Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu vào tháng 8/2020 ở Peru và dần lây lan khắp khu vực Nam Mỹ. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy đây là "biến thể đáng lo ngại" (VOC), mà là "biến thể đáng quan tâm" (VOI).
Theo Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO), Lambda chiếm 82% trong tổng số ca mắc Covid-19 ở tháng 5 và tháng 6 ở Peru. Cố vấn của PAHO, Jairo Mendez, phát biểu hôm 30/6 rằng chủng biến thể này đã được phát hiện ở 8 nước Mỹ Latinh và Caribe, nhưng "không xuất hiện thường xuyên ở mọi quốc gia".
Ở Chile, biến thể Lambda chiếm hơn 31% số ca bệnh trong tháng 5 và tháng 6. Theo Mendez, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chủng biến thể này làm bệnh lây lan mạnh hơn. "Đây là một hiện tượng chưa được nghiên cứu và ghi chép đầy đủ, chúng tôi không thể so sánh nó với các biến thể khác như Gamma và Delta", ông nói.
Xem thêm: Đâu là quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới lúc này?
Cơ quan y tế Anh gần đây đã ghi nhận một số trường hợp mắc Covid-19 do Lambda, đồng thời công nhận rằng chủng biến thể này "có khả năng gia tăng sự lây truyền hoặc chống lại các kháng thể trung hòa". Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác thực giả thuyết này.
Trong một nghiên cứu của Trường Y khoa NYU Grossman xuất bản vào ngày 3/7, họ chỉ ra rằng vaccine có hiệu quả chống lại biến thể Lambda. Chưa có gì để chứng minh Lambda khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.
Trước mắt, thế giới vẫn đang tập trung vào cuộc chiến với biến thể Delta mà WHO đã cảnh báo sẽ trỗi dậy mạnh mẽ vào tháng 8. Đây là chủng đột biến khiến virus dễ dàng bám vào các tế bào trong cơ thể người hơn, làm cho dịch bệnh dễ bùng phát trên diện rộng.
Xem thêm: Vì sao sau khi tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 triệu chứng lại nặng hơn?