Mẹ đẻ Harry Potter cùng màn 'phù phép' cuộc đời từ cảnh sống túng quẫn tới nhà văn tỷ phú

Đằng sau thành công của nhà văn tỷ phú J. K. Rowling, tác giả bộ truyện đình đám Harry Potter, là cả mồ hôi và những giọt nước mắt trong những tháng ngày cơ cực cùng nhiều lần thất bại.

Bài viết Thiên Ngân
Chia sẻ

J.K Rowling, tác giả của bộ truyện giả tưởng nổi tiếng Harry Potter, đã quá quen thuộc với hàng triệu người trên thế giới. Năm 2006, tạp chí Forbes xem bà là người phụ nữ giàu thứ hai trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí chỉ sau Oprah Winfrey. Năm 2007, sau thành công vang dội của truyện Harry Potter và phim Harry Potter, bà được tạp chí US Entertainment Weekly là một trong 25 nghệ sĩ của năm 2007.

J.K Rowling, tên thật là Joanne Rowling, sinh năm 1965 tại quận Yates, thành phố Glouceshire, Scottland. Ngay từ khi còn là một cô bé, Rowling đã bộc lộ rõ nét tài năng và niềm đam mê viết lách với nhiều sáng tác truyện cổ tích về các nhân vật như yêu tinh, chú lùn, nàng tiên… Năm 6 tuổi, tác phẩm đầu tiên của Rowling ra đời, đó là câu chuyện về hành trình của một con ong khổng lồ đến thăm bạn thỏ bị bệnh.

Tới khi Rowling lên 9, gia đình bà chuyển đến vùng quê Church Cottage, xứ Wales sinh sống. Ở trường học, nơi mẹ của bà làm việc tại phòng thí nghiệm, các giáo viên thường hay phàn nàn về khả năng tập trung của bà vì thường xuyên bà lơ đễnh việc nghe giảng, chỉ miệt mài suy nghĩ và sáng tác những mẩu truyện ngắn về một thế giới không có thật.

Suốt những năm tháng tuổi trẻ, Rowling phải trải qua nhiều thiệt thòi khi mẹ thì mắc bệnh nặng, 2 cha con bà thì luôn cãi vã. Năm 1982, bà tốt nghiệp trung học và mạnh dạn nộp đơn và Đại học Oxford với hi vọng sẽ được thỏa sức theo đuổi đam mê sáng tác văn học nhưng rất tiếc lại bị từ chối. Chán nản, bà khép lại sách bút và đặt niềm yêu thích viết lách sang một bên.

Nghe lời khuyên của bố mẹ, Rowling theo học tiếng Pháp và văn học cổ điển tại ĐH Exeter.

Ý tưởng về bộ truyện nổi tiếng Harry Potter đến với Rowling khá bất ngờ khi bà đang ngồi chờ tàu để đi từ Manchester đến London vào năm 1990.

“Tôi đang một mình chờ tàu về London thì ý tưởng về Harry Potter xuất hiện. Hình ảnh một cậu bé tóc đen gầy gò với đôi mắt sáng đang lang thang trên sân ga với đũa phép trong tay hiện ra trong tâm trí tôi. Lúc đó tôi không hề mang theo giấy bút và ngay khi về đến nhà, tôi bắt đầu viết Harry Potter và Hòn đá Phù thủy. Nhưng cuối cùng thì vài trang đầu không hề giống cuốn sách sau này chút nào”, nhà văn Rowling, hiện 54 tuổi, hồi tưởng.

Bà không hề biết rằng cả thế giới sẽ chìm đắm và yêu điên cuồng bộ truyện lừng danh này cùng với bộ 3 nhân vật Harry Potter, Ronald Weasley và Hermoine Granger.

Nhưng khi Harry Potter chỉ vừa mới được chắp bút thì tháng 12/1990, mẹ Rowling qua đời sau 10 năm chống chọi với bệnh nặng. Cái chết của mẹ khiến cô gái 25 tuổi khi ấy ngã quỵ. Sự kiện này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sáng tác Harry Potter.

Đây cũng là lý do tại sao Rowling mô tả kỹ sự mất mát của Harry trong phần 1 (cha mẹ của Harry bị Chúa tể Hắc ám Voldermort sát hại khi Harry mới được 1 tuổi) bởi vì bà hiểu nỗi đau đó. Rowling hoàn toàn suy sụp và quyết định rời đất nước, chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ dạy tiếng Anh để nguôi ngoai nỗi đau, tạm gác lại thế giới phép thuật. Tại đây, bà gặp và kết hôn với chàng phóng viên hào hoa Jorge Arantes năm 1992.

Ngày 27/7/1993, Rowling hạ sinh bé Jessica Rowling Milford Arantes. Tuy nhiên, gia đình của Rowling không hề như bà mong đợi. Chồng bà thất nghiệp sinh cờ bạc, rượu chè. Jorge thường xuyên đánh đập vợ. Họ ly thân sau 13 tháng 1 ngày kết hôn. Vào ngày cuối cùng chung sống bên nhau, Jorge đã tát Joanne rất mạnh và đuổi bà ra khỏi nhà vào lúc 5 giờ sáng.

Tháng 12/1993, Rowling cùng con gái Jessica chuyển về gần nhà chị gái ở Edinburgh, Scotland. Jorge đã theo bà đến tận Scotland. Quá hoảng sợ, Rowling đã xin lệnh cách ly Jorge. Cuối cùng, Jorge trở về Bồ Đào Nha. Hai người chính thức ly dị vào tháng 8/1994.

Bà rơi vào cảnh túng quẫn khi không nghề nghiệp, không một xu dính túi và phải chăm con gái mới sinh được 2 tháng.

Thời gian này, Rowling rơi vào trầm cảm nặng và luôn có ý định tự sát. Cô con gái nhỏ là niềm động lực duy nhất để bà tiếp tục sống. Cuộc sống khó khăn đến nỗi Rowling phải cho thuê lại căn nhà để lấy tiền nuôi con và nhận trợ cấp của chính phủ sống qua ngày.

Không đủ tiền dùng máy sưởi, Rowling đến quán cà phê Elephant House Cafe tại Edinburgh để sáng tác, tránh cái lạnh mùa đông. Một bên là cô con gái nhỏ, một bên là cuốn sổ chép tay, Rowling đã ngày qua ngày làm việc không mệt mỏi suốt gần 3 năm.

Cuối cùng, năm 1995, tập đầu tiên của bộ truyện Harry Potter hoàn thành. Sau khi nhận được phản hồi rất tích cực từ một người đọc thử ba chương đầu tên là Bryony Evens, Hãng Christopher Little quyết định trở thành đại diện của Rowling. Họ đem bản thảo của bà nộp cho 12 nhà xuất bản khác nhau nhưng không nơi nào chấp nhận. Họ nói với bà rằng cuốn tiểu thuyết hư cấu dành cho thiếu nhi ấy không hấp dẫn độc giả và không mang lại giá trị kinh tế.

Rowling biết rằng để thuyết phục một nhà xuất bản chịu cho ra mắt sách của bà là điều không hề dễ dàng. “Chúng quá khó đọc đối với một đứa trẻ, quyển sách này quá dài, chúng sẽ không muốn đọc một quyển truyện dài như thế này đâu”, các nhà xuất bản nói với bà.

Một năm sau, giám đốc nhà xuất bản Bloomsburry chấp nhận bản thảo của bà với lý do con gái ông rất thích chúng. Họ khuyên bà nên tìm một bút danh thật ấn tượng và Rowling đã chọn cho mình bút danh là J.K Rowling. Dù phát hành, đại diện nhà xuất bản vẫn không mấy tin tưởng vào khả năng sinh lợi từ cuốn sách.

Tháng 6/1997, nhà xuất bản in 1.000 cuốn Harry Potter và Hòn đá Phù thủy. Ngay lập tức, cuốn sách trở thành hiện tượng văn học mới thu hút không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn cũng tìm đọc. 5 tháng sau, quyển sách được trao giải thưởng đầu tiên “The Nestle Smartie Book Prize”. Tháng 2/1998, sách nhận thêm giải “The Book of the year”. Buổi đấu giá quyền xuất bản Harry Potter sau đó diễn ra và thu được kết quả bất ngờ. Công ty Scholastic trả 105.000 USD cho bản quyền cuốn sách này.

Tháng 7/1998, cuốn thứ hai trong bộ truyện là Harry Potter và Căn phòng bí mật được xuất bản, đem về cho Rowling giải Smartie Prize lần 2. Tháng 12/1999, cuốn tiếp theo là Harry Potter và Tên tử tù Azkaban ra mắt, giúp Rowling trở thành nhà văn đầu tiên nhận giải Smartie Prize 3 lần liên tiếp.

Những tập tiếp theo của bộ truyện Harry Potter: Harry Potter và Chiếc cốc lửa, Harry Potter và Hội Phượng hoàng, Harry Potter và Hoàng tử Lai cũng không hề có dấu hiệu giảm nhiệt, liên tiếp lập kỷ lục và trở thành những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Đỉnh điểm là tập cuối của bộ truyện là Harry Potter và Bảo bối Tử thần ra mắt tháng 2/2007 đã bán được 11 triệu bản ngay ngày đầu tiên.

Bộ sách đã được dịch ra 60 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Hãng Warner Brother đã mua bản quyền bộ truyện và dựng thành 8 tập phim vô cùng ăn khách. Series phim Harry Potter đem lại lợi nhuận hàng tỷ USD và Rowling cũng bỏ túi vài trăm triệu USD cùng lợi nhuận từ cả trăm sản phẩm ăn theo.

Đến nay, trải qua hơn 20 năm, Harry Potter vẫn nằm trong danh mục những cuốn sách thiếu nhi được yêu thích nhất.

Năm 2013, Rowling đã thực hiện được ước mơ của mình: viết một cuốn truyện trinh thám. Cuốn sách mang tên “The Cuckoo's Calling”. Bên cạnh sáng tác, bà dành nhiều thời gian giảng dạy sáng tác tại các trường đại học và tham gia hoạt động từ thiện.

Thành công của nữ nhà văn Rowling đã cho cả thế giới thấy bài học về sự nỗ lực không ngừng nghỉ và luôn theo đuổi đam mê, sở thích. Bà từng chia sẻ: “Nếu như người ta hỏi tôi về phương thuốc hạnh phúc, điều trước tiên là bạn thích làm việc, điều thứ hai là tìm ai đó có thể trả tiền cho bạn vì điều đó. Tôi đã rất may mắn, việc viết lách của tôi còn mang tới cả tiền bạc”.

Bài viết

Thiên Ngân

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ