Vòng quanh Thế giới

Tổng thống Roosevelt bị ám sát trúng đạn vẫn tiếp tục diễn thuyết 84 phút và 2 'bảo bối' cứu mạng

Theo Business Insider
Chia sẻ

Nếu không nhờ "bảo bối" diễn văn cứu mạng, Theodore Roosevelt đã ngã xuống vì viên đạn từ họng súng của sát thủ ngay trước khi lên bục diễn thuyết.

Vụ ám sát chớp nhoáng xảy ra vào năm 1912, lúc Roosevelt đang tích cực chạy đua vào Nhà Trắng với tư cách thành viên Đảng Tiến bộ, hay còn gọi là Bull Moose. Đối thủ của ông khi đó là Woodrow Wilson và William Taft - người ông từng ủng hộ trong Đảng Cộng hòa, nhưng sau này dần xa cách vì tư tưởng không còn chung lối.

“Đó là một cuộc tranh đấu gay gắt”, Clay S. Jenkinson, học giả chuyên nghiên cứu về Theodore Roosevelt tại Đại học Dickinson State nhận xét. “Roosevelt đả kích nội bộ Đảng Cộng hòa bằng cách đối đầu với Taft trong quá trình tranh vị trí đại diện cho đảng để tranh cử. Tuy nhiên, các thành viên còn lại quyết định điều động hội nghị ở Chicago nhằm tỏ ý ủng hộ đối thủ của ông, chính điều đó đã khiến Roosevelt quyết tâm dứt áo ra đi”.

Giữa muôn vàn ứng cử viên nặng ký, danh tiếng của Roosevelt chính là trợ lực lớn không thể bỏ qua. “Xuyên qua quốc gia này, ông ấy dừng chân ở nơi nào là khiến công chúng chú ý nơi đó. Từ nhà kho hàng hóa chất chồng đến khách sạn sang trọng, đường phố đông đúc, Roosevelt nổi tiếng đến mức báo giới tặng cho ông biệt hiệu Thánh John the Baptist”, Gerard Helferich viết trong quyển Theodore Roosevelt and the Assassin.

Roosevelt tham gia tranh cử vào năm 1912.

Song, càng được lòng công chúng, càng có người mong muốn cản trở bước chân Roosevelt. John Schrank, chủ một quán rượu, đã bắt đầu trút những lời lẽ không hay về ông qua ngòi bút, ngấm ngầm ám chỉ ông là tai họa xuất hiện trong cơn ác mộng của mình. “Trong mơ, tôi thấy Tổng thống McKinley ngồi trong quan tài, trỏ vào người đàn ông mặc đồ mục sư - cũng chính là Theodore Roosevelt - và nói: 'Đây là kẻ đã giết tôi. Hãy trả thù cho tôi'”, trích lời Schrank trong quyển sách từng được phát hành.

Không chịu nổi dằn vặt từ ác mộng, Schrank lên đường thủ tiêu Roosevelt vào ngày 14/10/1912 tại Milwaukee, Wisconsin. Chẳng ngờ, lần đột kích này đã khiến tên tuổi của vị Tổng thống đời thứ 26 càng thêm vang dội trong sử sách. Vừa dợm bước ra khỏi khách sạn Gilpatrick (nay đã đổi tên thành khách sạn Hyatt) để diễn thuyết tại Thính phòng Milwaukee, ngực Roosevelt đã trúng phải viên đạn từ nòng súng của Schrank. May mắn thay, trong túi áo trước ngực ông lúc này đang chứa xấp diễn văn dày tận 50 trang, bên cạnh hộp đựng kính bằng kim loại. Chính hai vật này đã giảm uy lực của viên đạn, cứu mạng vị Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ.

Ông bị trúng đạn nhưng vẫn đọc diễn văn.

Ngay sau khi vụ ám sát bị phát hiện, Schrank bị đám đông vật ngã xuống đất. Song, Roosevelt vẫn bình tĩnh kêu gọi mọi người đừng làm hại đến kẻ sát nhân. Theo lời học giả Jenkinson, dù bị tống vào tù nhưng người này vẫn không ngừng chối bỏ trách nhiệm và khẳng định mình chống lại tất cả các Tổng thống tại vị suốt 3 nhiệm kỳ chứ không riêng gì Roosevelt. Nhận ra mình bị bắn, Roosevelt khạc nhẹ vào lòng bàn tay để xem có máu tràn ra không, sau đó lập tức lên đường đến nơi phát biểu.

Kỳ diệu thay, dù mấy phút trước suýt nữa đặt chân vào cửa tử nhưng ông vẫn điềm nhiên hoàn thành bài diễn thuyết dài 84 phút trước mặt đông đảo cử tri. Trước khi bắt đầu, Roosevelt bình thản báo tin dữ cho mọi người: “Xin quý vị giữ im lặng cho. Tôi không rõ liệu mọi người có biết tôi vừa bị bắn không, nhưng người của Đảng Bull Moose không dễ đánh bại như thế. Nhờ có xấp diễn văn trước ngực mà tôi có thể bảo toàn tính mạng, song trong lúc nghe phát biểu, các vị có thể thấy trên ngực tôi bị thủng một lỗ - đó chính là nơi viên đạn xuyên qua, dù không găm thẳng vào tim. Vì viên đạn đang ở trong cơ thể nên tôi không sao nói quá lâu, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức”.

Viên đạn không găm phải chỗ yếu hại.

Trong suốt bài phát biểu, Roosevelt suy yếu hơn hẳn và thở khá nặng nề. Tuy nhiên, ông nỗ lực hoàn tất phần diễn thuyết và nói với giọng điệu to, rõ ràng và vỗ tay để thu hút người nghe. Giọng nói cao vút khi kích động của ông truyền thẳng vào micro, khiến người nghe không kiềm được mà xúc động. “Ông ấy cũng nắm rõ thuật nắm bắt nhân tâm”, Jenkinson nói. “Ronald Reagan cũng từng phản ứng tương tự khi gặp phải vụ ám sát. Hành động này rõ ràng giúp nâng cao uy tín của ông trước mặt công chúng. Có thể nói quyết định này đã dẫn đến một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông ấy”. 

Dù việc kiên trì phát biểu đã củng cố uy tín của Roosevelt, song ông không trụ nổi trong những tuần cuối cùng diễn ra cuộc tranh cử. Tuy có được nhiều phiếu bầu nhất từ bên thứ ba, nhưng ông buộc phải phân chia số phiếu thuộc Đảng Cộng hòa với đối thủ William Taft. Đối với người dân Mỹ, Roosevelt khi ấy tồn tại như một huyền thoại sống, mà huyền thoại thì chiến tích có huy hoàng cách mấy cũng vô tình bị xem là lẽ đương nhiên. Cuối cùng, vị trí Tổng thống thuộc về Taft. Về phần Roosevelt, ông phải mang theo viên đạn từ họng súng của kẻ ám sát mãi cho đến khi qua đời vào năm 1919, bởi theo lời bác sĩ, viên đạn ấy sẽ gây nguy hiểm cho ông nếu cố chấp lấy ra.

Chia sẻ

Theo

Business Insider

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất