Vòng quanh Thế giới

Cảnh sát Ấn Độ đội mũ bảo hiểm virus corona ngăn người dân ra đường giữa đại dịch

Theo CNN
Chia sẻ

Một cảnh sát Ấn Độ đã không ngần ngại đội chiếc mũ bảo hiểm hình virus corona để cảnh báo những người vẫn ngang nhiên ra đường trong lúc cả nước đang phong tỏa tránh dịch COVID-19.

Nhằm phòng tránh lây lan virus SARS-CoV-2, giới chức Ấn Độ đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong ít nhất 3 tuần, bắt đầu từ hôm 25/3. Điều này cũng có nghĩa là 1,3 tỷ người dân tại 36 bang và vùng lãnh thổ nước này không được tự ý ra đường khi chưa được cho phép và sẽ bị trừng phạt nếu cố tình vi phạm lệnh cấm.

Tất cả các cửa hàng, nhà máy, văn phòng, chợ, địa điểm sinh hoạt tôn giáo và công trường đều phải đóng cửa, một số phương tiện giao thông công cộng cũng ngưng vận hành. Chỉ có các dịch vụ thiết yếu như y tế, chữa cháy và các cửa hàng tạp hóa vẫn được phép hoạt động.

Tuy nhiên, bất chấp quy định nghiêm ngặt của chính phủ, một bộ phận cư dân nước này vẫn cố tìm cách thoát khỏi cuộc sống cách ly với xã hội. Trước tình hình đó, Rajesh Babu, một cảnh sát tại thành phố Chennai ở phía nam đất nước, đã nghĩ ra phương pháp vô cùng sáng tạo để giúp người dân ý thức được sự nghiêm trọng của đại dịch. Trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra và thẩm vấn người đi đường tại trạm kiểm soát, viên sĩ quan luôn đội chiếc mũ bảo hiểm màu đỏ, có gai nhọn được gắn kèm bóng đèn. Chiếc mũ này được chế tạo phỏng theo hình dạng của virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19.

Babu đội chiếc mũ độc đáo trong lúc làm nhiệm vụ.

B. Gowtham, người sáng lập tổ chức Art Kingdom có ​​trụ sở tại Chennai và là nghệ sĩ đã tạo nên chiếc mũ độc đáo, cho biết anh nghĩ ra ý tưởng này khi chứng kiến thái độ thờ ơ của người xung quanh với việc phòng tránh dịch bệnh. “Mọi người không chú ý giữ gìn vệ sinh”, anh nói. “Chính phủ đã ban hành lệnh cấm người dân tự ý ra đường, nhưng không hiệu quả là bao. Nhiều người vẫn lang thang khắp nơi mà chẳng có trang bị bảo hộ, đến cả khẩu trang cũng không đeo”.

Gowtham cho rằng thái độ thờ ơ của mọi người xuất phát từ việc họ không thấy được hậu quả của dịch bệnh, cũng có nghĩa là COVID-19 gần như “vô hình” trong mắt họ. Vì vậy, anh quyết định phải tạo ra vật gì đó mang tính cảnh báo, khiến những người còn đang chủ quan phải nhận ra sự thật rằng virus đang ở xung quanh mình. “Chỉ khi làm như thế, họ mới biết sợ hãi và tự giác nâng cao ý thức”, anh chia sẻ.

Nghĩ là làm, Gowtham đến ngay sở cảnh sát gần nhất để trình bày về ý tưởng của mình. “Đội ngũ cảnh sát đã làm việc cả ngày lẫn đêm, tôi muốn giúp khối lượng công việc của họ giảm nhẹ phần nào và khiến mọi người nhận thức rõ hơn về dịch bệnh”, anh nói. Sau khi đội cảnh sát đồng ý hỗ trợ, anh lập tức bắt tay vào việc.

Lúc ấy, mọi cơ sở kinh doanh ở Ấn Độ đều đóng cửa, nên Gowtham đành tận dụng “cây nhà lá vườn” như mũ bảo hiểm bị hỏng, ống nước, báo cũ và khăn giấy để mô phỏng hình dạng của virus corona. Sau khi tác phẩm ra đời, sĩ quan Babu là người đầu tiên xung phong đội chiếc mũ có một không hai này đi tuần tra. Với chiếc mũ nổi bật trên đầu, viên cảnh sát đã tiếp cận nhiều ô tô và xe máy đi ngang trạm kiểm soát, giải thích cho họ hiểu về tầm quan trọng của việc cách ly xã hội, dùng trang bị bảo hộ khi ra đường và tuyệt đối ở yên trong nhà trừ trường hợp bất khả kháng.

Cận cảnh chiếc mũ bảo hiểm có một không hai của cảnh sát Ấn Độ.

“Nếu bạn dám ra ngoài, tôi sẽ vào trong [phổi bạn]”, Babu sắm vai virus SARS-CoV-2 để cảnh cáo người qua đường. Quả nhiên, sáng kiến này đã được công chúng đón nhận. Nhiều người chân thành cảm ơn Babu vì đã giúp họ nhận ra mức độ nguy hiểm của đại dịch, sau đó yên ổn quay về nhà.

Tính đến ngày 30/3, Ấn Độ đã ghi nhận 1.071 ca nhiễm bệnh và 29 ca tử vong vì COVID-19. Ngay trong ngày 24/3, Thủ tướng Narendra Modi đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ ngày 25 trở đi. Theo Gowtham, thông báo khẩn cấp và ngắn gọn của nhà chức trách có thể là lý do khiến người dân xem nhẹ dịch bệnh lần này.

Trong bài phát biểu vào ngày 29/3, Thủ tướng Modi đã gửi lời xin lỗi đến toàn dân vì quyết định phong tỏa đất nước, song nhấn mạnh rằng đó là lựa chọn duy nhất tại thời điểm nguy cấp này. “Tôi thấu hiểu những khó khăn mà mọi người gặp phải, nhưng với một quốc gia có dân số 1,3 tỷ người như Ấn Độ, chúng ta không còn cách nào khác ngoài phong tỏa để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông nói. “Trong trận chiến sinh tử này, chúng ta nhất định phải thắng. Do đó, những biện pháp quyết liệt như trên là điều cần làm”. 

Chia sẻ

Theo

CNN

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất