Vòng quanh Thế giới

Bên trong trại cai nghiện Internet ở Hàn Quốc: Nơi điện thoại là chất cấm, cách ly với 'like, comment' ảo

Theo BBC
Chia sẻ

Các hoạt động thể chất và trí não bên trong trại cai nghiện Internet ở Hàn Quốc có mục đích giúp người trẻ cảm thấy thư giãn và vui vẻ, thay vì được nhiều like và comment.

Nghiện Internet

Hàn Quốc là quốc gia có tỉ lệ người nghiện Internet rất cao.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển công nghệ thông tin mạnh nhất trên thế giới khi gần như tất cả mọi người tại đây đều có smartphone và kết nối Internet. Nhưng sự tiện lợi của mạng Internet lại mang tới nhiều hệ lụy cho giới trẻ tại quốc gia Đông Á này.

Số liệu thống kê năm 2018 cho biết có hơn 140.000 người trẻ nghiện Internet tại Hàn Quốc, con số này thực tế có thể còn cao hơn.

Kết quả là có rất nhiều trung tâm trên khắp Hàn Quốc được lập ra để thanh thiếu niên có thể tới và nhận sự trợ giúp.

Mới đây, các phóng viên đã tới Hàn Quốc để khám phá một “trại cai nghiện Internet” tại vùng Muju để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

cai nghiện internet tại Hàn quốc.

Tại trung tâm cai nghiện Internet, người tham gia sẽ được chơi các trò chơi tập thể.

Theo Cơ quan y tế quốc gia NHS của Anh, nghiện là tình trạng khi một ai đó không kiểm soát được việc họ làm, uống hoặc sử dụng một thứ gì đó và dẫn đến tác động xấu tới sức khỏe.

Do đó, nghiện Internet là việc một người sử dụng Internet nhiều đến mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc tinh thần của bản thân, thậm chí là cả hai.

Điều này còn có thể tác động tới hành vi và cách họ tương tác với thế giới thật. Nhiều người có thể mất ý niệm về thời gian hay bỏ qua việc sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ, nghỉ.

Giống như các bệnh nghiện khác, người nghiện sẽ cảm thấy tức giận hoặc buồn bã bất thường.

Trung tâm điều trị nghiện Internet là một nơi mà mọi người có thể tới và nhận trợ giúp về tình trạng sử dụng Internet chưa lành mạnh của họ.

Họ sẽ được học cách sống độc lập với thế giới ảo và cách sử dụng Internet hợp lý hơn.

Kể từ năm 2014, hơn 1.200 người trẻ đã đến các trung tâm cai nghiện Internet như cô bé Hawon dưới đây.

Tại trung tâm Muju, các quy định được thực hiện rất nghiêm túc và điện thoại bị cấm hoàn toàn. Ngay khi đến nơi, người học phải giao nộp tất cả các vật dụng điện tử, kể cả những thứ như máy ép tóc.

Đổi lại, người học sẽ được tham gia các hoạt động thực tế như thủ công, thể thao, trò chơi tập thể.

Mục đích của các hoạt động này là giúp người trẻ cảm thấy thư giãn và vui vẻ, thay vì được nhiều like và comment.

Ngoài ra, cũng có các buổi học tâm lý cho phép người học thổ lộ bản thân. Các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên cho họ khi nào thì nên dừng sử dụng điện thoại và cách tận hưởng cuộc sống thật.

“Tại đây, chúng tôi cố gắng giới thiệu với người trẻ những hoạt động thay thế Internet, trò chơi điện tử và mạng xã hội”, giám đốc trung tâm Yong-chul Shim cho biết. “Chúng tôi cho người trẻ thấy rằng họ còn có nhiều cách để thể hiện sự tự tin và giá trị của bản thân ngoài việc xuất hiện trên thế giới ảo”.

Trung tâm cai nghiện internet.

Điện thoại, vật dụng điện tử bị cấm hoàn toàn tại đây.

Cách phóng viên đã gặp Hawon (17 tuổi), một người đến trung tâm để chữa trị bệnh nghiện xem Youtube của mình.

“Trước đây, ngày nào tôi cũng xem Youtube, có lúc lên tới 18 giờ. Tôi cầm điện thoại mọi lúc, mọi nơi, trong lúc đi vệ sinh, lúc ăn. Một khi đã cầm nó lên thì rất khó để dừng lại”, Hawon nói.

Hawon cho biết cuộc sống tại Hàn Quốc rất áp lực, đặc biệt đối với những người trẻ phải đối mặt với kỳ vọng thành tích học tập của gia đình. Hawon thừa nhận rằng cô xem Youtube chủ yếu để khiến bản thân cảm thấy vui vẻ hơn.

Nhưng việc này ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của cô. “Khi gặp gỡ bạn bè, chúng tôi chỉ cắm mặt vào điện thoại và không nói với nhau câu gì. Tôi ngủ gật trong lớp. Tôi thường nổi cáu với mọi người một cách vô cớ”.

Cô nhận thấy rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng và tới trung tâm điều trị nghiện Internet để tìm sự trợ giúp. “Tôi muốn vượt qua tình trạng này. Tôi muốn ngắm nhìn thế giới xung quanh không chỉ bằng chiếc điện thoại”.

Hawon chỉ là một trong 10 cô gái đang điều trị tại trung tâm Muju. Các khóa học tại trung tâm này thường kéo dài từ 1 tới 4 tuần, tùy theo tình trạng của người tham gia.

Ngày đầu tiên tới trung tâm, điện thoại của Hawon đã bị thu lại khiến cho cô cảm thấy rất khó khăn.

Các nhân viên trung tâm cho biết nhiều người trẻ cảm thấy rất khó chịu khi bị lấy mất điện thoại. Họ luôn bồn chồn và nói muốn về nhà.

Nhưng chỉ vài ngày sau, Hawon dần quen với việc sống không có điện thoại tại trung tâm. Cô mong rằng cô có thể giảm thời gian xem Youtube khi trở lại với cuộc sống bình thường.

Chia sẻ

Theo

BBC

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất