Vòng quanh Thế giới

Công chúa Dubai bị chính cha ruột bắt cóc, giam cầm trong bóng tối

Theo Dailymail
Chia sẻ

Chảy trong người dòng máu cao quý, hai nàng công chúa vẫn phải đối diện với nguy cơ trùng trùng, thậm chí là bị bắt cóc và giam cầm bởi chính người thân của mình.

20 năm trước, Công chúa Shamsa bị bắt đi ngay trên đường phố tại Cambridge (Anh) sau khi trốn thoát khỏi biệt thự của hoàng gia UAE ở hạt Surrey. Từ đó trở đi, không còn ai trông thấy cô nữa. Thẩm phán Andrew McFarlane thuộc Tòa án Tối cao kết luận rằng công chúa đã bị giam giữ bởi chính thân phụ của mình, tức Tiểu vương Mohammed al-Maktoum. Giờ đây, Tiểu vương Dubai đang đối mặt với áp lực từ quốc tế, kêu gọi ông trả tự do cho Công chúa Shamsa và em gái của cô là Latifa, giải phóng họ khỏi lao tù trong cung điện.

Năm 2018, trước khi bị bắt lại vì liều mình chạy trốn, Latifa đã quay một đoạn video vạch trần sự thật về thủ đoạn tàn nhẫn của cha. Trong video này, cô tố cáo ông đã ép chị gái Shamsa dùng thuốc ức chế thần kinh, khiến cô ngơ ngác như xác sống. Suốt nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm, Shamsa phải chịu cảnh bị giam giữ ở nơi tăm tối, không được nhìn thấy ánh mặt trời. Chính vì thế, khi lần nữa được tiếp cận ánh sáng, cô không sao mở mắt nổi. Tuyệt vọng vì cuộc sống ngục tù trong cung điện ở Dubai, Shamsa đã nhiều lần tìm đến cái chết.

Một trong những hình ảnh hiếm hoi của Công chúa Shamsa.

Đến tận bây giờ, trải nghiệm khủng khiếp của nàng công chúa danh giá chỉ còn xuất hiện trong những báo cáo cũ xưa. Giữa tháng 7/2000, giận phụ vương ngăn cấm mình học đại học, lại chán ghét hệ thống luật nhân quyền của Dubai, cô công chúa 19 tuổi âm thầm chạy trốn khỏi dinh thự của hoàng gia tại khu bất động sản Longcross ở Surrey, nơi họ thường đến nghỉ hè.

Ngày hôm sau, chiếc xe bị công chúa bỏ lại sau màn chạy trốn vội vàng đã khiến các nhân viên an ninh ở dinh thự phát hiện ra sự việc. Hay tin con gái bỏ trốn, Tiểu vương Dubai tức tốc quay về từ trường đua ngựa ở Newmarket, Suffolk để giám sát tình hình. Thế nhưng, mọi manh mối có liên quan đến công chúa đều đi vào ngõ cụt. Tất cả những gì họ tìm được chỉ là chiếc điện thoại cũ bị Shamsa vứt đi.

Suốt vài tuần lẩn trốn, Shamsa trú tạm tại một nhà nghỉ ở phía nam London. Bất hạnh thay, ngày 19/8, cô bị 4 thuộc hạ của cha bắt được bên ngoài một quán bar ở Cambridge. Họ đã tìm được công chúa nhờ tra xét thông tin trong điện thoại của bạn bè cô. Thậm chí, vì để mua chuộc một người trong đó cung cấp thông tin cho mình, Tiểu vương còn đưa một chiếc đồng hồ Rolex làm quà.

Cô đã chạy trốn khỏi dinh thự của hoàng gia Dubai ở hạt Surrey, Anh.

“Nhóm người đó chĩa súng đe dọa tôi. Sau khi đến chỗ của cha tôi ở Newmarket, họ tiêm cho tôi hai mũi, còn ép tôi uống một nắm thuốc khác. Sáng hôm sau, một chiếc trực thăng đến đón tôi về lại Dubai. Tôi bị giam cầm từ đó”, Shamsa viết trong bức thư cầu cứu. “Trong thời gian bị cầm tù, tôi chẳng nhìn thấy một ai, kể cả người mà tôi gọi là cha. Tôi đã sớm biết tình cảnh này sẽ xuất hiện”.

Các nhân viên tại Longcross phải ký bản thỏa thuận không tiết lộ chuyện công chúa mất tích. Đến tháng 3/2001, cảnh sát Cambridgeshire nhận được một cuộc gọi từ luật sư tố cáo về sự việc của Shamsa. Trưởng thanh tra David Beck lập tức điều tra thông qua việc thẩm vấn bạn bè của công chúa, cũng như các nhân viên tại khu dinh thự. Mohammed Al Shaibani, một trong những trợ lý của Tiểu vương, được xác định có liên quan đến vụ bắt cóc.

Tiểu vương Dubai cho biết con gái ông thấy bức bối vì tầng bảo hộ chặt chẽ bên người. Ông nói rằng thân phận của công chúa khiến cô dễ gặp bất trắc hơn các bạn cùng trang lứa. Khi phát hiện Shamsa biến mất, ông và vợ đã lập tức cho người tìm kiếm vì lo rằng cô bị bắt cóc. May thay, cô đã bình an trở về.

Tuy nhiên, Thẩm phán Andrew cho rằng Tiểu vương đang cố che giấu sự thật rằng ông đã bắt cóc và giam cầm chính con gái của mình. Cảnh sát đã tiến hành điều tra vào năm 2001 và một lần nữa vào năm 2017, song cả hai lần đều không tìm được chứng cứ đủ để buộc tội Tiểu vương Dubai, đồng thời không thể trò chuyện trực tiếp với nạn nhân. Đến nay, vụ án này vẫn còn để ngỏ.

Tiểu vương Mohammed và vợ cũ là Công chúa Haya.

Công chúa Latifa cũng không tránh khỏi số phận như chị gái. Hai năm trước, cô có mặt trên du thuyền Nostromo vượt biển Ả Rập, đi về hướng Ấn Độ, trên tàu có một cựu điệp viên Pháp tên Herve Jaubert, một võ sư Phần Lan, cùng nhóm thủy thủ người Philippines. Công chúa đã chuẩn bị chiếc du thuyền này để đào tẩu khỏi lồng giam của cha và bắt đầu một cuộc sống mới ở nước ngoài. Thế nhưng, khi con tàu vẫn đang lênh đênh trên biển, hai chiếc thuyền máy gầm rú lao đến. 15 đặc công đeo mặt nạ, trên tay lăm lăm súng laser ném bom khói lên tàu, sau đó xông lên bắt gọn nhóm người chạy trốn.

Từ đó trở đi, không còn ai trông thấy công chúa. Mãi đến tháng 12/2018, cô mới xuất hiện trở lại trong tấm ảnh với bà Mary Robinson, nữ tổng thống đầu tiên ở Ireland. Trong cuộc gặp gỡ đó, bà Robinson cho biết Latifa vẫn đang sống hạnh phúc trong sự bảo bọc của gia đình. Song, biểu cảm khổ sở và hành vi tự thu mình lại của công chúa đã khiến dư luận thế giới nghi ngờ. Trong hoàn cảnh đó, Latifa hiểu rõ rằng nếu mình dám phản kháng, kết cục cô nhận được sẽ chỉ là một bệnh án tâm thần và mãi mãi sống trong bóng tối.

Công chúa Latifa.

Theo lời Latifa, một trong số 30 người con của Tiểu vương Mohammed với 6 người vợ của mình, phụ vương của cô là người đàn ông tàn độc nhất thế giới này. Với người ngoài, cuộc sống của công chúa được xem là sung sướng khi ở trong dinh thự có 100 người hầu hạ, có tài xế riêng, tự do đi du lịch, lặn biển, nhảy dù. Thế nhưng, cô bị theo dõi mọi lúc mọi nơi, không được phép lái xe và du lịch nước ngoài. Công chúa không thể tự giữ hộ chiếu của mình, mọi quyền tự do cá nhân đều bị tước đoạt.

Dinh thự xa hoa của Tiểu vương ở Dubai.

Năm 16 tuổi, Latifa từng cố trốn khỏi Dubai, song đã bị bắt lại lúc đến biên giới Oman. Khi trở về, cô bị giam cầm trong căn phòng tăm tối không có lấy một ô cửa suốt ba năm, còn bị đánh đập dã man. Năm 19 tuổi, công chúa đột ngột được trả tự do và thuê gia sư. Ngọn lửa khát khao được phóng thích lại bùng cháy trong Latifa, cô hạ quyết tâm bỏ trốn một lần nữa. Kế hoạch này kéo dài tận 7 năm ròng rã, nhưng vẫn thất bại trước thế lực của Tiểu vương Dubai.

Nhớ lại khoảnh khắc công chúa bị đặc công khóa chặt tay trên tàu, võ sư Phần Lan Tiina Jauhiainen, bạn thân của công chúa và là một trong những người giúp cô đào thoát, cho biết: “Latifa luôn miệng nói với đặc vụ Ấn Độ rằng mình đang xin tị nạn chính trị, song họ vẫn ghìm chặt và đá vào người, mặc cho cô la hét. Công chúa đau đớn kêu gào 'Đừng đưa tôi quay lại đó, bắn chết tôi ngay tại đây đi'”.

Cựu sĩ quan hải quân Pháp Herve Jaubert đã giúp cô chạy trốn.

Ngoại trừ công chúa, những người có mặt trên tàu đều bị thẩm vấn suốt mấy tiếng đồng hồ tại nhà tù ở UAE. Hai tuần sau, họ bỗng dưng được trả tự do. Lường trước được tình huống sau khi bị bắt, công chúa đã quay một đoạn video bóc trần sự thật về câu chuyện của mình và chị gái, sau đó giao cho một luật sư ở Mỹ. Vài ngày sau khi cô bị bắt, đoạn video được đăng lên YouTube, thu hút 4,2 triệu lượt xem.

Đáp lại cáo buộc xâm phạm nhân quyền, Tiểu vương Dubai cho biết cựu sĩ quan Jaubert đã lên kế hoạch bắt cóc con gái mình để tống tiền, do đó, hành động của ông đã giúp cô thoát khỏi nanh vuốt của bọn bất lương. Công chúa Haya, vợ cũ của Tiểu vương, yêu cầu ông đưa hai con đến Anh để tìm hiểu sự thật, song bị từ chối.

Chia sẻ

Theo

Dailymail

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất