Vòng quanh Thế giới

Du khách Anh kể về cuộc sống trong khu cách ly ở Việt Nam: ‘Tôi thấy như đi nghỉ dưỡng’

Theo Southeast Asia Globe
Chia sẻ

Cuộc sống trong khu cách ly ở Việt Nam đã được phác họa qua lời kể của Gavin Wheeldon, một du khách người Anh đã trú tại nơi này từ hôm 14/3.

Dưới đây là quá trình sinh hoạt tại khu cách ly ở Sơn Tây của Gavin Wheeldon từ ngày 14/3, khi chiếc máy bay chở anh hạ cánh tại Việt Nam sau hành trình bay thẳng từ thủ đô London, Anh:

5h sáng, tôi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, lòng ôm hy vọng về cuộc sống mới ở đất nước mình rất có cảm tình. Cuối cùng tôi cũng đến được Việt Nam. Vừa xuống máy bay, chúng tôi đã tiến hành khai báo y tế và được khử trùng kỹ lưỡng, mọi người đều như thế cả. Các nhân viên sân bay đều mặc đồ bảo hộ kỹ càng. Cảnh tượng này quá đỗi chân thực, không chỉ là những tấm ảnh trên báo nữa.

Các hành khách lần lượt đợi khử trùng và nộp hộ chiếu cho nhân viên. Bỗng dưng tôi thấy mừng thầm vì mình đã điền vào mẫu khai báo trực tuyến, nhờ vậy mà không phải xếp hàng. Tôi từng gặp phải nhiều hình thức khai báo rắc rối và dễ nhầm lẫn hơn nhiều. Sau đó, nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm từ họng và mũi tôi, sau đó ra hiệu cho tôi ngồi ở một khu cụ thể.

Gavin Wheeldon tại phòng ở khu cách ly.

Tôi lại nhìn dòng người đang chậm chạp nhích từng chút. Cả người phương Tây lẫn bản địa đều phải chờ. Thời gian dần trôi, mọi người bắt đầu nôn nóng, nhưng vẫn chưa ai biết được thông tin gì. Tôi nghe tiếng nhóm du khách cao tuổi gần đó than thở vì chờ đợi, nhưng sau đó tôi hiểu ra không chỉ hành khách mới bối rối - chính nhân viên sân bay cũng chưa rõ phải làm sao trong tình huống này. Có vẻ họ đang họp khẩn để xem nên đưa chúng tôi đi đâu.

Khoảng 4 - 5 tiếng sau, chúng tôi được thông báo về hai phương án. Thứ nhất, nhận lại hộ chiếu và đón chuyến bay khác rời Việt Nam. Thứ hai, ở lại và chấp nhận cách ly 14 ngày. Chúng tôi sẽ không cần trả bất cứ chi phí nào, trừ khi cho kết quả dương tính với COVID-19. Nếu đã nhiễm virus, người nước ngoài sẽ cần trả phí điều trị, còn công dân Việt Nam hoàn toàn được miễn.

Mọi người ở đó bắt đầu hoang mang và không ngừng hỏi đi hỏi lại, thực lòng tôi thấy thương phiên dịch viên. Cô ấy đến để giúp chúng tôi. Tình huống này hết sức nhân văn: chúng tôi đến làm khách ở một đất nước đang nỗ lực tự bảo vệ mình trước đại dịch, và sẵn lòng dùng thái độ ân cần như thế để đối xử với những người nước ngoài. Người Việt Nam thật tốt bụng.

Xe đưa người đến khu cách ly.

Tất cả công dân nước họ đều phải vào khu cách ly, còn chúng tôi được lựa chọn đi hoặc ở. Tuy nhiên, một khi đã quyết thì không có chuyện thay đổi. Chỉ còn lại 4 hành khách phương Tây là chúng tôi. Dù hoàn toàn không quen biết, nhưng chúng tôi có chung mục tiêu là vượt qua quãng thời gian này. Tôi không biết mình sẽ được đưa đi đâu, hay chuyện gì đang chờ đợi phía trước.

Chúng tôi theo họ lên xe, cho hộ chiếu vào túi sinh học màu vàng sáng. Khi xe lăn bánh, tôi bắt đầu nghĩ ngợi miên man. Liệu chúng tôi có được ăn uống đầy đủ không? Có phải ở gần người bệnh không? Theo thời gian, khung cảnh bên ngoài ô cửa dần thay đổi, từ phố phường tấp nập chuyển sang đường cao tốc, rồi đến vùng nông thôn, trước khi chúng tôi dừng lại ở một doanh trại quân đội.

Nhân viên khử trùng hành lý ở khoảng sân rộng.

Họ phun thuốc khử trùng lên người chúng tôi, sau đó đưa chúng tôi đến một khoảng sân rộng và tiếp tục khử trùng hành lý. Nhìn quanh quất doanh trại, tôi thấy có hai tòa nhà lớn cùng hàng rào. Mọi người đều mặc quần áo bảo hộ. Chúng tôi lần lượt đăng ký thông tin và theo nhân viên đến phòng của mình.

Dãy phòng của người châu Âu tách biệt với những người khác, phân chia thành khu nam - nữ. Những người có sức khỏe kém hoặc đi cùng trẻ nhỏ thì được ở riêng. Phải nói rằng hoạt động kiểm dịch ở đây đã được tổ chức nghiêm cẩn. Ngay khi cả thế giới đang lao đao trước sự tấn công ồ ạt của COVID-19, Việt Nam đã sớm có chuẩn bị kỹ càng để đối phó với dịch bệnh.

Trên đường đến phòng, tôi hiếu kỳ quan sát xung quanh thì trông thấy hàng rào, sân tập luyện và cánh đồng xa xa với người nông dân đang cần mẫn làm việc. Điều kiện ở đây tốt hơn nhiều so với mong đợi của tôi. Nhóm du khách phương Tây cùng ở chung một căn phòng có 10 chiếc giường tầng quân đội. Chúng tôi trò chuyện một lúc rồi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, chúng tôi có lời qua tiếng lại về việc nói chuyện trong khi có người đang ngủ. Nhưng sau đó, cả nhóm nhanh chóng làm hòa vì nhận ra mình cũng cần để tâm đến người khác. Cơn đói buổi sáng của tôi bị xua tan bởi chiếc bánh mì thơm lừng. Trước đây sao tôi lại bỏ lỡ hương vị tuyệt vời của món ăn này cơ chứ!

Người châu Âu và người Việt Nam được phân chia dãy phòng tách biệt.

Một lát sau, người lính quay về đơn vị đã mua thẻ SIM giúp tôi. Tôi muốn đưa tiền tips để cảm ơn anh ấy luôn giúp đỡ mình từ khi đến đây, nhưng anh từ chối, chỉ lấy tiền SIM. Phiên dịch viên cũng nhanh chóng đến khu cách ly và hỏi thăm chúng tôi về cuộc sống ở đây. Cô ấy cho biết mình không phải là người của Đại sứ quán, chỉ làm công việc tình nguyện viên để giúp mọi người. Cô ấy chấp nhận mạo hiểm để tương trợ những người như chúng tôi.

Đến nửa đêm, chúng tôi hay tin tất cả mọi người đều cho kết quả âm tính với Covid-19, trừ một quý ông lớn tuổi ngồi ghế thương gia. Nghe được tin ấy, trong lòng tôi vừa nhẹ nhõm vừa lo âu. Tôi có vô tình đứng gần ông ấy không? Tôi có chạm vào thứ gì ông ấy từng tiếp xúc không? Tôi chỉ biết vị khách này không đi cùng chúng tôi ở sân bay. Sau đó, chúng tôi liên lạc với người thân, trấn an họ và thông báo về việc ở lại Việt Nam trong 14 ngày.

Nhân viên khử trùng phòng ở mỗi ngày.

Cuộc sống bên ngoài vẫn an bình tiếp diễn. Những người lính đang làm việc không mệt mỏi để khử trùng phòng ốc mỗi ngày, đo thân nhiệt và dọn dẹp thùng rác của chúng tôi. Họ tận tụy cống hiến sức lực cho đất nước, cực kỳ thân thiện và chu đáo với người dân. Suốt mấy ngày nay, tôi cảm thấy mình đang đi nghỉ dưỡng chứ không phải cách ly phòng dịch. Trong phòng, chúng tôi quây quần chia sẻ thức ăn nhẹ, trái cây và nhận đồ “tiếp tế” gửi đến từ người thân ở phương xa.

Khi tôi ra khỏi phòng, một người đàn ông Việt Nam tiến đến chào hỏi. Anh ấy hỏi thăm tôi vài câu, sau đó hỏi phòng tôi có bao nhiêu người. Tôi trả lời “4”, người đàn ông ấy nói anh ta ở chung với 16 người khác. Lúc ấy, bạn cùng phòng nhắc khéo tôi rằng nếu nói thế sẽ khiến anh ấy hiểu lầm chúng tôi được hưởng đặc quyền khi cách ly. Tôi chợt nhận ra khi người ngày một nhiều, tình trạng bất ổn và hoang mang sẽ là một yếu tố đáng lo ngại khác.

Một du khách phương Tây khác chung phòng với Wheeldon.

Chúng tôi biết rằng khu cách ly sẽ có thêm 700 thành viên, và trong vòng 12 tiếng tới, những dòng người dài dằng dặc sẽ được xe liên tục đưa đến đây. Đến sáng, chúng tôi phát hiện mình có “hàng xóm” mới, tòa nhà đối diện cũng kín người. Số lượng người tăng chóng mặt khiến chúng tôi bắt đầu lo ngại về khả năng lây nhiễm từ người khác.

Phiên dịch viên cho biết chúng tôi được cách ly để tránh lây nhiễm cho người Việt Nam, không có nghĩa là sẽ hoàn toàn không nhiễm phải virus từ các du khách khác. Tôi tranh thủ đi dạo vài vòng và chụp ảnh trong khu cách ly. Bên ngoài vẫn có hành lý của ai đó, chẳng hiểu vì sao chưa được chuyển vào, bên cạnh là một chiếc xe đẩy em bé. Nhưng ít ra thì đến nay mọi thứ vẫn ổn, chúng tôi vẫn ở đây, cùng nhau. Rõ ràng là Việt Nam vẫn đang nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người được an toàn.

Chia sẻ

Theo

Southeast Asia Globe

Tin mới nhất