Vòng quanh Thế giới

Hình ảnh hiếm hoi bên trong phòng thí nghiệm virus bí ẩn ở Vũ Hán

Thiên Ân
Chia sẻ

Những bức ảnh hiếm hoi về Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy các nhà nghiên cứu mặc bộ đồ bảo hộ kín mít như phi hành gia đang làm việc trong phòng thí nghiệm.

Viện Virus học Vũ Hán, nơi lưu giữ hơn 1.500 chủng virus gây chết người, chuyên nghiên cứu về “các mầm bệnh nguy hiểm nhất”, đặc biệt là các loại virus sống trên vật chủ là dơi.

Kể từ khi virus corona chủng mới xuất hiện tại Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái, viện nghiên cứu trị giá hơn 42 triệu USD này trở thành trung tâm của các thuyết âm mưu cho rằng virus là “một sản phẩm của phòng thí nghiệm”.

Các nhân viên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán.

Trong khi các nhà khoa học tin rằng virus lây từ động vật hoang dã được bày bán ở một khu chợ hải sản ở Vũ Hán sang người, những người theo thuyết âm mưu nêu ra các giả định khác nhau. Một số người cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể là vũ khí chiến tranh sinh học được chế tạo từ Viện Virus học Vũ Hán. Những người khác nghi ngờ virus này xuất phát từ phòng thí nghiệm.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc. Shi Zhengli, giám đốc của Viện Virus học Vũ Hán, hồi tháng 2 khẳng định bà “xin lấy mạng ra đảm bảo dịch bệnh không liên quan tới phòng thí nghiệm”. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng bác bỏ những thuyết âm mưu như vậy.

Những bức ảnh được chụp vào năm 2015 và 2017 cho chúng ta thấy phần nào cảnh tượng bên trong Viện Virus học Vũ Hán sau khi cơ sở này hoàn thiện.

Các nhà nghiên cứu được trông thấy mặc bộ đồ bảo hộ kín mít như phi hành gia đang làm việc trong phòng thí nghiệm.

Các quan chức Trung Quốc quyết định xây dựng viện trên sau khi nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch SARS vào năm 2002 và 2003 từng cướp sinh mạng của 775 người và lây nhiễm cho hơn 8.000 người toàn cầu.

Phải mất 15 năm để người Trung Quốc hoàn thành dự án về Viện Virus học Vũ Hán. Người Pháp đã giúp Trung Quốc thiết kế tòa nhà.

Trung tâm của Viện này là phòng thí nghiệm 4 tầng ở mức độ an toàn sinh học cao nhất là P4. Đây là phòng thí nghiệm tiên tiến nhất của loại hình này ở Trung Quốc.

Việc xây dựng phòng thí nghiệm đã hoàn thành vào năm 2015 và nó chính thức khai trương vào ngày 5/1/2018, sau khi vượt qua các cuộc kiểm tra an toàn khác nhau. Mô tả tầm quan trọng của phòng thí nghiệm P4, China Youth Online đã ví nơi này là “tàu sân bay của virus học Trung Quốc” khi nó có khả năng nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm nhất”. Nhà virus học Zhou Peng ở Vũ Hán phát biểu với Tân Hoa xã hồi năm 2018: “Chúng tôi tự hào nói rằng chúng tôi đã đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ chế miễn dịch của dơi, loài từ lâu là vật chủ mang virus”.

Viện Virus học Vũ Hán là nơi có một trong hai phòng thí nghiệm virus lớn ở Vũ Hán. Phòng thí nghiệm P4 thuộc Viện Virus học nằm cách chợ bán buôn hải sản Vũ Hán, được cho là nơi khởi phát virus SARS-CoV-2, khoảng 15 km. Phòng thí nghiệm còn lại thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh Vũ Hán, nằm cách chợ hải sản nói trên không đầy 5 km.

Viện Virus học Vũ Hán (trong ảnh) là nơi sở hữu một trong hai phòng thí nghiệm virus quan trọng ở Vũ Hán.

Theo chuyên gia an toàn sinh học người Mỹ, Giáo sư Richard Ebright thuộc Viện Vi sinh Waksman, New Jersey, mặc dù không có bằng chứng cho thấy virus được tạo ra ở một trong các phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng cũng không loại trừ khả năng nó có thể dễ dàng trốn thoát khỏi nơi này khi đang được đem ra phân tích.

Theo số liệu của ĐH Johns Hopkins, cho tới nay 2.152.000 trên toàn thế giới nhiễm COVID-19, với gần 145.000 ca tử vong.

Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 17/4 đã sửa đổi số liệu các bệnh nhân được xác nhận nhiễm COVID-19, cũng như số ca tử vong. Theo đó, số liệu về người chết vì dịch bệnh ở tỉnh này được điều chỉnh 2.579 lên 3.869 trường hợp. Tổng số ca nhiễm virus corona trong hơn 4 tháng qua tại Vũ Hán cũng được điều chỉnh từ 50.008 lên 50.333 trường hợp.

Chính quyền địa phương cho biết việc rà soát thống kê số ca nhiễm và ca tử vong xuất phát từ 4 nguyên nhân: Có trường hợp bệnh nhân tử vong tại nhà vì không được điều trị trong giai đoạn dịch mới bùng phát và không được báo cáo lại; báo cáo trễ, sai hoặc không báo cáo từ một số bệnh viện trong giai đoạn đỉnh dịch; báo cáo không kịp thời ở các cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến; một số văn bản chứng tử không chính xác.

Chia sẻ

Bài viết

Thiên Ân

Tin mới nhất