với con người từ nhỏ nên chúng đã học cách mô phỏng lại hành vi của con người.

Hai nàng khỉ đột Ndakazi và Ndeze gây sốt MXH sau khi đứng thẳng như người để selfie cùng kiểm lâm.

Các loài linh trưởng thường không đứng như vậy, thỉnh thoảng khi tò mò và muốn quan sát chúng mới đứng lên thôi. Chúng lớn lên bên cạnh con người nên mới bắt chước những hành vi như vậy“, ông Mburanumwe nói. Bên cạnh đó, phía Công viên quốc gia Virunga cũng cho biết không có gì phải ngạc nhiên khi thấy 2 con khỉ đột đứng thẳng lưng như vậy, bởi hầu hết các loài linh trưởng đều cảm thấy thoải mái khi đứng thẳng trong một thời gian ngắn.

Không chỉ phía công viên quốc gia Virunga, các chuyên gia cũng đồng tình về việc này. Cô Roberta Salmi, giám đốc phòng thí nghiệm hành vi linh trưởng tại Đại học Georgia (Mỹ) cho biết, trong thế giới tự nhiên, các loài linh trưởng cũng thường sử dụng tư thế này để làm nhiều việc khác nhau chẳng hạn như hái quả, lội nước hoặc thể hiện sự thống trị.

Cụ thể, một con khỉ đột lưng bạc có thể đứng thẳng dậy, đấm tay vào ngực để thể hiện sự hung dữ với một con đực khác. Tuy nhiên, theo cô Salmi, cô chưa từng thấy một con khỉ đột nào ngoài tự nhiên lại có thể đứng thẳng lưng chỉ để quan sát như hai nàng khỉ trên.

Các loài linh trưởng thường bắt chước những người chăm sóc chúng mỗi ngày.

Frans de Waal, giáo sư linh trưởng học tại Đại học Emory cũng nói rằng, động vật có xu hướng bắt chước những người chăm sóc chúng mỗi ngày từ biểu cảm trên khuôn mặt cho tới tư thế. Thậm chí, các loài linh trưởng có khả năng làm nhiều hơn như vậy vì kết cấu cơ thể chúng khá tương đồng với loài người. “Các nhà nhân chủng học thường nói quá khả năng đi lại bằng 2 chân của con người nhưng việc này thực sự không khó chút nào với loài vượn“, ông Frans nói thêm.

Tại sao khỉ đột lại muốn bắt chước con người?

Nhiều thập kỷ trước, chú khỉ đột nổi tiếng tên KoKo đã giúp con người nhận ra các loài linh trưởng có thể kết nối và giao tiếp với con người như thế nào. KoKo dường như có thể học được “ngôn ngữ cử chỉ Gorilla” hay còn gọi tắt là GSL. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu đã tranh cãi về việc các loài linh trưởng có thực sự hiểu được ngôn ngữ này hay không hay chỉ đơn giản là bắt chước con người.

Giáo sư Frans cho biết, lý do khỉ đột bắt chước hành vi của con người không phải là vì chúng nghĩ đó là thú vui mà là chúng xác định được ai là người chăm sóc chúng. “Các loài linh trưởng có khả năng bắt chước theo bản năng và chúng thường bắt chước chính cha mẹ của mình. Việc bắt chước giúp chúng trở nên gắn bó hơn trong cộng đồng“, giáo sư Frans nói.

Chia sẻ với BBC Newsday, ông Mburanumwe cho biết Ndakazi và Ndeze được đưa đến công viên quốc gia Virunga vào mùa hè năm 2007, sau khi cha mẹ của chúng bị giết bởi những kẻ săn trộm. Vào thời điểm đó, một con khỉ đột mới được 2 tháng tuổi và con còn lại được 4 tháng tuổi. Kể từ đó, hai con vượn được các kiểm lâm nuôi dưỡng nên có thể chúng nghĩ rằng các kiểm lâm chính là cha mẹ của mình.

Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin mới nhất