Vòng quanh Thế giới

Giao thừa đón năm Mậu Tuất đang đến rất gần, hãy xem người châu Á làm gì vào thời khắc linh thiêng này

Hà Phương
Chia sẻ

Vào thời khắc giao thừa, người dân ở các quốc gia đón Tết Nguyên đán như Việt Nam hầu như đều tập trung ăn bữa cơm đoàn viên và ngắm pháo hoa đón chào năm mới.

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều quốc gia tại châu Á. Tuy nhiên, cách đón giao thừa, thời khắc quan trọng nhất trong dịp Tết đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ở các nước lại không giống nhau.

Việt Nam

Bữa cơm cúng đêm giao thừa.

Ở Việt Nam, các thành viên trong gia đình quây quần trong bữa cơm tất niên từ ngày 30 Tết. Sau đó, mọi người cùng trò chuyện và chuẩn bị lễ cúng đêm giao thừa.

Để ghi nhận thời khắc quan trọng này, người dân Việt Nam thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên đặt ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa đặt ở khoảng sân trước nhà. Sau đó, mọi người cùng nâng ly rượu chúc mừng năm mới và trao cho nhau những phong bao lì xì đỏ.

Sau thời khắc giao thừa, một số người bắt đầu tới các nhà để xông đất đầu năm. Trong khi đó, một số lại đổ ra đường đi hái lộc hoặc đi chùa cầu phúc, cầu bình an, may mắn.

Trung Quốc

Người dân Trung Quốc cùng nhau làm bánh sủi cảo ngày 30 Tết.

Cũng giống như Việt Nam, người Trung Quốc quây quần bên gia đình từ chiều 30 Tết. Họ cùng trò chuyện và làm sủi cảo, món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp năm hết, Tết đến ở đất nước tỷ dân.

Vào đêm giao thừa, sau khi thực hiện các nghi lễ, cả gia đình sẽ tập trung ăn bữa cơm đoàn viên, thường được tổ chức tại nhà riêng hoặc nhà tộc trưởng. Đối với người Trung Quốc, bữa cơm này rất quan trọng bởi nó thể hiện sự hạnh phúc của mỗi gia đình. Ngoài sủi cảo, trong bữa cơm còn có gà, cá, đậu và khoai sọ. Riêng món cá, người ta không ăn hết mà để dành một phần qua đêm với ý nghĩa để gia đình sang năm mới có cuộc sống ngày càng dư dả.

Hàn Quốc

Vào đêm giao thừa, người dân Hàn Quốc sẽ không ngủ.

Buổi tối trước thời khắc giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Sau đó, họ sẽ mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Ngoài ra, trong đêm giao thừa, người Hàn Quốc còn đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người dân xứ sở kim chi cũng không ngủ trong đêm giao thừa, bởi họ quan niệm rằng nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.

Singapore

Người dân Singapore tới chùa dâng hương trong đêm giao thừa.

Gần 80% dân số tại Singapore là người Hoa nên người dân tại quốc đảo sư tử rất coi trọng dịp Tết nguyên đán, giống như Việt Nam và Trung Quốc. Vào đêm giao thừa, dòng người sẽ đổ về các đền chùa để dâng hương, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình trong dịp năm mới.

Mông Cổ

Người Mông Cổ có tục uống trà trong đêm giao thừa.

Vào ngày 30 Tết, những thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để cùng dọn dẹp nhà cửa và thực hiện nghi thức rửa sạch chén bát với sữa ngựa. Vào thời khắc giao thừa, người Mông Cổ có tục uống trà. Chén đầu tiên của năm mới sẽ được đem ra trước sân, vẩy khắp 4 hướng. Chén thứ 2 dành cho chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.

Triều Tiên

Bữa cơm đầu năm của người Triều Tiên.

Triều Tiên là một trong những nước đón Tết Nguyên đán giống Việt Nam. Vào ngày 30 Tết, các gia đình sẽ quét dọn từ trong ra ngoài và treo những câu đối, tranh Tết để trang trí nhà cửa. Vào thời khắc giao thừa, cũng như các nước khác, mọi người dân Triều Tiên cũng tổ chức ăn uống và ngắm pháo hoa đón chào năm mới.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Phương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất