'Cánh tay phải' của Bill Clinton và hơn 4 thế kỷ đi khắp nơi thức tỉnh nhân loại về biến đổi khí hậu

Al Gore, Phó Tổng thống thứ 45 của Mỹ dưới thời ông Bill Clinton và cũng là nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng, đã có hơn 40 năm chu du khắp thế giới với hàng nghìn bài thuyết giảng cùng chiến dịch nhằm "thức tỉnh" mọi người hành động trước biến đổi khí hậu.

Bài viết Bích Kiên
Chia sẻ

Đứng giữa sân khấu trong khán phòng tại Berlin (Đức) vào mùa hè năm 2018, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore khiến 700 người chăm chú dõi theo bài thuyết giảng dài hai tiếng đồng hồ, với hàng trăm hình ảnh về “ngày tận thế” sắp sửa xảy đến nếu con người tiếp tục dửng dung trước biến đổi khí hậu.

“Ô nhiễm môi trường phát sinh từ hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra mỗi ngày đang tạo ra năng lượng nhiệt tương đương với 400.000 quả bom nguyên tử từng được thả xuống Hiroshima”, Gore nói và nhấn mạnh thực tế, con người, thông qua các hoạt động, đã thải ra trung bình 110 triệu tấn CO2 mỗi ngày - đây quả là một con số kỷ lục.

Những hình ảnh trình chiếu trong bài thuyết giảng của Gore là điểm đặc biệt nhất của chương trình kéo dài 3 ngày do dự án The Climate Reality Project triển khai nhằm trang bị cho những người tham gia “các công cụ để thay đổi thế giới”.

Từ năm 2006, dự án của cựu Phó Tổng thống Mỹ đã tạo ra nhiều chương trình như vậy cho gần 15.000 người trên khắp thế giới tham gia (trong đó những người sau này trở thành bộ trưởng môi trường hay thị trưởng thành phố hoặc lãnh đạo doanh nghiệp), với mục đích xây dựng lực lượng toàn cầu gồm các nhà hoạt động có thể truyền thông điệp đẩy nhanh các giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu.

Al Gore (năm nay 71 tuổi) sinh ra trong một gia đình có truyền thống về chính trị, là con trai của một thượng nghị sĩ Mỹ. Ông từng phục vụ trong cả hai viện của Quốc hội trước khi trở thành Phó Tổng thống dưới thời Bill Clinton. Bê bối phiếu bầu hồi năm 2000 với George W. Bush khiến Al Gore thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Gần 2 thập kỷ sau, những năm tháng hoạt động chính trị của ông dường như là “giai đoạn thực tập” để chuẩn bị cho sự nghiệp mới với tư cách là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng nhất thế giới, theo nhận định của Politico. Gore đã đi nhiều nơi để diễn thuyết về tình trạng nóng ấm toàn cầu mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Một bài đăng trên tờ The Concord Monitor năm 2007 từng viết, Al Gore là một trong những chính trị gia đầu tiên thấu hiểu mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, kêu gọi cắt giảm lượng khí thải C02 cùng các loại khí đốt gây hiệu ứng nhà kính.

Từ những năm 1970, ông tổ chức cuộc điều trần đầu tiên của Quốc hội Mỹ về chủ đề này. Suốt trong thời gian làm việc tại Quốc hội, Gore đã đứng ra đồng tổ chức các phiên điều trần về chất thải độc hại trong năm 1978-1979, cũng như về tình trạng nóng ấm toàn cầu trong thập niên 1980.

Ngày 14/5/1989, khi đang là thượng nghị sĩ, Gore cho đăng một bài xã luận trên tờ The Washington Post, ông viết: “Nhân loại đột nhiên bước vào mối tương quan mới với tinh cầu Trái đất. Những khu rừng trên khắp thế giới đang bị tàn phá, lỗ hổng khổng lồ trên tầng ozone đang ngày càng lan rộng, các loài sinh vật đang chết dần mòn ở mức độ cao chưa từng thấy”.

Vào Ngày Trái đất năm 1994, Gore công bố Chương trình GLOBE, một đề án giáo dục và khoa học, sử dụng những tiện ích Internet vào mục tiêu gia tăng sự quan tâm của sinh viên về môi trường sống của họ.

Tháng 7/2007, Gore và Kevin thuộc Save Our Selves triển khai một chuỗi những buổi hòa nhạc từ thiện được tổ chức tại các địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, trong nỗ lực đánh thức sự quan tâm của công chúng đối với sự biến đổi khí hậu. Cùng thời gian này, ông tuyên bố cộng tác với minh tinh điện ảnh Cameron Diaz tổ chức cuộc thi về khí hậu trên truyền hình 60 giây để cứu Trái đất, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Năm 2006, bộ phim An Inconvenient Truth (Tạm dịch: Sự thật phũ phàng) ra mắt đã gây chấn động dư luận toàn thế giới bởi những hình ảnh sống động và các số liệu phơi bày sự thật về hàng loạt thiên tai đang diễn ra trên toàn cầu. Bộ phim chỉ ra con người là tác nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu cũng như đưa ra cảnh báo về hậu quả nếu con người không hành động kịp thời.

An Inconvenient Truth theo chân cựu Phó Tổng thống Gore đi khắp thế giới để thức tỉnh mọi người và cải thiện hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên. Khoảng 2/3 thời lượng phim là cuộc diễn thuyết của cựu Phó Tổng thống Mỹ trước các sinh viên về môi trường và sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến Trái đất.

Với cách dẫn chuyện sống động và có phần hài hước, Gore nhẹ nhàng dẫn khán giả đi vào trọng tâm bộ phim với các thảm họa môi trường nghiêm trọng diễn ra như những tảng băng ở Bắc và Nam cực càng ngày càng tan rã nhanh chóng, các trận siêu bão, lụt lội diễn ra thường xuyên hơn…

Trong bộ phim, Gore kể rằng ông suýt nữa mất đứa con trai 6 tuổi sau một tai nạn xe cộ, và từ đó rút ra rằng: “Khả năng mất mát là thứ quý giá nhất tôi học được. Những gì chúng ta không trân trọng sẽ không còn lại cho con cháu chúng ta nữa”. Điều ông muốn nói là nếu chúng ta không cố gắng thay đổi hiện trạng khủng hoảng khí hậu hiện nay, số phận của con cháu chúng ta sẽ thật sự tồi tệ ra sao?

An Inconvenient Truth dường như là sự đúc kết quá trình dài vận động bảo vệ môi trường của cựu Phó Tổng thống. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim thống trị phòng vé quốc tế vào thời điểm đó và trở thành một trong những phim tài liệu thành công nhất mọi thời đại. An Inconvenient Truth đoạt giải Oscar năm 2007 cho thể loại phim tài liệu. Khi được trao giải Oscar, đạo diễn Davis Guggenheim yêu cầu Gore bước lên bục nhận giải cùng với đoàn làm phim. Gore khi ấy phát biểu ngắn gọn: “Chúng ta cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây không phải vấn đề chính trị mà là vấn đề đạo đức. Mọi thứ đã sẵn sàng để bắt đầu, miễn rằng chúng ta đủ quyết tâm”.

An Inconvenient Truth đã giúp Gore giành giải Nobel Hòa bình năm 2007 vì những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu.

Ngoài nhiều giải thưởng nhận được, một điều không thể phủ nhận là bộ phim đã thực sự giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu. Theo một nhà khoa học khí hậu nổi tiếng, bộ phim có tác động lớn hơn nhiều đến dư luận và nhận thức cộng đồng về thay đổi môi trường so với bất kỳ bài báo hay báo cáo khoa học nào.

Al Gore dù thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2000, từng bị George W.Bush tấn công khi gọi là “kẻ thần kinh luôn ám ảnh và cực đoan về môi trường”, ông chưa bao giờ từ bỏ việc dùng ảnh hưởng của mình để thông qua các chiến dịch vận động thay đổi môi trường, “đánh thức” mọi người về khủng hoảng khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Như chính lời Gore từng nói, ông không coi hành động của mình với môi trường là vấn đề chính trị mà là vấn đề đạo đức của con người, đặc biệt cho các thế hệ con cháu sau này.

Khi lập dự án The Climate Reality Project, Gore nghĩ cần thực hiện một nhiệm vụ đơn giản: xúc tác một giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu bằng cách biến hành động khẩn cấp trở thành hành động cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội. Ông tin vấn đề không phải là bạn bầu cho ai, bạn đến từ đâu mà khi nhận thấy khủng hoảng biến đổi khí hậu tác động tới cuộc sống của bạn và những người yêu thương, bạn muốn đứng lên và hành động.

Bài viết

Bích Kiên

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ