Vòng quanh Thế giới

Cuộc sống của những người bị cách ly vì nghi nhiễm virus corona: 'Tôi không nhớ nổi hôm nay là ngày gì, thứ mấy nữa'

Theo CNN
Chia sẻ

Trước sự lây lan với tốc độ chóng mặt của virus corona, nhiều người nghi bị nhiễm bệnh buộc phải cách ly tại chỗ suốt 14 ngày, ngay cả khi đang ở trên du thuyền.

Tính đến thời điểm này, số người tử vong vì virus corona trên toàn thế giới đã là 910 người, với hơn 40.000 ca lây nhiễm. Trước tình thế cấp bách, ngày càng có nhiều người được yêu cầu cách ly để theo dõi, phòng ngừa nguy cơ lây lan. Trong số đó, có những đôi vợ chồng chưa kịp tận hưởng kỳ trăng mật hạnh phúc thì đã phải cách ly trên du thuyền, có nhóm bạn sinh viên háo hức đi du lịch cùng nhau, người dân sơ tán bị giữ lại căn cứ quân sự của Mỹ, và cả phóng viên đi công tác phải tự nhốt mình trong phòng khách sạn ở Bắc Kinh. Dưới đây là câu chuyện của họ trong hai tuần sống giữa hoàn cảnh cách ly lạ lùng này.

Sau khi hàng chục người trên chiếc du thuyền Diamond Princess ở thành phố Yokohama, Nhật Bản bị phát hiện dương tính với virus corona, hơn 3000 người có mặt trên đó đồng loạt bị cách ly. Điều đó cũng có nghĩa là không một ai được phép rời khỏi du thuyền trong vòng 14 ngày. Spencer Fehrenbacher là một trong 428 người Mỹ có mặt trên con tàu. Chàng sinh viên ở Thiên Tân (Trung Quốc) vốn định mừng Tết Nguyên đán cùng bạn bè, chẳng ngờ lại khiến mình rơi vào hoàn cảnh khó xử. Bây giờ, anh chỉ quẩn quanh bên bàn đọc sách và xem TV trong phòng thay vì ra ngoài tận hưởng dịch vụ thư giãn trên tàu.

Spencer Fehrenbacher đang du học tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Tâm trạng ngày đầu tuần của Fehrenbacher vẫn khá tốt. Trừ việc cách ly, mọi thứ trên tàu đều không có gì thay đổi. Nhân viên vẫn thân thiện, thức ăn thì ngon lành và tốc độ internet miễn phí vẫn như thường. Ngày cách ly thứ ba, thuyền trưởng thông báo du khách có thể ra ngoài hít thở không khí khoảng 1,5 tiếng, nhưng phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi và đứng cách nhau ít nhất 1 m.

Ít lâu sau, Spencer hay tin có thêm 41 người bị nhiễm virus, nâng tổng số ca bệnh trên tàu lên mức 64. “Thật quá đáng sợ”, anh nói. Một trong những hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona là Rebecca Frasure. Hôm 7/2, vợ chồng cô biến đến tin có thêm 41 người nữa bị nhiễm bệnh qua lời một phóng viên trên tàu. “Tôi chỉ không ngờ mình là một trong số đó”, cô nói. Trước đó, Rebecca chỉ bị ho nhẹ chứ không còn triệu chứng nào khác, nên cô không nghĩ đến khả năng mình bị nhiễm virus.

Đoạn clip trong máy của Kent Frasure, chồng của Rebecca, cho thấy nhóm nhân viên y tế người Nhật đứng trước cửa cabin để mời cô đến bệnh viện kiểm tra sau 1 tiếng đồng hồ. Trước đó, Kent đã thực hiện xét nghiệm và cho kết quả âm tính, nên anh không thể đi theo vợ. “Tôi không biết mình phải ở lại bao lâu, có thể 3 ngày, cũng có thể lâu hơn”, Rebecca nói. “Điều đó tùy thuộc vào việc tôi có xuất hiện thêm triệu chứng nào không”.

Rebecca và Kent bị cách ly trên du thuyền.

Milena Basso và Gaetano Cerullo là một đôi vợ chồng son. Thế nhưng, chưa kịp hưởng hạnh phúc ngọt ngào của kỳ trăng mật, họ đã nơm nớp lo về sức khỏe của mình và nguy cơ phải cách ly hơn 14 ngày. “Chúng tôi không có cảm giác an toàn”, Basso nói. “Mọi người nên được cách ly trong môi trường vệ sinh, sạch sẽ, không phải trên một du thuyền đã có người nhiễm bệnh. Tổng thống Trump, hãy cứu chúng tôi với. Xin hãy phái máy bay đến đón người dân Mỹ về nước, cứu chúng tôi ra khỏi con tàu này”.

Claire Campbell, sinh viên năm ba trường Đại học Clemson, vốn ấp ủ ước mơ du học Trung Quốc trong 3 năm. Mọi thứ gần như đã sẵn sàng, cô đã học xong ngôn ngữ, viết cả tiểu luận và nộp hồ sơ vào Đại học Thượng Hải. Thế nhưng, ước mơ của Claire vỡ vụn trong phút chốc vì dịch bệnh tràn lan.

“Tôi hoàn toàn sụp đổ. Chưa bao giờ cuộc sống của tôi trống rỗng đến mức này”, cô gái 20 tuổi chia sẻ. Claire đang cách ly tại nhà ở Lexington, Nam Carolina, Mỹ. Ban đầu, cô dành hết thời gian cho việc đọc sách, vẽ tranh, nghe nhạc. Hiện tại, cô sinh viên trẻ tiếp tục theo đuổi các khóa học online để tự làm mình bận rộn. Thế nhưng, suốt ngày ru rú trong nhà đã khiến cảm giác về thời gian của Claire đảo lộn. “Tôi không nhớ nổi hôm nay là ngày gì, thứ mấy nữa. Giống như trong kỳ nghỉ vậy, bạn không ý thức được thời gian đã trôi qua thế nào”, cô nói.

Phóng viên của CNN tự khóa mình trong phòng khách sạn.

Hơn hai tuần trước, phóng viên David Culver, phóng viên ảnh Natalie Thomas và nhà sản xuất Yong Xiong của đài CNN lên đường đến Vũ Hán để đưa tin về dịch bệnh. Một ngày sau đó, họ hay tin chính quyền quyết định phong tỏa thành phố, đành phải rời Vũ Hán đến Bắc Kinh tiếp tục làm việc.

Biết mình không nên tiếp xúc với người khác, nhóm phóng viên chủ động cách ly với mọi người xung quanh, chuyển phòng khách sạn thành phòng làm việc và studio ghi hình, tiến hành biên tập nội dung mình thu thập từ Vũ Hán để đưa tin trên CNN. Khách sạn vẫn đưa cơm đến đúng giờ, nhưng nhân viên không được phép vào phòng của họ, chỉ gõ cửa, đặt thức ăn xuống rồi đi. Sau 14 ngày tự cách ly, ba phóng viên cũng rời khỏi khách sạn, song không quên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.

Jarred Evans hy vọng sớm gặp lại người thân.

Jarred Evans là một trong hàng trăm người Mỹ được sơ tán khỏi Vũ Hán, đưa đến các căn cứ quân sự trên khắp đất nước để y bác sĩ tiện theo dõi. Suốt hai tuần liền, anh trú tại Căn cứ Không quân March đóng tại hạt Riverside, California. Nam cầu thủ bóng đá đến Vũ Hán để tham gia thi đấu cho một đội tuyển Trung Quốc, nhưng chưa kịp dự thi đã nhận được lệnh sơ tán. Song, anh không hề u sầu mà còn cảm thấy lạc quan, môi trường cách ly sạch sẽ và an toàn khiến anh yên tâm hẳn.

“Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã làm việc rất hiệu quả”, anh khen ngợi. Mỗi ngày, CDC đều tổ chức họp với người dân có mặt trong căn cứ, nhằm giúp họ cập nhật tin tức về dịch bệnh. Trong thời gian cách ly, Jarred tranh thủ giải quyết công việc trên laptop, thời gian còn lại thì trò chuyện cùng gia đình hoặc chạy bộ. “Sau bữa tối, mọi người tự giác ai về phòng nấy. Chúng tôi chỉ muốn về với gia đình càng sớm càng tốt, thế nên mọi người tránh không giao lưu hay tiếp xúc thân mật để phòng nguy cơ lây nhiễm”, anh nói. “Chúng tôi tôn trọng nhau, thế nên không hề bắt tay hay ôm ai cả”. 

Frank Hannum và vợ nhẹ nhõm khi quay về Mỹ.

Sau khi sơ tán khỏi Trung Quốc, Frank Hannum và vợ được đưa đến căn cứ không quân Travis ở Fairfield, California. Cũng như Jarred, vợ chồng anh được nhà chức trách cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng trước khi đến tạm trú tại khách sạn cách đó chừng 5 phút đi đường. “Trong lúc hoảng hốt rời khỏi tâm dịch, nhiều người trong chúng ta đã vô tình lãng quên những điều ấm áp nhỏ bé”, Frank nói. “Các nhân viên CDC thật tuyệt vời, hết sức chu đáo và chuyên nghiệp”.

Chia sẻ

Theo

CNN

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất