Vòng quanh Thế giới

Bí ẩn xung quanh Vạn Lý Trường Thành

Theo Chinatravellers, Gbtimes
Chia sẻ

Nhiều câu chuyện và truyền thuyết thú vị gắn liền với Vạn Lý Trường Thành là một trong những lý do thu hút nhiều du khách tới tham quan tường thành dài nhất thế giới.

Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc với tổng chiều dài 8.850 km. Nó được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, với mục đích bảo vệ Đế quốc Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk và những bộ tộc du mục khác.

Được biết đến như một kiệt tác về kiến ​​trúc và xây dựng, tuy vậy, từ lâu, kỳ quan này lại gắn liền với khá nhiều truyền thuyết bí ẩn.

Nàng Mạnh Khương Nữ khóc trường thành

Câu chuyện về nàng Mạnh Khương Nữ là truyền thuyết dân gian rất nổi tiếng của Trung Quốc. Nàng là một “hồng nhan bạc phận” dưới thời nhà Tần (221 TCN - 206 TCN). Ngay trong đêm tân hôn của mình, chồng Mạnh Khương Nữ bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Đến mùa đông, nàng đan áo rồi lặn lội đường xa tìm chồng.

Nàng men theo khắp chiều dài của Vạn Lý Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin rằng phu quân bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước mắt hòa lẫn máu. Tiếng khóc của nàng vang xa 800 dặm trường thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Sau khi an táng cho phu quân, nàng liền nhảy xuống biển tự vẫn.

Tượng Mạnh Khương Nữ tại quận Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Baidu

Trên thực tế, Mạnh Khương không phải họ Mạnh mà mang họ Khương, đây chỉ là một cách đặt tên phổ biến thời Tiên Tần. Truyền thuyết này rất nổi tiếng ở Trung Quốc, nó còn được biên soạn trong sách giáo khoa, các bài hát dân ca hay kinh kịch.

Truyền thuyết về 99.999 viên gạch

Gia Dục quan là một cửa ải ở cực tây của Vạn Lý Trường Thành, gần trung tâm đô thị của thành phố Gia Dục Quan tại tỉnh Cam Túc. Một truyền thuyết nổi tiếng kể lại tỉ mỉ kế hoạch xây dựng cửa ải này, có liên quan tới một người thợ tên Yi Kaizhan sống tại triều Minh (1368 TCN - 1644 TCN). Ông là một người thông thạo về số học. Ông ước tính sẽ cần chính xác 99.999 gạch để xây dựng Gia Dục quan.

Viên gạch thứ 100.000 vẫn ở yên vị trí “thần linh” đặt. Ảnh: Baidu

Người giám sát không tin ông và nói nếu có sai sót, dù chỉ một viên gạch, thì tất cả thợ xây sẽ phải làm việc không ngày nghỉ trong suốt 3 năm. Sau khi hoàn thành dự án, người giám sát vui mừng khi phát hiện một viên gạch bị sót lại. Tuy nhiên, Yi Kaizhan khẳng định viên gạch là do thần linh đặt để cố thủ thành, chỉ cần một động tác nhỏ cũng sẽ khiến Gia Dục quan sụp đổ. Quả nhiên, không một ai dám động tay tới viên gạch cho tới tận ngày nay.

Truyền thuyết về nàng Bao Tự đốt đài Ly Sơn

Truyền thuyết này xảy ra dưới triều đại Tây Chu (thế kỷ 11 TCN - 711 TCN). Khi đó, một mỹ nữ trong thiên hạ là Bao Tự, hết lòng được Chu U vương sủng ái, tuy vậy, nàng lại không bao giờ cười. Sau nhiều lần cố gắng không thành, Quắc công Thạch Phủ tâu với vua là mình có cách làm cho nàng cười. Ông ta khuyên Chu U vương đốt lửa cho chư hầu đến.

Quân chư hầu những nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có giặc, bèn hớt hải mang quân đến cứu. Tuy vậy, khi đến kinh thành và phát hiện Chu U vương chỉ đốt lửa cho “vui”, các chư hầu vừa hậm hực vừa xấu hổ, cuốn cờ dẹp trống, thất thểu ra về. Bao Tự ở trên đài trông thấy bật tiếng cười lớn. U Vương thấy vậy, nên một thời gian sau lại sai người đốt lửa, lừa các chư hầu.

Nàng Bao tự khiến Chu U vương phải phóng hỏa đài Ly Sơn. Ảnh: Baidu

Sau khi phế truất Thân hậu cùng với con của bà là Thái tử Nghi Cữu, lập Bao Tự làm Vương hậu. Cha Thân hậu đem lòng hận Chu U Vương, liên hệ với quân Khuyển Nhung bên ngoài kéo vào đánh úp kinh đô. Lúc này, Chu U vương vội cho đốt lửa hiệu triệu chư hầu tới cứu, nhưng các chư hầu bị lừa vài lần nên tưởng vua đùa, không tới nữa.

Chu U vương đem Bao Tự và con nhỏ bỏ chạy, nhưng bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Riêng Bao Tự bị vua Khuyển Nhung bắt về cung để mua vui. Một thời gian sau cũng thắt cổ tự vẫn.

Tiếng chim hót trong Trường Thành

Tương truyền, có một cặp chim ưng xây dựng tổ bên trong bức tường ở Vạn Lý Trường Thành. Cứ mỗi sáng, con chim đực bay đi tìm thức ăn và tối quay về tổ. Một ngày nọ, con chim đực không thể trở về tổ do cánh cổng thành đã sớm đóng lại. Cố gắng tìm cách về nhà, chú chim lao thẳng vào tường và chết ngay sau đó.

Tiếng hót của con chim cái mãi còn lại bên Trường Thành. Ảnh minh họa

Con chim cái thấy chim đực chết, buồn bã mà qua đời. Tuy vậy, linh hồn của nó vẫn ẩn lại bên trong bức tường. Bất cứ khi nào có người gõ vào bức tường cũng có thể nghe được tiếng chim hót.

Theo quan niệm của người Trung Quốc cổ đại, tiếng chim hót là âm thanh tốt. Vì vậy, phụ nữ thời đó thường tới đây, chạm vào bức tường và cầu nguyện bình an cho phu quân ngoài chiến trường. Điều này sau đó dần trở thành một thói quen, ngay cả những người lính cũng tới và gõ lên tường đá, hy vọng có thể bảo toàn tính mạng trở về nhà.

Chia sẻ

Theo

Chinatravellers, Gbtimes

Tin mới nhất