Vòng quanh Thế giới

Vì sao dùng cùng loại vaccine Covid-19 nhưng tỷ lệ tử vong ở các nước rất khác nhau?

Theo VOV
Chia sẻ

Hầu hết các nước phát triển hiện đều có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng tại sao các đợt bùng phát Covid-19 ở một số nơi lại tồi tệ hơn những nơi khác? Đây là một trong những câu hỏi lớn của đại dịch Covid-19.

Khi xem xét dữ liệu ở các nước đã tiêm vaccine cho hơn 55% dân số và sử dụng các loại vaccine như Pfizer và AstraZeneca, có một điều rõ ràng là: Dường như không chỉ loại vaccine và mức độ tiêm chủng có tác động đến việc làm giảm số ca tử vong.

"Có rất nhiều yếu tố ngoài việc tiêm chủng dẫn đến các kết quả khác nhau tại các địa điểm. Thậm chí, tại những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao, chúng ta vẫn chứng kiến biến thể Delta có thể dẫn đến số ca mắc tăng vọt. Tuy nhiên, bạn có để ý đến sức ép lên các hệ thống y tế không? Cuối cùng thì theo tôi, chúng ta đang chứng kiến sự khác nhau về kết quả", Natalie Dean, giáo sư về thống kê sinh học tại Đại học Emory nhận định.

Chắc chắn dữ liệu trên chỉ là lát cắt trong một thời điểm. Không có gì đảm bảo rằng những quốc gia có số ca tử vong thấp có thể tiếp tục duy trì xu hướng này. Tuy nhiên, chúng ta rút ra được những bài học từ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử này.

"Chúng ta đã học hỏi được nhiều hơn trong một năm rưỡi qua về hệ miễn dịch của con người và các phản ứng với vaccine so với những gì chúng ta biết được trong những thập kỷ trước", John Wherry, giám đốc viện nghiên cứu về miễn dịch tại trường y Đại học Pennsylvania cho hay.

Vì sao dùng cùng loại vaccine Covid-19 nhưng tỷ lệ tử vong ở các nước rất khác nhau? Ảnh 1
Người dân đứng xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng Arena Treptow ở Berlin, Đức ngày 9/8/2021. Ảnh: Reuters

Khoảng cách giữa các mũi tiêm

Một số nơi chứng kiến tỷ lệ tử vong thấp hơn có khoảng cách giữa 2 mũi tiêm xa hơn so với khoảng thời gian 3 - 4 tuần vốn thường được áp dụng trên thế giới. Từng gây tranh cãi vào thời điểm được đưa ra nhưng quyết định của Anh hồi tháng 12 khi cho phép khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca kéo dài 12 tuần để nhiều người có thể tiêm mũi 1 hơn hiện càng được củng cố bởi các nghiên cứu khoa học khi cung cấp sự bảo vệ mạnh hơn.

Đan Mạch và Đức cũng thông qua việc trì hoãn lâu hơn khoảng cách giữa các mũi tiêm. Trong khi Đức cho phép khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca có thể lên tới 12 tuần thì Đan Mạch cho phép khoảng cách giữa 2 mũi tiêm Pfizer-BioNTech có thể lên tới 6 tuần.

Hiệu quả kết hợp của 2 mũi tiêm dường như sẽ được phát huy mạnh hơn khi mũi vaccine thứ hai được tiêm sau khi hệ thống miễn dịch phản ứng đầy đủ trước mũi tiêm thứ nhất - một giai đoạn có thể kéo dài hơn 1 tháng.

"Đây là một thí nghiệm miễn dịch tự nhiên", Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota ở Minneapolis nhận định về quyết định của Anh và Canada khi kéo dài thời gian giữa các mũi tiêm.

"Theo những gì chúng ta biết về miễn dịch học, hệ thống miễn dịch của con người sẽ phản ứng tốt hơn với mũi thứ hai nếu chúng ta chờ tới khi quá trình phát triển toàn diện được hoàn tất".

Chậm mà chắc

Theo Straits Times, có một sự tác động lẫn nhau đầy phức tạp giữa các chiến dịch tiêm vaccine và biến thể Delta dễ lây nhiễm. Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, biến thể này đã hoành hành dữ dội ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới trong thời điểm mùa xuân ở bán cầu bắc trước khi lan sang các nền kinh tế phát triển vào giữa năm.

Những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine nhanh nhất thế giới như Israel và Mỹ dường như có lá chắn miễn dịch yếu hơn vào thời điểm biển thể Delta tấn công bởi hệ miễn dịch dần suy giảm, các chuyên gia như Hitoshi Oshitani, một nhà dịch tễ học tại Đại học Tohoku, Nhật Bản cho hay.

Theo một nghiên cứu được tiến hành với 2 nhóm phơi nhiễm trước biến thể Delta, nhóm được tiêm vaccine 5 tháng trước có tỷ lệ mắc các “ca đột phá” (những người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19 – ND) cao hơn 50%.

"Với hệ miễn dịch dần suy giảm, bạn càng bắt đầu tiêm vaccine sớm hơn thì hiện giờ bạn càng có nguy cơ mắc các “ca đột phá” cao hơn. Điều này có lẽ giải thích tại sao chúng ta chứng kiến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở dân số Israel", ông Oshitani đánh giá.

Trái lại, ở các nước châu Âu, chiến dịch tiêm vaccine được khởi động chậm hơn khi các mũi tiêm được triển khai vào mùa xuân, chỉ vài tháng trước khi biến thể Delta bắt đầu lây lan.

Độ tuổi

Đan Mạch chưa từng chứng kiến làn sóng mắc bệnh hay tử vong lớn kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào đầu năm nay và quốc gia này đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế trong nước liên quan đến Covid-19. Các nhà chức trách cho biết, việc tập trung tiêm vaccine cho người cao tuổi trước đã giúp Đan Mạch giảm tỷ lệ tử vong.

"Chúng tôi dường như đã khá nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở những người cao tuổi, đặc biệt tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và tại nhà của những người cao tuổi", Soren Brostrom, người đứng đầu Cơ quan Y tế Đan Mạch cho hay.

Tập trung vào việc tiêm vaccine cho người cao tuổi cũng đã giúp Nhật Bản làm giảm tỷ lệ tử vong, mặc dù không cùng mức độ với Đan Mạch. Quốc gia này hiện đã tiêm vaccine cho khoảng 90% người trên 65 tuổi và hiệu quả của việc này đã được thấy rõ khi biến thể Delta gây nên số ca mắc kỷ lục hồi tháng 8.

Trong làn sóng Covid-19 này, tỷ lệ tử vong thời kỳ đỉnh dịch đã giảm 43% so với thời kỳ đỉnh dịch trước đó mặc dù số ca mắc cao gấp 2,5 lần. Nhật Bản - quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới có thể chứng kiến một viễn cảnh chết chóc hơn nhiều trong đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây nên nếu không ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi.

"Sự khác biệt về độ tuổi trong các ca mắc thực sự cần cân nhắc nghiêm túc. Chẳng hạn, nếu dịch bệnh chủ yếu lây lan ở trẻ em tại một nước và lây lan chủ yếu ở người cao tuổi tại một nước khác, những nước này sẽ có tỷ lệ ca mắc và ca tử vong rất khác nhau", Spencer Fox, chuyên gia tại Đại học Texas ở Austin, người chuyên xây dựng các mô hình bệnh truyền nhiễm cho hay.

Miễn dịch tự nhiên

Làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây nên trong mùa hè ở Nhật Bản đã cho thấy một nhân tố bí ẩn và phức tạp khác. Đó là miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng dân cư từ những đợt bùng phát dịch bệnh trước đó. Nhờ các biện pháp kiểm soát hiệu quả, các nước châu Á phần lớn tránh được điều tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 "tiền Delta" nhưng điều đó cũng tức là họ dễ tổn thương hơn trước biến thể dễ lây nhiễm này.

Cùng lúc đó, những làn sóng dịch bệnh "tiền Delta" lại giúp một số quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao ứng phó tốt hơn với biến thể này. Nam Mỹ - một khu vực bị biến thể Gamma và Lambda hoành hành đầu năm nay, hầu như trải qua những tác động rất hạn chế từ biến thể Delta, chủ yếu do việc lây nhiễm các biến thể trước đó đã tạo nên mức độ miễn dịch nhất định và sau đó càng được tăng cường hơn bởi chiến dịch tiêm vaccine, các chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, một sự khác biệt nữa nằm ở hành vi của người dân, ông Fox nhận định.

“Nếu những người chưa được tiêm vaccine tại một quốc gia hành động giống như bình thường và những người chưa tiêm vaccine ở một quốc gia khác hành động với sự thận trọng lớn hơn thì chúng ta cũng sẽ chứng kiến các xu hướng rất khác nhau".

Việc Mỹ ngần ngại thực hiện các biện pháp phong tỏa và sự khôi phục nhanh chóng việc đi lại trong nửa đầu năm nay đã góp phần khiến số ca tử vong do biến thể Delta gây nên đạt đỉnh với tỷ lệ cao hơn mức trước khi biến thể Delta hoành hành so với các nước châu Âu.

Dù vậy David Fisman, nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto đánh giá: "Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu được tình hình khi xem xét những điều đã xảy ra nhưng rất khó để hiểu được trong thời gian thực".

 

Chia sẻ

Theo

VOV

Nguồn bài viết

Tin mới nhất