Vòng quanh Thế giới

Bộ tộc thiểu số Amazon đối diện nguy cơ diệt vong sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên

Theo Metro
Chia sẻ

Dù sống cuộc đời biệt lập với xã hội bên ngoài, song một bộ tộc thổ dân ở rừng nhiệt đới Amazon cũng không thoát khỏi nguy cơ bị dịch COVID-19 tấn công.

Ngày 3/4, thiếu niên 15 tuổi của bộ tộc Yanomami được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Roraima (Brazil) trong tình trạng khó thở, tức ngực, đau họng và sốt. Ngày 7/4, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện trong tộc người này, hiện đã được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Tộc người Yanomami sống “ẩn cư” trong rừng Amazon.

Với đặc tính sống biệt lập với thế giới bên ngoài, những bộ tộc thổ dân trong rừng Amazon đặc biệt yếu ớt trước sự tấn công của dịch bệnh, bởi họ không có cơ hội phát triển hệ miễn dịch với nhiều chủng virus như phần còn lại của thế giới. Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta nhận định ca bệnh đầu tiên trong bộ lạc này là trường hợp “rất đáng lo ngại”.

“Chúng ta phải cẩn trọng gấp 3 lần khi đối phó với dịch bệnh tại các khu vực sinh sống của dân tộc thiểu số, đặc biệt là những bộ tộc ít khi liên hệ với thế giới bên ngoài”, ông nói. Hiện tại, Brazil đã ghi nhận 7 ca nhiễm COVID-19 từ các bộ tộc thiểu số. Bệnh nhân đầu tiên là một cô gái 20 tuổi người Kokama, cho kết quả dương tính vào tuần trước.

Lối sống khép kín, tách biệt khiến họ có hệ miễn dịch không phát triển như thế giới bên ngoài.

Brazil là nơi sinh sống của hơn 800.000 dân cư thuộc 300 dân tộc thiểu số. Trong đó, bộ tộc Yanomami có dân số khoảng 27.000 người, nổi tiếng với truyền thống vẽ hoa văn và xỏ khuyên trên người. Sống cuộc đời tách biệt cho đến giữa thế kỷ 20, tộc người này đã bị tàn phá nặng nề bởi bệnh sởi và sốt rét trong thập niên 70.

Ngày 9/4, tiểu bang Amazonas cho biết tất cả giường bệnh và máy thở tại đây đều đã phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19. Khi virus lây lan khắp đất nước từ tâm dịch Sao Paulo, sự chênh lệch về hệ thống y tế giữa các khu vực khác nhau đã lộ rõ. Thủ phủ Manaus với quy mô 2 triệu dân ở Amazonas bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 800 trường hợp dương tính được xác nhận. Đây cũng là thành phố duy nhất sở hữu đơn vị chăm sóc tích cực. Trong số khoảng 900 ca bệnh tại tiểu bang, có hơn 40 người đã thiệt mạng.

Tộc người này đang đối diện nguy cơ khi phát hiện bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.

Rosemary Pinto, người đứng đầu cơ quan y tế toàn tiểu bang, khẩn thiết kêu gọi người dân thực hiện nghiêm lệnh cách ly xã hội để tránh nhiễm COVID-19. “Vẫn còn quá nhiều người đi trên đường”, bà nói trong một cuộc họp báo. “Nhiều người thản nhiên ngồi trước cửa nhà, xếp hàng dài dằng dặc trước quầy giao dịch ngân hàng, kể cả các cụ cao tuổi dễ gặp nguy hiểm khi mắc bệnh. Đó là lý do có nhiều người chết đến thế”.

“Hầu hết các trường hợp tập trung ở Manaus, nhưng khi virus lây lan đến vùng nội đô và len vào các xóm làng hẻo lánh, tình thế sẽ biến thành thảm họa”, trích lời Marcelo Ramos, một nhà lập pháp đại diện cho bang Amazonas. Các chuyên gia y tế và nhân chủng học cũng lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của đại dịch đối với 850.000 thổ dân tại Brazil vì họ không có khả năng miễn dịch với nhiều loại bệnh, đồng thời sống quây quần trong các ngôi nhà chung, gây bất lợi cho việc cách ly xã hội.

Chia sẻ

Theo

Metro

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất