Vòng quanh Thế giới

Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Hải Phòng có nguy cơ 'bị xóa sổ gần như hoàn toàn' vào năm 2050 vì nước biển dâng

Theo The New York Times
Chia sẻ

Khác với những đánh giá khoa học trước đây, một nghiên cứu mới vừa được công bố cho thấy Đồng bằng Sông Cửu Long có nguy cơ bị xóa sổ gần như hoàn toàn vì nước biển dâng vào năm 2050.

Nước biển dâng vốn là một vấn đề gây lo ngại trên toàn cầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Trước đây từng có nhiều cảnh báo về mối nguy này nhưng một nghiên cứu mới vừa được công bố cho thấy tình hình có thể còn thảm hại hơn nữa.

Theo đó, nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Climate Central và được công bố trên tạp chí Nature Communications vào 29/10 vừa qua, cho thấy số người bị uy hiếp trực tiếp từ nước biển dâng nhiều gấp 3 lần so với các công bố trước đây, kéo theo đó là hàng loạt đô thị lớn bị biến mất hoàn toàn trên bản đồ.

Dự đoán trước đây (trái) và dự đoán trong nghiên cứu mới công bố (phải) cho thấy gần như toàn bộ Đồng bằng Sông Cửu Long đối diện với nguy cơ bị nhấn chìm dưới làn nước biển vào năm 2050. Đồ họa: The New York Times.

Kết quả này được thực hiện bằng nhiều phép tính chính xác dựa trên dữ liệu vệ tinh. Nhóm nghiên cứu sau khi tổng hợp và phân tích, đã nhận thấy các dự đoán được đưa ra trước đây là quá lạc quan. Công bố mới này cho biết có khoảng 150 triệu người đang sống trong vùng sẽ là biển cả trong 30 năm tới.

Đáng lo ngại nhất chính là gần như toàn bộ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền nam Việt Nam nguy cơ bị biến mất. Dự đoán trước đó chỉ cho thấy những vùng trũng ngập nước ở miền Tây mới có khả năng bị sụt lún, nhưng dự báo mới đây chỉ ra cả khu vực này sẽ bị nhấn chìm khi thủy triều dâng cao.

Theo dự báo, vựa lúa của cả nước ở miền nam có nguy cơ trở thành một phần của Biển Đông vào năm 2050.

Đường bờ biển của thành phố cảng Hải Phòng cùng các vùng biển lân cận sẽ được vẽ lại khi nước biển lấn sâu vào đất liền.

Điều này có nghĩa là 20 triệu dân đang sinh sống tại miền Tây Nam Bộ tương đương với 1/4 dân số Việt Nam đang sống trong vùng đất sẽ bị ngập lụt trong tương lai không xa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các nhà khoa học chỉ ra là do hiện tượng xói mòn và biển lấn sâu vào đất liền.

Ngoài ra, các khu vực ven biển khác ở Việt Nam như Duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ cũng bị nước biển xâm lấn, dẫn đến ngập lụt và “xóa sổ” khỏi bản đồ. Miền Trung với địa hình đồi núi cao nên không bị ảnh hưởng quá nhiều, trong khi đó Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh cùng một phần phía đông Hà Nội sẽ trở thành biển nước trong tương lai.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan bị đe dọa bởi nước biển dâng vào năm 2050. Nghiên cứu mới chỉ ra vùng ngập lụt là rộng hơn rất nhiều so với dự báo trước đây. Đồ họa: The New York Times.

Nhà nghiên cứu Scott A. Kulp tại Climate Central và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết khảo sát lần này có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo nhằm loại bỏ những sai sót về độ cao của vùng đất, từ đó đưa ra kết quả chính xác hơn rất nhiều so với nhiều công bố trước đây.

Không chỉ Việt Nam, nhiều khu vực tập trung đông dân cư trên khắp Châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Thái Lan, 10% công dân của vương quốc này sẽ mất chỗ ở vào năm 2050. Đáng quan tâm, thủ đô chính trị và thương mại Bangkok cũng nằm trong vùng trũng ngập lụt và bị đe dọa trực tiếp.

Thượng Hải - thành phố đông dân nhất Trung Quốc sẽ bị ngập và bị chia cắt, nơi này sẽ tạo thành những hòn đảo nằm rải rác khi nước biển dâng vào năm 2050. Đồ họa: The New York Times.

Siêu đô thị Thượng Hải là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế quan trọng của Châu Á cũng không nằm ngoài số phận bi đát khi vùng lõi của thành phố này sẽ bị nhấn chìm và tạo nên thế chia cắt ở các thành phố lân cận, tạo nên những hòn đảo nằm rải rác.

Ngoài ra còn có thành phố Mumbai của Ấn Độ, hải cảng Alexandria nhộn nhịp của Ai Cập, tại vùng biên giới của Iran và Iraq thì có Basra ngay cạnh Vịnh Persian; đây đều là những thành phố đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị và kinh tế trong khu vực.

Thành phố Mumbai ở bờ biển phía tây Ấn Độ sẽ bị biến đổi hình dạng nghiêm trọng vì nước biển xâm lấn vào năm 2050. Đồ họa: The New York Times.

Nghiên cứu của Climate Central thực hiện đánh giá trên 135 quốc gia với nhiều kịch bản khí hậu khác nhau, cũng như cập nhật dữ liệu về độ cao của từng vùng đất và dự đoán sự thay đổi của các chỉ số để đưa ra nhìn nhận chính xác nhất. Từ hàng trăm nước, có 6 quốc gia đông dân và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đó là Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Ước tính có khoảng 237 triệu người sẽ bị ảnh hưởng vì nước biển dâng vào năm 2050, con số này nhiều hơn 183 triệu so với các đánh giá trước đó. Nghiên cứu cũng vạch ra cái nhìn xa hơn vào năm 2100, nếu tình hình vẫn chưa được cải thiện thì con số trên sẽ tăng lên 250 triệu người và riêng Việt Nam sẽ có 35 triệu người bị mất chỗ ở.

Nằm bên cạnh Địa Trung Hải, thành phố cảng Alexandria của Ai Cập sẽ biến mất gần như hoàn toàn khi nơi đây thành một phần của đại dương vào 30 năm tới. Đồ họa: The New York Times.

“Những đánh giá này cho thấy biến đổi khí hậu hoàn toàn có khả năng trong việc định hình lại các thành phố, các nền kinh tế, đường bờ biển và nói chung là toàn bộ các khu vực trên thế giới. Thủy triều sẽ tăng cao hơn, nơi mà mọi người gọi là nhà, quê hương đất nước sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa tồn vong”, tiến sĩ Scott Kulp, nhà khoa học cấp cao tại Climate Central và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm, đất đai bị mất vào biển cả không chỉ là vấn đề môi trường mà đó còn là mối nguy về bất ổn an ninh, chính trị, kéo theo nhiều vấn đề khác như khủng hoảng nhân đạo, sự leo thang quân sự,… Đây là cảnh báo sớm để các quốc gia có hướng đi nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình.

Chia sẻ

Theo

The New York Times

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất