Vòng quanh Thế giới

Chuyện những người trắng đêm canh gác bên những con đê ngăn lũ ở Trung Quốc

Theo South China Morning Post
Chia sẻ

Tối 11/7 lại tiếp tục là một đêm Wu Shengsong thức trắng. Đây là đêm thứ năm liên tiếp vị cán bộ địa phương này đi tuần tra bên bờ sông ở huyện Bà Dương, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây.

Vừa chuẩn bị vào ca trực, Wu đã nghe thấy tiếng sấm dậy trời, tia sét bổ ầm xuống lòe sáng cả một vùng. Người đàn ông lo sợ đứng yên, vừa e ngại giông tố quay cuồng trên đỉnh đầu vừa thầm lo mặt đất dưới chân sẽ sụp đổ. "Tôi hơi lo lắng. Dự báo thời tiết nói vài ngày tới vẫn có mưa", ông cho biết.

Wu là cán bộ tại một ngôi làng gần hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - hồ Bà Dương, thuộc tỉnh Giang Tây. Sáng 12/7, sau trận mưa lớn và dòng nước xả lũ ồ ạt đổ về từ thượng nguồn sông Dương Tử, mực nước đo được đã vượt mốc 22,5 m, khiến nhiều thị trấn và làng mạc nằm ngoài đê bảo hộ có nguy cơ bị nhấn chìm.

Wanli là một trong nhiều ngôi làng ở Trung Quốc bị dòng lũ chảy xiết tấn công. Đến nay, tình trạng báo động lũ lụt đã lan đến 27/31 khu vực cấp tỉnh của nước này. Tính đến ngày 11/7, ít nhất 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, gần 34 triệu người chịu thiệt hại vì trận lũ kinh hoàng ở đất nước tỷ dân. 

Tỉnh Giang Tây phía đông Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề vì lũ lụt.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực dọc theo sông Dương Tử. Theo Tân Hoa xã, tỉnh Giang Tây có 2.242 km trong tổng số 2.545 km đê điều đang đối mặt với hiện tượng mực nước vượt mức cảnh báo. Những cán bộ như ông Wu có nhiệm vụ giám sát đê gặp phải tình trạng đó.

Ngày 8/7, nước lũ tràn qua con đê mà Wu đang giám sát, khiến hàng loạt ngôi làng vùng trũng thấp chìm trong biển nước, 20.000 người dân phải sống trong cảnh mất điện và thiếu thốn nước ngọt. Trước đó một ngày, ông đã được giao nhiệm vụ tuần tra con đê, chuẩn bị ứng phó nước lũ. Wu cùng dân làng chia nhau làm việc, mỗi người theo dõi tình hình tại một đoạn bờ sông dài chừng vài trăm mét.

Ông luôn mang theo đèn pin bên người để tiện kiểm tra xem nước lũ có gây hư hại cho con đê hoặc vấn đề gì có khả năng phát sinh hay không. Trong lúc tuần tra, tầm mắt Wu dừng lại bên một ống nước nối từ bờ sông đến ao cá trong làng. "Chúng tôi đã lấp chỗ ống bằng bao cát, nhưng vẫn phải kiểm tra xem chúng còn nguyên vẹn không", ông giải thích.

Những người gánh trên vai nhiệm vụ giám sát đê điều hầu như suốt đêm không ngủ, chỉ có thể tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát. Nếu bắt gặp dấu hiệu đê vỡ hoặc có nguy cơ tràn nước, họ phải báo lên cấp trên để điều người đến xử lý, lấp kín các lỗ hổng. Không ai dám sơ suất dù chỉ một chút. "Chỉ một lỗ thủng cũng có thể gây họa lớn. Nước lũ chỉ cần vài phút để tràn vào chỗ của chúng tôi", ông nói.

Vô số ngôi nhà bị nhấn chìm trong dòng nước xiết.

Huang Di Qun, một người giám sát đê có mặt khi nước lũ dâng cao hôm 8/7, đang đứng canh gác trên cầu thì hay tin một bên bờ sông "thất thủ". Nước ồ ạt tràn ngập căn nhà, người dân nháo nhào chạy trốn lên cầu hoặc thậm chí trèo lên mái nhà để không bị lũ cuốn trôi. 

Tất cả ruộng lúa của Wu đều tiêu tan theo dòng nước lũ. Nếu nước rút nhanh, ông sẽ còn cơ hội cứu vãn ít nhiều, song điều này khó mà thành sự thật bởi mưa lũ có khả năng kéo dài thêm 2 - 3 tháng nữa. 

Dọc theo sông Dương Tử, mực nước ở hồ và nhánh sông vẫn không ngừng dâng, càng lúc càng đầy ứ. Giờ đây, Wu chỉ còn cách cố hết sức ngăn nước lũ phá bờ và cầu mong điều tốt nhất sẽ đến. "Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chờ xem tình hình thế nào", ông nói.

Chia sẻ

Theo

South China Morning Post

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất