Vòng quanh Thế giới

Đô vật bùn kushti từ bỏ ham muốn thể xác để chinh phục vinh quang trọn đời

Theo The Guardian
Chia sẻ

Bỏ lại tôn giáo và đẳng cấp xã hội, từ bỏ những ham mê trần tục, các tay đô vật bùn truyền thống ở Ấn Độ lao vào những trận đấu để theo đuổi vẻ đẹp thể xác và đó cũng chính là con đường giúp họ thoát cảnh nghèo.

Vào ban ngày, Amol Patil (23 tuổi) là một nhân viên bảo vệ. Cơ bắp trên cơ thể cuồn cuộn, anh đứng bên ngoài một văn phòng công ty ở Mumbai trong bộ đồng phục polyester chỉn chu. Khi màn đêm kéo đến, anh thả người vào những hố bùn, nơi anh được phô trương hết cỡ sức mạnh của mình.

Hai tay đô vật bùn đang đấu với nhau trên sàn. Người chiến thắng là người hạ được đối thủ nằm xuống đất bằng cách khóa tay chân, ném người hoặc ghìm chặt cơ thể đối thủ.

Hai đô vật bùn đang đấu với nhau trên sàn. Người chiến thắng là người hạ được đối thủ nằm xuống đất bằng cách khóa tay chân, ném người hoặc ghìm chặt cơ thể đối thủ.

Patil là một tay đô vật của môn vật bùn kushti truyền thống tại Ấn Độ. Môn thể thao này đã có từ thời Đế quốc Mogul và được truyền sang các thế hệ đến tận ngày nay. Kushti thi đấu trong một nơi được gọi là akhara, tại đây đẳng cấp xã hội và tôn giáo đều bị tước bỏ, mọi người chỉ tuân thủ theo những quy tắc cực khắt khe của môn thể thao.

“Cha và ông tôi từng là những kushti nhưng họ quá nghèo để có thể theo đuổi nó. Cha ông tôi không có tiền để ăn uống dinh dưỡng theo chế độ, khiến cơ thể của họ không được như mong muốn. Tôi đã bắt đầu tập môn này từ năm 10 tuổi và tôi sẽ sớm thực hiện được giấc mơ của cha ông mình”, Patil chia sẻ.

Amol Patil tại một akhara - phòng tập của môn vật kushti.

Amol Patil tại một akhara - phòng tập của môn vật kushti.

Kushti không chỉ là môn đô vật truyền thống, mà còn là con đường giúp những thanh niên Ấn Độ đi lên thoát nghèo. Patil may mắn hơn nhiều chàng trai khác khi được người anh trai làm cảnh sát của mình hỗ trợ trong quá trình tập luyện. Anh có đủ tiền để mua hạnh nhân, sữa, trứng, thịt cừu cùng trái cây cho chế độ ăn uống.

“Để theo đuổi bộ môn này, tôi phải dốc lòng tập luyện nhiều đến mức tôi đôi khi căm ghét nó. Tôi phải thức dậy lúc 4 giờ rưỡi sáng để bắt đầu ngày luyện tập mới, thỉnh thoảng tôi thấy tôi như bị tra tấn vậy. Tôi phải chạy hàng giờ quanh cánh đồng giữa khí trời lạnh lẽo rồi quay về phòng tập để nâng tạ. Tôi đi tập, đi làm rồi về nhà, cuộc sống chỉ có vậy, không hề có niềm vui hay thư giãn”, Patil kể.

Bức áp phích vận động viên thể hình nổi tiếng Ronnie Coleman người Mỹ, ông đã 8 lần vô địch Mr. Olympia và giờ trở thành nguồn cảm hứng cho những kushti tại Ấn Độ.

Bức áp phích vận động viên thể hình nổi tiếng Ronnie Coleman người Mỹ, ông đã 8 lần vô địch Mr. Olympia và giờ trở thành nguồn cảm hứng cho những kushti tại Ấn Độ.

Lúc nhỏ, Patil là cậu bé thấp bé nhỏ người nhất trong nhóm. Điều này khiến cha cậu không hài lòng, ông ép con trai mình phải tập luyện và vật lộn với những cậu bé to khỏe hơn. Dần dà, cơ thể Patil cũng phát triển và sức chịu đựng cũng tăng lên qua thời gian.

Năm lên 18, Patil rời quê lên phố, anh tham gia vào một phòng tập akhara ở Mumbai. Cuộc sống ở akhara không khác gì ở một dòng tu, học viên không được uống rượu, hút thuốc và thậm chí là bị cấm các hành vi liên quan đến tình dục. Theo quan niệm của người tập kushti, để kiếm tìm vinh quang từ sức mạnh thể xác, điều cần thiết nhất chính là sự tinh khiết.

Nâng tạ là một bài tập bắt buộc phải có nhằm giúp tăng cường sức mạnh và vẻ đẹp thể xác.

Nâng tạ là một bài tập bắt buộc phải có nhằm giúp tăng cường sức mạnh và vẻ đẹp thể xác.

Một vận động viên kushti đang tranh thủ nghỉ mệt trong khi chờ đến lượt mình tại phòng tập.

Một vận động viên kushti đang tranh thủ nghỉ mệt trong khi chờ đến lượt mình tại phòng tập.

Bên trong akhara, mọi thứ rất tồi tàn nhưng không ai than phiền bởi vì vẻ đẹp thể xác mới là thứ đáng được lưu tâm. Mọi muộn phiền ở ngoài xã hội đều được bỏ lại nơi cửa vào, không ai quan tâm ai theo tôn giáo nào. “Nếu có một thứ đáng được tôn thờ, đó không phải là Hindu hay Hồi Giáo, mà chính là cơ thể chúng ta”, Patil cho biết.

Sàn đấu được tạo nên từ công thức không đổi suốt hàng thế kỷ: bùn, đất đỏ, nước, bơ sữa, dầu và được trộn quyện cho đến khi nó trở thành một hỗn hợp như vụn bánh. Tại đây, các tay đô vật thực hiện các bài tập của mình bằng những dụng cụ được tạo nên từ gỗ, dây tự nhiên.

Dụng cụ tập luyện tại một phòng tập.

Dụng cụ tập luyện tại một phòng tập.

Khoảnh khắc đáng tự hào nhất trong đời Patil là khi anh giành được huy chương vàng ở một cuộc thi cấp quốc gia vào năm 2015, ngôi làng quê hương anh trở nên nhộn nhịp hẳn vào dạo ấy. Tuy nhiên, các tay đô vật không quá quan tâm về những huy chương hoặc các giải đấu quốc tế, họ mong muốn kushti sẽ giúp họ có được một công việc trong chính quyền.

Chính phủ Ấn Độ có chính sách dành ra một số công việc cho những người đạt thành tích cao trong thể thao. Đây là một nỗ lực nhằm khuyến khích vận động viên cống hiến hết sức mình, đổi lại họ sẽ có một công việc ổn định và được đảm bảo về tài chính.

Một tay đô vật đang nghỉ ngơi tại phòng chứa đồ ở phòng tập Mahatma Phule, Mumbai.

Một tay đô vật đang nghỉ ngơi tại phòng chứa đồ ở phòng tập Mahatma Phule, Mumbai.

Các đô vật từ mọi lứa tuổi cùng tập tại phòng tập Mahatma Phule, Mumbai.

Các đô vật từ mọi lứa tuổi cùng tập tại phòng tập Mahatma Phule, Mumbai.

Nói như vậy không có nghĩa là bất cứ kushti nào cũng có thể có được việc làm. Patil tốt nghiệp đại học ngành khoa học, nhưng anh phải đi làm bảo vệ để trang trải cuộc sống. Anh đang cố gắng từng ngày để có được công việc tốt hơn.

Làm bảo vệ khiến anh chỉ có thể tập kushti vào buổi tối. Anh yêu kushti nhưng anh nhận thấy môn thể thao này đang chết dần ở Ấn Độ và đang dần được thay thế bởi các môn thể thao hiện đại khác.

Amol Patil đang vật lộn với một học viên khác tại phòng tập Shree Laxmi, Mumbai.

Amol Patil đang vật lộn với một học viên khác tại phòng tập Shree Laxmi, Mumbai.

Ban ngày, Amol Patil làm nhân viên bảo vệ. Đêm đến, anh được tự do phô trương sức mạnh tại phòng tập cùng các tay đô vật khác.

Ban ngày, Amol Patil làm nhân viên bảo vệ. Đêm đến, anh được tự do phô trương sức mạnh tại phòng tập cùng các tay đô vật khác.

“Tôi rất tự hào vì có thể làm được thứ mà cha ông tôi chưa làm được vì quá nghèo. Nhưng mặt khác, tôi thấy buồn khi môn thể thao này đang chết dần. Cũng không có gì khó hiểu, chúng tôi - những kushti - bỏ ra quá nhiều nhưng chẳng đánh đổi được điều gì đáng kể”, Patil bộc bạch.

Chia sẻ

Theo

The Guardian

Tin mới nhất