Vòng quanh Thế giới

Hoàng hậu quan tâm đến bóng đá của Jordan

Theo VnExpress
Chia sẻ

Hoàng hậu Jordan cho rằng bóng đá là công cụ để khiến thế giới tốt đẹp hơn và từng kết hợp với FIFA để thúc đẩy giáo dục trẻ em.

Hoàng hậu Rania của Jordan. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia.

“Không cần nhiều lời giới thiệu, Hoàng hậu Rania của Jordan là định nghĩa về sự thanh lịch, vẻ đẹp và tinh thần đóng góp cho xã hội”, cây bút Ola Homsi củaStep Feed viết.

Bà Rania Al-Abdullah sinh năm 1970 ở Kuwait, có bố mẹ là người Palestine. Bà tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Mỹ ở Cairo và từng làm việc trong ngành marketing cho ngân hàng và công ty điện thoại ở Amman, thủ đô của Jordan.

Tháng 8/1992, bà gặp Hoàng tử Abdullah bin Al-Hussein tại một bữa tiệc tối. 6 tháng sau, họ đính hôn và tổ chức lễ cưới vào tháng 6/1993. Cặp vợ chồng có 4 người con.

Ông Abdullah lên ngôi vua vào ngày 7/2/1999 và bà được phong làm hoàng hậu một tháng sau đó.

Hoàng hậu Rania chú ý đến việc thúc đẩy nữ quyền, cải cách giáo dục, sức khỏe cộng đồng và phát triển thanh thiếu niên. Năm 2010, bà kết hợp với Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc và các lãnh đạo thế giới trong chiến dịch cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em. Hoàng hậu cũng xuất bản 4 cuốn sách thiếu nhi dựa trên những kỷ niệm ấu thơ của mình.

Năm 2008, bà mở kênh YouTube riêng để thay đổi nhận thức và định kiến của phương Tây về người Arab và Hồi giáo. Một năm sau, bà được trao Giải thưởng Bắc - Nam từ Hội đồng châu Âu vì nỗ lực với việc tiếp cận đa văn hóa.

Hoàng hậu Rania (tóc xõa, đứng ở vị trí trung tâm) thăm đội bóng đá nữ U-17 của Jordan năm 2016. Ảnh: alarabiya.

Bà Rania cũng rất quan tâm đến bóng đá. Năm 2016, khi Jordan đăng cai tổ chức Giải Vô địch Bóng đá nữ U17 Thế giới, bà đã đến thăm đội tuyển nữ khi họ luyện tập ở Amman. Đội trưởng Luna Sahloul bày tỏ sự cảm kích đối với nỗ lực của Hoàng hậu trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ và bé gái ở Jordan.

Trước khi World Cup được tổ chức ở Nam Phi năm 2010, Hoàng hậu tháng 8/2009 kết hợp cùng FIFA mở chiến dịch “Một mục tiêu: Giáo dục cho Tất cả”. Chiến dịch nhằm kêu gọi người hâm mộ bóng đá và các lãnh đạo thế giới tham gia nỗ lực giúp 75 triệu trẻ em đến trường.

“Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới và chúng tôi muốn tận dụng tối đa sức hút của nó để biến Giáo dục cho Tất cả thành hiện thực. Tầm ảnh hưởng của bóng đá sẽ được sử dụng như một công cụ để khiến thế giới tốt đẹp hơn”, bà nhấn mạnh.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất